BIỂU DƯƠNG CÁC MÔ HÌNH HỌC TẬP QUẬN HAI BÀ TRƯNG

Việc xây dựng các mô hình học tập là một chủ trương có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng Xã hội học tập mà Đảng, Chính phủ đã lãnh đạo, chỉ đạo trong Chỉ thị 11 của Bộ Chính trị khóa X, các Quyết định 89, 281 của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Hội khuyến học Việt Nam, Bộ Giáo dục - Đào tạo.
Hội khuyến học quận Hai Bà Trưng TP Hà Nội tổ chức trao đổi học tập kinh nghiệm với HKH thành phố Bắc Ninh tỉnh Bắc Ninh
           Được sự hướng dẫn của Hội khuyến học Thành phố Hà Nội, Hội khuyến học Quận Hai Bà Trưng đã tập trung triển khai các chỉ thị, nghị quyết, quyết định, kế hoạch, đề án của Trung ương, Thành phố và Quận. Trong 5 năm qua, việc thực hiện Quyết định 281 của Thủ tướng Chính phủ và xây dựng các mô hình học tập đã được triển khai sâu rộng và có nhiều kết quả rất phấn khởi.
          Từ năm 2016, Hội khuyến học Quận đã xây dựng Kế hoạch và phổ biến tới các hội cơ sở và xin ý kiến chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân Quận về việc xây dựng các mô hình học tập trên địa bàn. Sau khi được Uỷ ban nhân dân Quận và Hội khuyến học Thành phố cho phép, Hội khuyến học Quận đã triển khai xây dựng và đánh giá kết quả của 02 phường làm điểm là phường Cầu Dền và phường Thanh Nhàn. Sau đó rút ra kinh nghiệm để triển khai đến các hội khuyến học cơ sở trên địa bàn Quận.
          Năm 2017 - 2018, Uỷ ban nhân dận Quận đã ban hành Kế hoạch triển khai Quyết định 281 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư 44 của Bộ Giáo dục - Đào tạo trên địa bàn Quận, giao Phòng Giáo dục - Đào tạo và Hội khuyến học Quận chịu trách nhiệm tham mưu cho UBND Quận triển khai tổ chức thực hiện Kế hoạch và thường xuyên báo cáo Uỷ ban nhân dân Quận.
          Để triển khai cụ thể ở các phường, Hội khuyến học phường đã tích cực tham mưu cho Đảng ủy ra Nghị quyết giao các ngành, đoàn thể thực hiện. Hội khuyến học Quận đã in ấn nhiều tài liệu, biểu mẫu phục vụ việc triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch của Uỷ ban nhân dân Quận Hai Bà Trưng.
          Bằng các hoạt động tuyên truyền “Dân vận khéo”, Hội khuyến học các phường đã đi sâu động viên các cơ sở, đơn vị đăng ký theo chuẩn mô hình học tập. Năm 2017, số hộ đăng ký Gia đình học tập của một số mô hình như sau: phường Vĩnh Tuy 6.814/8.664 hộ, đạt 78,6%; phường Bách Khoa 2.132/2.496 hộ, đạt 85,4%; phường Phạm Đình Hổ 1.283/1.687 hộ, đạt 76%; phường Cầu Dền 2.325/2.530 hộ, đạt 91,8%; phường Bạch Mai 2.822/2.880 hộ, đạt 97,9%. Trong năm 2017-2018 phần lớn các đơn vị đăng ký đều đạt  khoảng 70-80% tổ dân phố, khu dân cư đăng ký và đạt khoảng 50-60%. Năm 2019, số gia đình được công nhận đạt tỷ lệ 78,5% trên tổng số các gia đình đã đăng ký, cao hơn so với tỷ lệ lúc mới triển khai thực hiện Quyết định 281 của Thủ tướng Chính phủ là 16,5%. Năm 2020, việc đánh giá mô hình Gia đình học tập đã đi vào thực chất hơn; tỷ lệ các mô hình tăng cao hơn năm trước: tỷ lệ dòng họ được công nhận Dòng họ học tập đạt 100% tổng số các dòng họ đã đăng ký, tỷ lệ tổ dân phố được công nhận Cộng đồng học tập đạt 91,78% tổng số các tổ dân phố đã đăng ký, tỷ lệ đơn vị được công nhận Đơn vị học tập đạt 90% tổng số các đơn vị đã đăng ký
          Hằng năm, Uỷ ban nhân dân Quận giao cho Phòng Giáo dục - Đào tạo và Hội khuyến học Quận chủ trì kiểm tra, đánh giá kết quả xây dựng các mô hình học tập. Nhiều phường đã triển khai nghiêm túc, đạt chuẩn 100%. Năm 2017 có 23.600 gia đình đạt chuẩn, năm 2020 có 52.000 gia đình đạt chuẩn. Năm 2017 có 40 đơn vị đạt chuẩn, năm 2020 có 70 đơn vị đạt chuẩn và 193 cộng đồng đạt chuẩn. Trong các mô hình học tập, Hội khuyến học xác định xây dựng Gia đình học tập là then chốt và cũng là khâu đột phá. Nhiều hộ gia đình đạt chuẩn Gia đình học tập đã có tác dụng quan trọng trong việc xây dựng Cộng đồng học tập, Đơn vị học tập, đồng thời góp phần xây dựng Dòng họ học tập.
