BÀN VỀ KHUYẾN HỌC KHUYẾN TÀI

Trong quá trình lịch sử hơn 4000 năm dựng nước và giữ nước, tổ tiên ta rất quý trọng nhân tài. Vào năm 1484, tiến sỹ Trần Nhân Trung thời vua Lê Thánh Tông đã viết nên bài ký khắc trên văn bia Tiến sỹ ở Văn Miếu Quốc Tử Giám của Việt Nam có ghi: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp…” Từ đó có biết bao hiền tài đã trở thành nguyên khí của quốc gia trải qua bao nhiêu thời đại. Vì vậy việc khuyến học khuyến tài luôn luôn được chú trọng. Chẳng hạn trong chiếu học của vua Quang Trung có ghi: “Dựng nước lấy việc học làm đầu. Cầu trị lấy nhân tài làm gốc.”
Khuê Văn Các, Quốc tử giám
      Khuyến học là gì? Khuyến học là khuyến khích và nâng đỡ việc học tập. Nhân dân ta vốn có truyền thống hiếu học và khuyến học. Từ lâu các gia đình, các bậc cha mẹ đã hết sức quan tâm đến việc chăm lo và động viên con em mình học hành.
      Hiện nay chính phủ Việt Nam đang quyết tâm xây dựng và phát triển Việt Nam thành một quốc gia có nền kinh tế tri thức. Đó là một nền kinh tế công nghệ cao, sử dụng chất xám trong mọi lĩnh vực và lấy tri thức làm động lực công cụ phục vụ cho mọi hoạt động kinh tế xã hội. Xã hội càng hiện đại, kinh  tế tri thức càng giữ vai trò quan trọng.
     Từ năm 2013 tại Đức xuất hiện cụm từ “Công nghiệp 4.0” nhằm nói tới chiến lược công nghệ cao, điện toán hóa ngành sản xuất mà không cần sự tham gia của con người nhờ xuất hiện của robot có trí tuệ nhân tạo cao. Người máy làm việc càng thông minh có khả năng ghi nhớ cao. Ưu điểm làm việc 24/24, không cần trả lương.
      Xã hội học tập là xu thế mới  của nhân loại ở thời kỳ hậu công nghiệp. Mô hình tổng quát của xã hội học tập bao gồm hệ thống giáo dục chính quy trong nhà trường và hệ thống giáo dục không chính quy ngoài xã hội. Đó là hệ thống  giáo dục tiếp tục với phương châm cần gì học nấy. Cần phát triển mô hình giáo dục mở: mô hình xã hội học tập với hệ thống giáo dục suốt đời, đào tạo liên tục liên thông giữa các ngành học, bậc học.
      Việc đề cao phương thức học tập suốt đời phải gắn liền với nâng cao năng lực tự học của mỗi cá nhân.
      Phải nhận thức rõ giáo dục đào tạo là yếu tố quyết định tương lai của mỗi dân tộc và sự phát triển của mỗi nước.
      Năm 1996, trong tài liệu “Học tập, một kho báu tiềm ẩn”, Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hợp quốc (UNECO) đề ra bốn trụ cột của giáo dục: “Học để biết, học để làm, học để chung sống và để làm người”. Apec khuyến nghị thêm “Học để biết cách đọc”. Có thể coi đó là triết lý giáo dục phổ quát.
      Giáo dục Mỹ đề cao năng lực thực hành của người học hơn là lý thuyết sách vở. Nước Mỹ không quá bận tâm đến vấn đề bằng cấp của người được đào tạo.  Năng lực làm việc và sức cống hiến mới là quan trọng nhất. Điều trọng yếu là khuynh hướng muốn biết. Đó là sự nghiên cứu, đào sâu suy nghĩ, hiểu biết tường tận.
      Công tác khuyến học phải đi đôi với khuyến tài. Về nuôi dưỡng nhân tài khoa học- kỹ thuật có 4 khâu liên quan chặt chẽ nhau như: phát hiện nhân tài; nuôi dưỡng và phát triển nhân tài; sử dụng và đãi ngộ nhân tài, bảo vệ nhân tài của đất nước. Nhân tài lúc ít tuổi đã thông minh tài giỏi hơn người được xem là thần đồng. Việc nuôi đưỡng nhân tài cần được tiến hành ngay từ lúc nhỏ. Bồi dưỡng nhân tài gắn liền với sử dụng và đãi ngộ vật chất cũng như tinh thần. Nhân tài của đất nước cần được bảo vệ tránh tình trạng chảy máu chất xám. Cần  phải thiết lập các quý khuyến học để giúp đỡ các học sinh nghèo có điều kiện học tập.
      Đất nước tiến lên là do lớp người lao động có tri thức, có đạo đức, có tài năng thực sự, có ý chí, năng lực sáng tạo và khát khao cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Vì vậy nhà nước cần trọng dụng nhân tài và tạo điều kiện thuận lợi cho người có “thực tài” phát triển.

ĐẶNG TRẦN HÙNG
HKH quận Hai Bà Trưng