LÀNG CÓT - VÙNG ĐẤT HIẾU HỌC

Làng Cót hay Kẻ Cót có tên chữ Hán là Hạ Yên Quyết. Làng Cót nay thuộc phường Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội, là vùng cửa ngõ yết hầu của kinh thành Thăng Long xưa. Kẻ Cót có địa thế thiên nhiên rất đẹp-nằm ngay cửa ngõ phía tây của Kinh thành cổ, là nơi giao lưu trực tiếp giữa vùng ven đô với nội thành được cách bởi con sông Tô Lịch.
Đông miếu ở làng Cót
      Con sông Tô Lịch, một phân lưu của sông Nhị Hà chảy dài từ Hà Khẩu (khu Hàng Buồm, chợ Gạo ngày nay) qua Bưởi, Nghĩa Đô xuống hết vùng Yên Hòa để rồi xuôi về đất Thanh Trì đổ vào con sông Nhuệ ở Hà Liễu rồi thông sang sông Đáy đã tạo cho vùng đất cổ một sắc thái trữ tình và duyên dáng. Câu ca dao xưa như còn đọng lại trong lòng người vẻ thơ mộng của một thời xa xưa ấy: “Nước sông Tô vừa trong vừa mát/ Em ghé thuyền đỗ sát thuyền anh”

      Yên Hòa là một vùng đất cổ, cái tên Kẻ Cót đã chứng tỏ điều đó, tên gọi này đã được các nhà nghiên cứu ngôn ngữ học, sử học, khảo cổ học và dân tộc học khẳng định về sự ra đời và tồn tại của làng từ trước thời Bắc thuộc. Thêm vào đó, ngôi mộ cổ bằng thân cây khoét rỗng cùng nhiều di vật có niên đại cách ngày nay hơn hai nghìn năm được khai quật năm 1978 ở trong lòng sông Tô Lịch thuộc địa phận của làng đã chứng minh người Việt cổ đã từng ở đây để xây dựng xóm làng. Đến thế kỷ thứ VI nhà Tiền Lý cũng đã về đây xây dựng đồn luỹ trên bờ sông Tô để chống giặc Lương xâm lược (cho nên ở khu vực Dịch Vọng, Yên Hồ hiện nay có nhiều nơi thờ các vua Lý Nam Đế, Lý Phật Tử cùng các tướng của hai vị như: Lý Thiên Bảo, Triệu Chí Thành…).

      Truyền thống khoa bảng

      Trong số các làng khoa bảng của Thăng Long - Hà Nội, Yên Hòa là một làng có nhiều thành tựu về khoa cử (cả đại khoa, trung khoa và tiểu khoa). Chẳng thế mà vùng tây kinh thành có câu ca về “tứ danh hương” (Mỗ, La, Canh, Cót). Làng Hạ Yên Quyết, từ xa xưa coi việc khuyến học là một trong những công việc trọng đại của cộng đồng làng xã, quê hương: làng dành ra 3 mẫu ruộng Độc thư điền (ruộng học), cùng 100 quan tiền, để làm phần thưởng cho người đỗ tiến sĩ thời xưa. Ngoài ra theo lệ làng, dân làng còn thưởng ruộng cho cả những người đỗ cử nhân nho học, tú tài nho học. Những người đang đi học không phải phu phen tạp dịch. Trong đình làng có ba bậc chiếu, trong đó chiếu nhất dành cho các bậc khoa trường, chức sắc...

      Ngay từ buổi đầu dựng nước, các triều đại Lý - Trần đã chăm lo việc học hành khoa cử để tuyển chọn người tài gánh vác việc nước. Quê hương Hạ Yên Quyết thời Trần có Hồng Quán Chi đỗ Đệ nhất giáp kỳ thi “Thái học sinh” khoa Quý Dậu, niên hiệu Quang Thái thứ 6 (năm 1393); đời vua Thuận Tông, được tham dự triều chính làm tới chức Thẩm hình viện, mở đầu cho nền khoa cử của đất Yên Quyết xưa kia và phường Yên Hòa ngày nay. Cụ cũng là người đỗ đại khoa đầu tiên của huyện Từ Liêm. Đến triều nhà Hồ, mặc dù chỉ tồn tại có 7 năm với hai triều vua nhưng cũng đã kịp tổ chức hai kỳ thi tuyển. Và ngay trong khoa thi đầu tiên, khoa thi “Thái học sinh” năm Canh Thìn, niên hiệu Thánh Nguyên (năm 1400) đời Hồ Quý Ly, làng Cót có cụ Nguyễn Quang Minh đỗ Thái học sinh, làm quan tới chức Nội thị hành khiển, cùng khoa với các danh nho nổi tiếng một thời như Nguyễn Trãi, Lý Tử Tấn, Vũ Mộng Nguyên.

