HÌNH PHẠT

Hôm nay lang thang đọc tin tức trên Facebook thấy có tin cô giáo phạt học trò quỳ trên lớp, có cháu vâng lời quỳ có cháu cãi cô là xúc phạm nên không quỳ và bỏ ra khỏi lớp. Hôm trước có thầy giáo dạy thể dục phạt các cháu thụt đầu vì quên mang bóng, vậy mà phụ huynh đã yêu cầu nhà trường kỷ luật thày giáo, "do áp lực nên nhà trường đành phải kỷ luật thày , cô chứ nhà trường không muốn thế..." thày HIỆU TRƯỞNG đã nói như vậy, đây là hai trường hợp mà xảy ra gần đây nhất, còn nhiều trường hợp như : không mang vở, cô mắng, gọi người nhà đánh cô, đi học mải chơi thày phạt thì gọi cậu ra đánh thày ....
Lớp học cách đây khoảng 80 năm
      Thời phong kiến, nghề giáo xem là 1 nghề rất cao quý, được xã hội tôn vinh, kính trọng. Sự tôn trọng được thể hiện qua ca dao, tục ngữ như " tôn sư trọng đạo" " nhất tự vì sư, bán tự vi sư" " muốn sang thì Bắc cầu kiều, muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy" " tiên học lễ, hậu học văn" học trò coi người thày như cha mẹ mình " mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thày" khi thày chết thì trò phải để tang, chỉ có điều không mặc đồ tang như để tang cha mẹ. Đối với cha mẹ học trò cũng rất tôn trọng thày, luôn đề cao địa vị của thày " quân, sư, phụ" coi việc học của con là " học để làm người, biết điều hơn thiệt, biết lời thị phi" vì vậy dù nghèo thì cũng " kiếm năm ba chữ để làm người" chính vì coi trọng đạo làm người đó mà các cụ ngày xưa luôn biết ơn, trân trọng và biết ơn thày giáo " công cha, áo mẹ, chữ thày" 3 nghĩa lớn đó thể hiện sự tôn vinh công lao to lớn của người thày. Trong sử sách còn có ghi tên các ông thầy vĩ đại như CHU VĂN AN , NGUYỄN BỈNH KHIÊM, LÊ QUÝ ĐÔN .....hay trong văn học còn thấp thoáng những người thày với nhân cách cao cả như trạng Quỳnh, XIỂN BỘT hay ông giáo Thứ....
      Trong cuộc sống thường nhật thì thày giáo cũng như người cha trong nhà, đón thày về phụng dưỡng thày, cơm bưng nước rót cho thày để thày truyền cho chữ thánh hiền kể cả con vua con quan mà có lỗi thì vẫn bị thày xử phạt đòn như thường 
      Ngày nay, truyền thống tôn sư trọng đạo đó ngày càng mai một vì sự " bình đẳng " và " dân chủ", cách đây mấy chục năm, chúng tôi đi học, nếu bị phạt thì nhẹ cũng phải quỳ hay đứng góc lớp, nếu viết xấu thì bị cô đánh vào tay, hay nghịch thì thày còn quật vào mông bằng thước lim nặng thì đi quét nhà vệ sinh hay đi lao động đóng gạch hay cuốc đất cho trại rau, dù vậy nhưng không ai dám than trách, không dám mách bố mẹ vì sợ bố mẹ đánh thêm, họp phụ huynh là ngày đáng sợ nhất vì thày cô mà mách gì thì về liệu hồn, ngày hôm đó phải lo chăm chỉ quét nhà quét cửa sạch sẽ vì thật ra học trò có bao giờ hết tội đâu, bố mẹ chúng tôi thì tin lời thày cô như thánh, bố mẹ chúng tôi luôn tin rằng thày cô có đánh hay phạt con mình cũng chỉ là mong cho con mình tốt lên mà thôi, 
