KHUYẾN HỌC Ở XÃ HƯƠNG NGẢI

Hương Ngải nhất làng, nhất xã thuộc huyện Thạch Thất, Hà Nội - là một vùng quê hiếu học. Truyền thống quý báu đó đã được các thế hệ con cháu gìn giữ, phát huy. Làng là một trong số không nhiều địa phương có bia Văn chỉ và Võ chỉ ghi chép về các danh nhân thành đạt, cả nghiệp văn và nghiệp võ. Dưới thời phong kiến, Hương Ngải có 6 vị đỗ Đại khoa (Tiến sĩ), 53 vị đỗ Trung khoa, chiếm gần một nửa tổng số người đỗ đạt của huyện. Ngày nay, người trong độ tuổi của xã đều có trình độ Trung học cơ sở và Trung học phổ thông, hơn 1.000 người có trình độ Cao đẳng, Đại học. 18 Tiến sĩ, 35 Thạc sĩ. Một trong những nguyên nhân để đạt tới thành công đó là địa phương đã làm tốt công tác khuyến học.
KHUYẾN HỌC Ở XÃ HƯƠNG NGẢI
  • Khuyến học thời xưa
     Trước năm 1945, phần đông dân làng đã có nhận thức: dù khó khăn, thiếu thốn nhưng nhà nhà vẫn gắng công cho con cháu đi học và thi, nếu đỗ sẽ ra làm quan giúp đời, không đỗ cũng để hiểu biết mong lập thân, lập nghiệp. Hương Ngải là xã sớm có Hương ước về khuyến học. Một bản Hương ước đến nay còn truyền lại, được lập ngày 4-4-1730 (năm Vĩnh Khánh thứ hai) và nhiều lần được điều chỉnh, bổ sung. Trong đó, làng quan tâm, khuyến khích con em học hành. Điều 8 trong đó quy định như sau: “Việc nuôi dưỡng nhân tài: bắt đầu từ nay, hàng năm, đầu xuân khai hạ (mồng bảy tháng giêng âm lịch) Hương sắc, Quan viên bản xã cùng hội họp tại Đình để khảo duyệt học trò. Người loại ưu thì được miễn trừ các loại sưu sai. Những người thứ ưu được miễn trừ một nửa để chấn hưng văn phong theo lệ. Đến ngày, xã trưởng, chức dịch báo cáo học trò trong xã lập tức cùng tề tựu tại Đình để ứng khảo. Người nào ứng trúng được thưởng theo lệ ước để khỏi phụ lòng kỳ vọng, trở thành người tài”. Đáng chú ý là làng còn đặt chức nhiêu học để trông coi việc học. Điểm độc đáo nhất trong văn hóa của Làng Ngái là đã xây dựng Quán Nghinh (dân quen gọi là Cầu Nghinh) được xây dựng từ lâu đời, được công nhận xếp hạng Di tích Văn hóa. Quán Nghinh được xây dựng trên một khu đất rộng và  phẳng tại xứ Đồng Lở, cách cổng chính của làng chừng trăm mét, là nơi đón rước thần khi làng mở hội vào trung tuần tháng bảy âm lịch. Đây cũng là địa điểm đưa các nho sinh, sỹ tử đi thi; đón rước những người đỗ đạt vinh quy bái tổ trở về. Ngày ấy, trước và sau Quán Nghinh các cụ trồng 7 cây cổ thụ với ý tưởng Quán Nghinh như sao Bắc đẩu, còn những cây đại thụ là chòm sao thất tinh – Đến nay Quán vẫn còn một cây muỗm cổ thụ to đến mấy người ôm. Trong làng ngoài xã xưa nay vẫn thường lưu truyền câu ca: “Hương Ngải có quán bảy cây/ Có gò nhất tự đời đời mở mang/ Muốn cho việc học quan sang /Phải năng bồi đắp bờ ngang cho đầy”. Cũng theo Hương ước và các bậc cao niên truyền lại, có không ít dòng họ  của làng duy trì khuyến học bằng học điền. Họ Nguyễn Đỗ Hữu giành riêng 2 mẫu 4 sào ruộng hỗ trợ cho người học. Dòng họ Nguyễn Ngọc có cụ Nguyễn Huy Suyền đã tự nguyện mua gần 4 sào xứ đồng Cửa Ác - vùng đất bờ xôi ruộng mật - để môn sinh của mình lần lượt thay nhau cày cấy hỗ trợ cho việc học. Cụ còn mua 3 mẫu ruộng tốt làm học điền ủng hộ cho dòng họ Nguyễn Ngọc. Có những gia đình còn bán đất, bán ruộng, bán nhà để nuôi con học hành bởi nhiều người dân quan niệm rằng: Nghèo tiền, nghèo bạc chẳng lo/ Nghèo chữ, nghèo nghĩa mới lo là nghèo. Một số dòng họ còn lưu giữ các bức hoành phi, câu đối thờ phụng với nội dung khích lệ con cháu học hành. Có dòng họ xây dựng rõ quy ước khen thưởng người đỗ Tiến sĩ, Cử nhân, Hương cống, Tú tài. Nhân dân trong làng thường khuyên dạy con: “Cơm cha, áo mẹ, chữ thầy/ Gắng công học giỏi, có ngày thành danh”.