      Thời nhà Lê - thời kỳ rực rỡ nhất của Nho học ở Việt Nam, khoa thi năm Kỷ Sửu (1469) đời vua Lê Thánh Tông, ở làng có cụ Nguyễn Như Uyên đã ứng thi và đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hồng giáp). Sau đó cụ làm quan tới chức Lại bộ Thượng thư, Chưởng Lục Bộ, kiêm Tế Tửu (Hiệu trưởng) Quốc Tử Giám. Từ đây kế tiếp nhau trong các dòng họ, các sĩ tử miền quê Yên Quyết thi nhau lều chõng để đua tài trong các khoa thi của các triều Lê sơ, triều Mạc và triều Lê Trung hưng. Tiêu biểu có dòng họ 5 đời nối tiếp nhau bảng vàng bia đá như dòng họ cụ Hồng Giáp Nguyễn Như Uyên, các con, cháu, chắt của cụ là: Nguyễn Xuân Nham, Tiến sĩ năm 1499; Nguyễn Khiêm Quang, Tiến sĩ năm 1523; Nguyễn Nhật Tráng, Tiến sĩ năm 1595; Nguyễn Vĩnh Thịnh, Tiến sĩ năm 1659. Ngoài ra còn phải kể đến cụ Phó bảng Nguyễn Văn Thanh…

      Tên tuổi các vị Tiến sĩ đã làm rạng rỡ quê hương Yên Quyết. Với 10 tiến sĩ nho học qua các triều đại, gần 30 hương cống thời Hậu Lê và 9 cử nhân thời Nguyễn, làng Cót đã trở thành một trong hai mươi “Làng khoa bảng” của nước Việt Nam thời phong kiến và là một trong năm “Làng khoa bảng” tiêu biểu của đất Kinh kỳ ngàn năm văn hiến.
 

Lễ hội làng Cót
 
      Dưới thời phong kiến, mục tiêu học tập của kẻ sĩ được xác định một cách rõ ràng và nghiêm ngặt theo các nguyên tắc Tu, Tề, Trị, Bình. Vì vậy, sau khi thành đạt trên con đường khoa bảng, các cụ đều đem tài đức của mình để giúp đời, giúp nước trên từng lĩnh vực cụ thể. Ở làng, ngoài các cụ tham chính nơi triều đình còn có hàng chục cụ làm quan ở các trấn, các tỉnh như: Đốc học các tỉnh Bình Thuận, Vĩnh Long (các cụ Hương cống Hồng Thời Bình, cụ Phó bảng Nguyễn Văn Thanh) và nhiều cụ giữ chức Huấn đạo các phủ, các huyện. Ngoài ra, đội ngũ thầy đồ ở làng cũng đông, các cụ thường là những người sau khi đỗ đạt không tham chính hoặc đã được nghỉ ngơi sau khi tham chính, về già không nỡ bỏ phí kiến thức nên mở lớp dạy học cho con cháu ở quê hương. Nhiều cụ dạy học sinh theo học rất đông, nhân dân kính trọng như cụ Nguyễn Đình Thịnh...

      Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 làng Cót vẫn phát huy được bề dày truyền thống hiếu học, khoa bảng của mình một cách có hiệu quả nhất và đóng góp tích cực cho nền giáo dục của đất nước thời kỳ xây dựng xã hội chủ nghĩa. Làng Cót ngày nay có hàng trăm người tốt nghiệp Đại học và cũng là một trong số các làng có nhiều người có học hàm, học vị giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ. Nhiều người nổi danh trong cả nước bởi những đóng góp của họ đối với sự nghiệp phát triển khoa học kỹ thuật, văn hóa giáo dục như: cụ Hoa Bằng Hồng Thúc Trâm (tên của cụ đã được đặt tên phố), như Giáo sư Hoàng Xuân Sáng - chuyên gia vật lý nguyên tử, nữ tiến sĩ toán học Hoàng Xuân Sính…

      Trường THPT Yên Hòa vốn là hậu thân của trường phổ thông cấp II – III Yên Hòa (thành lập năm 1960), năm 1961 là trường phổ thông cấp III Yên Hòa. Hiện nay, trường THPT Yên Hòa có khoảng 1600 học sinh. Năm học 2008-2009 tỉ lệ học sinh học lực Giỏi đạt 13,78%, loại Khá đạt 66,34%; Tỉ lệ học sinh tốt nghiệp đạt 99,2%. Hàng năm, nhà trường đều có nhiều học sinh đoạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp Quận, Thành phố và quốc gia. Theo thống kê của Bộ GD& ĐT về kết quả thi Đại học - Cao đẳng năm học 2009-2010, Trường THPT Yên Hòa đứng thứ 64 trong top 200 trường THPT có điểm thi đại học cao nhất trên toàn quốc và đứng trong top 5 trường THPT không chuyên của Hà Nội có điểm thi Đại học cao nhất.

      Truyền thống hiếu học, khoa bảng của Yên Hòa luôn trường tồn và gắn kết với những di tích lịch sử văn hóa của làng như: đình, đền, nhà thờ họ… nơi lưu giữ và phát huy những truyền thống văn hố của làng. Việc phụng thờ các vị tổ của dòng họ thể hiện tấm lòng ngưỡng mộ tri ân của người dân với những người có công với đất nước và với tổ tiên. Truyền thống khoa bảng, hiếu học sẽ luôn được người dân Kẻ Cót đề cao và phát huy, xứng đáng là điểm sáng của ngành giáo dục thủ đô.

                                                                   LÀNG KHOA BẢNG ĐẤT THĂNG LONG