BÁNH CHƯNG - HỒN TẾT

Nói đến Tết của người Việt Nam thì nhất định phải nói đến bánh chưng. Không có bánh chưng, không thành Tết.
BÁNH CHƯNG - HỒN TẾT
      Thứ bánh mà hoàng tử Lang Liêu - một trong những người con của Vua Hùng thứ mười sáu làm ra để dâng lên vua cha nhân dịp đầu năm.
      Nghĩa cử ấy, ngày nay, người dân Việt từ Bắc chí Nam đều đã biết.                                                                           
      Nhân dịp đầu xuân Tân Sửu / 2021, xin được thủ thỉ đôi lời về bánh chưng ngày tết:                                                                               
      Ở đồng bằng Bắc bộ, hầu hết người ta gói bánh hình vuông, gọi là bánh chưng. Dân miền Nam thì gói dài dài, giống cái giò, gọi là  bánh tét. Đồng bào miền núi gói giống bánh tét của miền Nam, nhưng lại gọi là bánh tày. Bánh chưng, bánh tày hay bánh tét đều là “hồn cốt của Việt Nam”,  là sự hiện diện của “nền văn minh lúa nước”.
      Có lẽ bánh chưng là thứ bánh giản dị nhất trong các loại bánh, bởi nguyên liệu chính chỉ là gạo nếp, đậu xanh và thịt lợn; nhưng khi thưởng thức thì mới nhận thấy rằng: bánh chưng đứng vào hàng ngon nhất trong các loại bánh của mọi dân tộc trên thế giới.
      Bánh chưng chuẩn nhất phải được gói từ nếp cái hoa vàng; đậu xanh thì chọn loại hạt tròn vừa, ruột vàng, cắn giòn tanh tách; thịt lợn thì phải chọn loại thích hợp làm nhân; rồi muối trắng, hạt tiêu và nếu có bọng hương cà cuống thì bánh càng ngon tuyệt.
Bánh chưng Tết nhất thiết phải được gói bằng lá dong rừng.                   
      Ngày xưa các cụ nhà mình chọn lá dong rất kĩ (nhất Tuyên, nhì Hà, tam Yên, tứ Thái / tức là Tuyên Quang, Hà Giang, Yên Bái, Thái Nguyên). Người cất buôn lá dong phải vượt qua hàng trăm cây số thì mới có được lá dong ưng ý từ núi rừng miền ngược về tới chợ miền xuôi. Lá tốt là loại lá to đều vừa phải, dày vừa phải, dai vừa phải, cuống lá dài vừa phải. Bánh chín, bóc ra thì ngoài cùng ruột bánh phớt xanh màu rừng; đưa mũi gần, ngửi thật khẽ sẽ thấy thoang thoảng thơm mùi lá dong - hòa quyện tình người miền xuôi, miền ngược.
Củi dùng để đun nấu bánh chưng cũng là cả “một vấn đề”.                       
      Nếu đun bằng củi tạp nham, bạ gì đun nấy, ngọn lửa phập phù, lúc to lúc nhỏ thì bánh không thể nào ngon được. Tốt nhất phải là củi gộc tre thật khô, ngọn lửa bền, cháy nỏ, phụ thêm vỏ trấu rắc xung quanh; nước và lửa như reo, như cười cùng người thức đêm đun bánh!
Bánh chín vớt ra được tắm qua nước lạnh rồi nén cẩn thận, sau đó treo lên hoặc bây giờ thì cất vào tủ lạnh để đảm bảo chất lượng ngon lành qua nhiều ngày tết. Có bài thơ xuân đậm chất trữ tình đã mô tả:
Em có cặp bánh nếp
Thơm từ rừng lá dong
Cùng sợi giang óng nuột
Ấm vòng tay lạt hồng!.                                                                    
      Vậy là quên chưa nói đến lạt giang ràng bánh, lạt giang này cũng xuất xứ từ đồi núi. Ở Thạch Thất, có câu tục ngữ: “Mua quạt về Chàng, mua giang về Gượm”. Gượm chính là xã Cần Kiệm trồng rất nhiều giang. Nơi đây, Tết Đinh Hợi 1947, Bác Hồ đã ở 19 ngày đêm, trước khi lên đường tới chiến khu Việt Bắc.
      “Lạt hồng” trong bài thơ đó đẹp như một dấu cộng nổi bật trên nền lá xanh của cặp bánh chưng mà các chàng rể mang lễ Tết nhà bố vợ. Cặp bánh được đặt trang trọng lên Ban Thờ; biểu hiện tấm lòng thành kính, tôn nghiêm cùng cầu ước sự sinh sôi, nảy nở - sức sống trường tồn của muôn đời con cháu.
      Cho nên bánh chưng ngày Tết vừa mang nét cách văn hóa phồn thực, vừa mang nét cách văn hóa tâm linh.                                       
      Bánh chưng sẽ mãi mãi hiện sinh trong tâm thức Việt, đời sống Việt, là Hồn Tết của dân tộc Việt!


                                            PHÙNG VIỆT HÙNG
                                          Làng Bùng, Phùng Xá, Thạch Thất, Hà Nội