      Khi con chúng tôi đi học, thập niên 90 cuộc sống cũng khó khăn nên thày cô cũng có đôi người thực dụng nhưng chúng tôi vẫn luôn tôn trọng, và đến tận bây giờ con cái chúng tôi vẫn luôn yêu quý thày cô từ cấp 1 đến hết bậc phổ thông, chúng tôi vẫn coi các cô là bạn bè. Ngay cả bản thân chúng tôi cũng vẫn coi thầy cô giáo của mình là những người thân thiết, dù mấy chục năm xa mái trường nhưng vẫn luôn thăm hỏi các thày cô giáo cũ, chưa bao giờ coi những hình phạt năm xưa là những điều sỉ nhục hay xúc phạm gì cả
      Tôi thấy rất bất bình khi thấy vị luật sư rởm có con bị phạt mà đến trường bắt cô giáo quỳ, vậy ai còn dám dạy con các vị, hay các vị đánh thày cô trước mặt con thì sau này có dám chắc con cái các vị ỷ thế bố mẹ đi đâm chém người khác hay nguy hơn cả là đâm chém lại cha mẹ mình hay không? Tôi nghiệm thấy: thường bố mẹ côn đồ thì con cái cũng côn đồ, bố mẹ hung hãn thì con cũng lấc xấc, bố mẹ chửi tục nói bậy thì con cũng ăn nói mất dậy, bố mẹ thế nào thì con cái như vậy, " rau nào thì sâu ấy " mà, khi bố mẹ bênh con trước cái xấu thì tạo cho con thói ích kỷ, và người hưởng thụ tính ích kỷ của con cái nhiều nhất chính là bố mẹ mà thôi,
      Tôi không phủ nhận có nhiều thày cô đã quên mất bổn phận hay nhân cách để làm điều xấu, nhưng trong hàng vạn giáo viên tốt đang ngày ngày tận tụy " bán cháo phổi" để dạy dỗ học trò thì con số xấu đó chỉ là số nhỏ mà thôi. 
      Đánh thày, đánh cô hay làm những trò ăn vạ đó liệu có thỏa mãn được cái tôi của các vị hay không hay chỉ nêu tấm gương xấu cho con mình mà thôi, lúc con cái hư hỏng mất dạy lại quay lại oán trách nhà trường là không dạy dỗ con mình.
      Tôi vẫn biết ơn bố tôi vì ngày xưa đã đánh tôi mấy roi đau vì tôi đi ăn trộm cây tỏi của cô hàng xóm vì tò mò, bố tôi bắt mang cây tỏi để đúng vào cái lỗ mà tôi nhổ, sang xin lỗi cô hàng xóm sau đó về tự tìm roi, nằm xuống và nhận mấy roi, bà ngoại tôi là người rất thương cháu nhưng lúc đó bà nói" ăn trộm ở nhà bố đánh không chết nhưng sau ra đường người ta đánh mới chết, bé không vin, cả gãy cành" đúng là thấm thía.

Cô giáo ân cần chỉ bảo học sinh
      " Bé không vin, cả gãy cành" đó là đạo lý, là quy luật vậy mong các vị có con hãy nhớ rõ điều này để dạy con và răn mình, cuộc đời này " tre già, măng mọc" các vị ạ 
      Hình phạt, nếu nói nhẹ thì là hình thức kỷ luật khi làm sai phạm điều gì đó, nói nặng thì là hình phạt hay là sự sỉ nhục hay xúc phạm gì gì đó, tất cả chẳng qua chỉ do cách nói, cách suy luận vấn đề mà thôi, nếu bạn dạy con mình mà không có thưởng phạt rõ ràng thì sẽ tạo ra một đứa trẻ bất cần vì tốt chẳng được khen, xấu chẳng ai chê thì phấn đấu làm gì? Khi con bạn học tốt ngoan, thì được nêu gương cho các bạn học tập vậy lúc con bạn hư thì không lẽ lại muốn bỏ qua hay sao?
