PHONG TỤC TRUYỀN THỐNG NGÀY TẾT NGUYÊN ĐÁN CỦA NGƯỜI DÂN MIỀN BẮC.

Mặc dù cùng sinh sống trên một lãnh thổ và có những phong tục truyền thống chung trong ngày Tết, tuy nhiên mỗi vùng miền lại có những nét riêng biệt. Dưới đây là những đặc trưng của người dân miền Bắc.
HỘI KHUYẾN HỌC HÀ NỘI CHÚC MỪNG NĂM MỚI
1. Hoa đào
Nếu như miền Trung và Nam chọn hoa mai làm loài hoa biểu tượng của tết thì miền Bắc lại chọn hoa đào. Đây là loài hoa tượng trưng cho sự may mắn thế nên, mỗi khi Tết đến nhà ai cũng chọn một cành đào thật ưng ý cắm trên bàn thờ hoặc trang trí trong nhà với ước mong mang lại sự an lành, hạnh phúc.

                                               

Theo truyền thuyết, có một cây hoa đào đã mọc từ rất lâu trên vùng núi cao phía bắc. Trên cây đào bỗng xuất hiện hai vị thần tài giỏi có nhiệm vụ bảo vệ và che chở cho dân làng trong vùng. Do đó, ma quỷ rất sợ hai vị thần này và sợ luôn cả hoa đào. Cứ thấy cành đào là chúng bỏ chạy thật xa. Vì vậy người dân miền Bắc rất ưa chuộng hoa đào trong những ngày Tết bởi sắc đỏ thắm rực rỡ may mắn.
2. Mâm ngũ quả
So với miền Nam thì mâm ngũ quả miền Bắc nhỏ hơn. Thường trên mâm ngũ quả có 5 loại trái cây chính là chuối, bưởi, đào, hồng, quýt. Cách bài trí cũng khá đơn giản, nải chuối được đặt ở dưới cùng đỡ lấy toàn bộ các cây trái khác. Mâm ngũ quả làm cho không khí ngày Tết trở nên ấm cúng, rực rỡ hơn đan xen với màu sắc sặc sỡ của các loại hoa quả.

 
Ngoài mâm ngũ quả, tủ thờ còn có bát đũa, những gói bánh nhiều màu, những gói kẹo lớn và 2 cây
mía ở 2 bên để cho ông bà, ông vải chống gậy lên trời cầu bình an cho con cháu. Người Bắc khá coi trọng hình thức vì thế họ luôn thể hiện khả năng kinh tế của mình cho khách khứa biết thông qua các loại hàng hóa bày trên tủ thờ.
3. Mâm cỗ
Cũng như các miền khác trên đất nước, người Việt đều dành những gì tinh tuý và tốt nhất cho những ngày Tết, đặc biệt là mâm cỗ – mâm cơm đặc biệt nhất trong năm, một mâm cơm đoàn viên, sum vầy cả gia đình.
 
 
Ăn Tết Bắc thì không thể bỏ qua món bánh chưng ăn kèm dưa hành. Bởi thời tiết mùa đông đặc trưng của xứ Bắc là rét lạnh nên những món ăn như giò xào, thịt nấu đông trở thành những món gắn đặc biệt liền với Tết.
Mâm cỗ truyền thống là bốn bát, bốn đĩa, cỗ lớn thì 6 bát, 6 đĩa hoặc 8 bát, 8 đĩa… đĩa xôi gấc đỏ tươi như thể hiện mong ước được nhiều may mắn trong năm mới, các món nấu, các món canh sẽ được rắc những cọng hành lá xanh để điểm thêm màu sắc. Thịt gà dùng trong ngày năm mới phải là thịt gà trống thiến được làm sẵn từ chiều 30. Thói quen coi trọng hình thức đã ăn sâu vào tiềm thức của người Bắc nên việc trình bày mâm cỗ ngày Tết càng chăm chút, tinh tế và không thể qua loa.
4. Phong tục truyền thống
 
 
23 tháng Chạp tiễn ông Táo về trời, ngoài lễ vật người Bắc còn cúng một con cá chép còn sống thả trong chậu nước, ngụ ý cá sẽ biến thành Rồng đưa ông Táo về trời. Con cá chép này sẽ được “phóng sinh” (thả ra ao hồ hay ra sông) sau khi cúng.
Trước khi chia tay năm cũ để chào đón năm mới thì bao giờ cũng sẽ bắt đầu từ những bữa cơm tất niên quây quần bên gia đình. Giao thừa luôn là khoảnh khắc thiêng liêng và ý nghĩa nhất, mọi người trong gia đình sẽ tề tựu bên nhau, cùng nhau đi hái lộc đầu năm.
Lễ vật cúng giao thừa ngoài hương hoa quả phẩm còn có thêm mâm xôi đậu xanh, con gà luộc hoặc đầu heo, bánh chưng, cau trầu rượu. Trước Tết hay trong Tết, người ta cũng chúc nhau năm mới may mắn, bình an. Cả 3 miền đều thế, người trong gia đình sẽ lì xì cho nhau chúc nhau khỏe mạnh, may mắn.
Người miền Bắc có khá nhiều tục kiêng trong ngày Tết như: Kiêng đổ rác, kiêng quét nhà, kiêng cho lửa, kiêng cho nước, tránh nói giông hay chọn người “xông nhà” phải hợp tuổi,…
 
PHAN LẠC SẮC (Sưu tầm)