ĐỀN GIÓNG SÓC SƠN

Quần thể di tích Đền Gióng Sóc Sơn nằm ở khu vực núi Vệ Linh – hay còn gọi là núi Sóc, thôn Vệ Linh, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Khởi nguồn của quần thể di tích này chỉ là một miếu thờ Đổng Thiên Vương rất nhỏ và chùa Non Nước được xây dựng từ thời Vua Đinh Tiên Hoàng. Trong cuộc đấu tranh chống giặc Tống, vua Lê Đại Hành cùng các tướng sĩ trên đường hành quân đã vào làm lễ cầu Thánh Gióng phù hộ cho trận đấu và trong trận đấu này, quân Tống thua lớn nên khi quay về, vua Lê Đại Hành đã vào lễ tạ và sai người tìm gốc trầm hương để tạc tượng thần và cho xây dựng khu vực này thành khu vực đền rất uy nghi và phong thành Đền Phù Đổng Thiên Vương. Khu vực này được xếp hạng Di tích Quốc gia vào năm 1962.
ĐỀN GIÓNG SÓC SƠN
         Quần thể di tích Đền Sóc này gắn liền với truyền thuyết Thánh Gióng đánh thắng giặc Ân.  Truyền thuyết kể rằng, xưa ở xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội vào thời vua Hùng Vương thứ 6 có một cậu bé tên là Gióng, cậu bé là “người trời” đầu thai, tuy đã 3 tuổi nhưng vẫn chưa hề biết nói biết cười, chưa biết đi đứng. Khi giặc Ân tràn sang xâm lược đất nước thì cậu bé Gióng bỗng nhiên cất tiếng gọi mẹ, nhờ ba mẹ gọi sứ giả của nhà Vua vào xin “một cái roi sắt, một áo giáp sắt và một con ngựa sắt” để đi đánh giặc. Sau khi nhà Vua cho người mang những thứ Gióng yêu cầu đến thì Gióng vươn vai lớn nhanh như thổi thành một chàng trai cường tráng. Cậu bé Gióng đi đến đâu, quân giặc khiếp sợ và bỏ chạy tới đó, truyền thuyết còn kể rằng cậu đánh nhau với quân giặc gẫy cả roi sắt Vua ban nên nhổ bụi tre bên đường quật vào giặc và Gióng đuổi quân giặc đến chân núi Sóc. Gióng lên đỉnh núi Sóc quỳ lạy ba mẹ rồi cùng ngựa sắt bay lên trời. Từ đó, mọi người đều gọi cậu là Thánh Gióng,Vua nhớ công lao của Thánh Gióng nên cho lập miếu thờ ở chân núi Sóc và ở quê nhà của Thánh Gióng.
 

Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội thăm tường đài Thánh Gióng ở đền Sóc
        Thánh Gióng còn là một trong 4 vị Tứ Bất Tử của tín ngưỡng văn hóa dân gian Việt Nam. Ông là vị Thánh tượng trưng cho tinh thần chống giặc ngoại xâm và sức mạnh của tuổi trẻ. Hiện nay, quần thể di tích Đền Sóc bao gồm Đền Trình, Đền Mẫu, chùa Non Nước, Chùa Đại Bi, Đền Thượng, Hòn đá Trồng, Tượng đài Thánh Gióng và các bia đá ghi lại lịch sử Lễ hội Đền Sóc. Gần đó còn có Học viện Phật giáo Việt Nam.
 
                                               PHAN LẠC SẮC Sưu tầm