      Đã có lần nào trong đời bạn đánh con chưa? Hay đã mấy lần bạn mắng con bạn( thậm chí là chửi) câu nói " tao quật chết bây giờ, " hay tao " tát chết bây giờ " vẫn là câu cửa miệng của nhiều ông bố bà mẹ nhưng đâu phải họ không thương con mà đánh mà chửi đâu, có đánh hay phạt cũng là việc bất đắc dĩ mà nói trắng ra là vì bất lực mà phải đánh thôi, thày cô cũng vậy, hình phạt cũng là bất lực mà thôi chứ đau lòng lắm. Các cụ vẫn nói " yêu cho roi cho vọt" đấy mà
      Nhìn lại cách dạy con của chúng mình vẫn mang tính chất chiều con quá, đối với trẻ con Tây nếu nó bị ngã thì bà mẹ sẽ đến và nói" lần sau con phải cẩn thận hơn," còn với cách dạy của các bà các mẹ Việt  thấy con ngã thì chạy ra nâng con cháu mình dậy và đánh "chừa" chỗ đất hư sao lại làm ngã em hay con bà, các mẹ đã vô hình dạy con cháu mình tính ỷ lại và đổ lỗi cho người khác. Có khi con mình đòi đồ chơi của bạn, thay vì phân tích cho con là đồ chơi đó không phải của con, nếu con muốn bạn cho chơi chung thì nên đối tốt với bạn nhưng nhiều mẹ lại chạy ra mượn cho con, khi mượn cho con không được thì quay lại nói với con là " không thèm nữa, nó xấu lắm, không thèm chơi với nó, cái đồ chơi ấy thối lắm, lần sau có gì không cho nó mượn nữa, nhớ đấy" đâu biết rằng cái lợi cho con thì ít nhưng cái hại cho con thì nhiều để rồi nghe tin con bị thày cô phạt thì thay vì dạy con mình lại quay ra mắng thày cô, đòi kỷ luật thày cô thậm chí còn đòi đuổi thày cô ra khỏi ngành, chỉ để thỏa mãn cái tôi của mình, có nghĩ làm như vậy thì con mình sau này thế nào? Nó sẽ coi cô giáo thầy cô là cái gì? Ai dám dạy con mình? .....văn minh như singapo mà hình thức phạt roi vẫn còn, du khách vi phạm thì vẫn bị phạt, ngay cả đại sứ quán can thiệp cũng không được
      Thế đấy! Mọi người có thể phản bác lại tôi là hình phạt vậy là sỉ nhục là xúc phạm ảnh hưởng đến nhân cách trẻ con, xin thưa nhân cách không phải do 1 ngày một tháng hay một hình phạt làm thay đổi được, nhân cách của con chính là giáo dục hàng ngày của cha mẹ của ông bà là chính, là bản sao của cha mẹ ông bà mà có, xã hội hay thày cô chỉ là một phần mà thôi. Nếu cứ can thiệp vào việc giáo dục như vậy thì sẽ khiến các thày cô giáo thành robot chỉ biết dạy chữ thôi mà không biết rèn người ! 
      Theo tôi hình phạt lớn nhất đối với cha mẹ và dòng họ là những đứa con bất hiếu, trộm cắp, nghiện hút, giết người, hình phạt lớn nhất đối với xã hội là mang danh một đất nước lạc hậu bảo thủ và hỗn loạn, bất an nếu chúng ta không thẳng thắn nhìn vào sự thật mà cứ bênh con cái mình thì chẳng mấy mà phải bất lực nhìn một thế hệ ích kỷ hư hỏng, một xã hội hỗn loạn mà thôi 
      Đôi điều suy nghĩ, mong mọi người góp ý và chia sẻ ý kiến của mọi người, không thể làm tốt được ngay nhưng cũng là góp một tiếng nói cho xã hội ngày càng tốt hơn.
Trân trọng cảm ơn mọi người .

PHAN LẠC SẮC (Sưu tầm)