          Những kết quả đạt được trong việc thực hiện Quyết định 281 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư 44 của Bộ Giáo dục - Đào tạo trên địa bàn Quận Hai Bà Trưng trong 5 năm qua đã khẳng định việc xây dựng các mô hình học tập đem lại những chuyến biến quan trọng tiếp nối truyền thống hiếu học của dân tộc ta. Hiếu học là một truyền thống quý báu của nhân dân ta. Người người học tập, nhà nhà học tập đã được nhiều gia đình nhắc nhở con cháu phải cố gắng học tập. Chúng ta xem VTV trong chương trình “Cặp lá yêu thương” mới thấy khát khao học tập của các em và mong ước của cha mẹ biết chừng nào. Trong gian khổ vẫn cố gắng học tập đó là phẩm chất cao quý nhất của con người Việt Nam, hiếu học của người Việt Nam.
          Trong 5 năm qua, trên địa bàn Quận Hai Bà Trưng chúng ta có biết bao tấm gương sáng trong học tập và rèn luyện. Người lớn cùng học, học trong cộng đồng, học trong gia đình bằng nhiều phương tiện. Tuổi nhỏ học ở trường, chăm học nghe lời thầy cô và ấp ủ bao ước vọng. Nhiều mô hình học tập đã trở thành các điển hình, gương sáng cho mọi người trong cộng đồng noi theo. Trong Hội nghị ngày hôm nay, chúng ta nhiệt liệt chào mừng và biểu dương 87 mô hình học tập tiêu biểu giai đoạn 2016 - 2020.
          Về mô hình Gia đình học tập có thể kể đến các gia đình ông Vũ Hy Chương, tại địa chỉ số 13 phố Nguyễn Thượng Hiền, phường Nguyễn Du; gia đình ông Phạm Mạnh Lâm, tại địa chỉ phòng 402, A3, tập thể 128C Đại La, phường Đồng Tâm… các thành viên trong gia đình dù đã là Tiến sỹ, Phó giáo sư nhưng vẫn ngày ngày tự nghiên cứu, tìm hiểu, nâng cao kiến thức cho bản thân, giáo dục các con cháu quan tâm đầu tư thời gian, công sức vào việc học tập, thực hiện lời Bác dạy “Học không bao giờ cùng".
          Về Đơn vị học tập, đó là trường tiểu học Tây Sơn thuộc phường Lê Đại Hành, trường trung học cơ sở Ngô Gia Tự thuộc phường Bạch Mai…đều là những đơn vị nhiều năm liền được Thành phố và Quận khen thưởng có thành tích xuất sắc trong công tác dạy và học; nhiều thế hệ học sinh có thành tích cao trong học tập. Phong trào dạy và học tốt trở thành mục tiêu thi đua trong các cấp hội khuyến học trên địa bàn quận Hai Bà Trưng. Các cấp hội từ cơ sở đến quận đã thường xuyên quan tâm chăm lo học sinh nghèo vượt khó, chú trọng phát hiện và bồi dưỡng học sinh năng khiếu, tạo điều kiện cho các em phát triển trong tương lai, đáp ứng ngày càng cao sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Về Cộng đồng học tập, đó là tổ dân phố số 1 phường Bách Khoa, Tổ dân phố số 8 phường Trương Định, Tổ dân phố số 12 phường Bách Mai… được chi bộ đảng luôn lãnh đạo sát sao; 100% đảng viên là hội viên khuyến học; các chi hội đoàn thể đều được xếp loại Xuất sắc; 100% hộ dân đăng ký và đạt Gia đình học tập; cán bộ và nhân dân trên địa bàn đều tích cực tham gia các chương trình công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng Xã hội học tập…
          Việc xây dựng các mô hình học tập: Gia đình học tập, Dòng họ học tập, Đơn vị học tập, Cộng đồng học tập là cả một quá trình của toàn dân mà nòng cốt là cán bộ, hội viên Hội khuyến học Việt Nam. Tự hào là  người chắp nối truyền thống hiếu học  của dân tộc, làm cho truyền thống ấy luôn phát huy trong cộng đồng dân cư để mọi gia đình là Gia đình học tập, mọi dòng họ là Dòng họ học tập, mọi đơn vị là Đơn vị học tập và có nhiều Cộng đồng học tập. Hội khuyến học cùng với Phòng Giáo dục - Đào tạo luôn sát cánh bên nhau để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền trong việc xây dựng Xã hội học tập. Trong điều kiện của cuộc Cách mạng công nghệ 4.0, việc học càng vô cùng cần thiết, mọi người tự nâng cao hiểu biết của mình, kịp thời nắm bắt thành tựu công nghệ 4.0, làm giầu thêm tri thức, hiểu biết nhiều hơn, giúp cho đời sống của mình luôn được hạnh phúc. Đó là mục tiêu, là con đường mà các cấp hội khuyến học của chúng ta cùng nhau hướng tới.
          Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chăm lo của chính quyền và nhân dân, nhất định chúng ta sẽ thành công trong sự nghiệp “trồng người” như Bác Hồ căn dặn. Những mô hình học tập đang đua nở trên địa bàn Quận sẽ tạo thành một vườn hoa người tốt, việc tốt. Chúng ta mãi mãi là người khơi dậy, tiếp nối truyền thống hiếu học của cha ông chúng ta.
 
Bài  TRƯƠNG NHO QUANG
Chủ tịch HKH quận Hai Bà Trưng