CHIỀU CON SAO CHO HỢP LÝ

Ảnh minh hoạ
             Nhiều ông bố bà mẹ kham hết mọi việc của con, ăn có người phục vụ tận nơi; quần áo, phòng ngủ, bàn học đều có người dọn dẹp và đáp ứng hết mọi nhu cầu lẫn mong muốn về vật chất của con. Ngay cả đến những miếng ăn ngon, thay vì dạy con cách chia sẻ với các thành viên trong gia đình thì bố mẹ có tâm lý... nhường hết phần con. Điều kiện không có nhưng có nhiều người sẵn sàng bán nhà cửa, vay nợ để con bằng bạn bằng bè.

Chỉ có điều, một thực tế nhiều phụ huynh "cưng con như trứng" này phải thừa nhận, đứa con dường như vẫn không vừa lòng nên người làm bố làm mẹ càng thấy bế tắc, chẳng biết phải chiều như thế nào mới được.

Xu hướng chiều chuộng con hiện nay của phụ huynh xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trong đó, nổi cộm là suy nghĩ muốn bù đắp cho con để không phải thiếu thốn như mình ngày trước. Ngoài ra, nhiều người quan niệm sai lầm rằng đáp ứng mọi đòi hỏi vật chất của con là cách thể hiện tình thương, đem lại hạnh phúc và giúp con tự tin, cân bằng.

Tuy nhiên, điều ít phụ huynh ngờ được rằng những đứa trẻ này thường ít thỏa mãn với cuộc sống và không sẵn sàng đương đầu với nghịch cảnh do thiếu tính tự lập, thiếu tin tưởng ở bản thân.

Theo ThS Nguyễn Lan Hải, việc chiều con một cách vô tội vạ cực kỳ nguy hại. Trở thành những “ông vua con” trong nhà, trẻ sẽ có lối sống đòi hỏi, bỏ qua những suy nghĩ, cảm xúc của người khác mà không biết sẻ chia, nhường nhịn. Cũng vì được cưng chiều quá mức ở nhà nên với bạn bè trẻ luôn chơi trội, hiếu thắng và ăn vạ nên càng trở nên khó ưa trong mắt mọi người xung quanh.

Lớn lên, trẻ sẽ hình thành ý nghĩ nhu cầu, ước vọng và ý kiến của chúng phải là quan tâm hàng đầu của mọi người và dần trở nên ích kỷ. “Cưng chiều thái quá nghĩa là bố mẹ đã đẩy con bước vào đời với một nhân cách không toàn vẹn. Nặng thì chây ì, lười biếng, hư hỏng, thiếu tự chủ, nhẹ thì trở thành “gà công nghiệp” không biết lo cho cả bản thân mình. Và khi lớn lên, trước những thất bại, con sẽ quay sang oán trách bố mẹ”.

                                                                                                                    PHAN LẠC SẮC Sưu tầm