     Hương Ngải có nhiều người đỗ Đại khoa, Trung khoa hồi còn trẻ như Cụ Đỗ Hịch đỗ Tiến sĩ năm 22 tuổi. Cụ Nguyễn Tiến Thiện đỗ Giải nguyên năm 19 tuổi. Cụ Đỗ Thê đỗ Tiến sỹ năm 23 tuổi. Cụ Nguyễn Tiến Bảng đỗ Hương cống năm 21 tuổi. Cụ Hoàng Quý đỗ Hương cống năm 21 tuổi. Cụ Vũ Đăng Giai đỗ Hương cống năm 19 tuổi. Cụ Giang Bảo đỗ Hương cống năm 19 tuổi. Cụ Cấn Toản đỗ cử nhân năm 21 tuổi… Cụ Cấn Kỳ, được nhân dân trong vùng suy tôn là người đứng đầu bậc “Sơn Tây tứ kiệt” (Nhóm gồm: Nhất Kỳ, nhì Kiên, tam Hải, tứ Huyền; Cụ Cấn Kỳ đỗ cử nhân khoa Mậu Ngọ (1848). Cụ Nguyễn Hữu Kiên ở Thạch xá đỗ cử nhân năm 1855, cụ Khuất Duy Hải ở Thư Trai (Phúc Thọ) đỗ Phó Bảng năm 1868, Cụ Vũ Huy Huyền ở Đại Đồng đỗ Tiến sĩ năm 1861). Người dân Hương Ngải tự hào là đất “Văn đăng khoa đệ, võ đổng binh nhung”. Nghĩa là “Văn thi đỗ đến hàng khoa bảng, võ khoác nhung y”.
  • Khuyến học thời nay.
     Ở huyện Thạch Thất, Hương Ngải là địa phương triển khai sớm nhất công tác Khuyến học, khuyến tài. Trước đó, hoạt động này vẫn được thực hiện rải rác ở một số dòng họ. Vào tháng 3 năm 1995, Ban chấp hành Hội Cựu chiến binh xã sau khi bàn bạc đã thống nhất thành lập Ban vận động Quỹ hỗ trợ Tài năng trẻ”, tiền thân của Hội Khuyến học xã ngày nay. Việc xây dựng Quỹ hỗ trợ tài năng trẻ đã được đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình và hưởng ứng.
     Qũy nhằm động viên các em học sinh chăm ngoan, học giỏi, phát huy truyền thống hiếu học, huy động sức mạnh cộng đồng vì sự phát triển giáo dục ở địa phương. Qũy do ông Cấn Xuân Minh, Chủ tịch UBND xã, làm trưởng ban, ông Phí Mạnh Thức, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh làm Phó ban thường trực, một số thầy giáo đại diện các trường ở mọi cấp học cùng trưởng các thôn dân cư tham gia. Năm đó, Ban thường trực tuyên truyền vận động các cá nhân, tập thể ủng hộ được 3.665.000 đồng, đã tổ chức gặp mặt và trao thưởng 3 em học sinh giỏi cấp quốc gia và các em đỗ vào đại học. Những năm sau đó, được sự ủng hộ của đông đảo quần chúng, Quỹ Khuyến học của xã ngày càng lớn mạnh, đến nay có số dư vài trăm triệu đồng. Trong đó, gia đình cụ Phí Văn Tuệ, anh Nguyễn Ngọc Thông nhiều lần ủng hộ số tiền tới mấy chục triệu đồnng. Gia đình các ông Phí Quốc Tuấn, Vương Duy Vượng, Nguyễn Khắc Tuyên, Nguyễn Đăng Huy đều ủng hộ 10 triệu đồng trở lên và nhiều gia đình, cá nhân khác... Hằng năm, vào ngày mồng 4 Tết, tại bia Văn chỉ của làng, cùng với lãnh đạo địa phương,  Quỹ Khuyến học tổ chức gặp mặt và khen thưởng cho các em đỗ đại học, cao đẳng. Vào dịp cuối năm học, Qũy lại khen thưởng các em học sinh giỏi  các cấp, bậc học, các sinh viên tiên tiến các em thi đạt giải học sinh giỏi bộ môn các cấp. Từ năm 1995 đến nay, với 20 năm hoạt động, trải qua vài kỳ Đại hội, Hội Khuyến học xã Hương Ngải đã khen thưởng trên dưới 300 em đỗ đại học và hàng nghìn lượt em thuộc các đối tượng khác với tiền thưởng hàng trăm triệu đồng.
     Từ năm 2003 đến nay, ông Vũ Duy Tường – Phó chủ tịch UBND xã được bầu làm Chủ tịch Hội Khuyến học xã và vẫn duy trì tốt hoạt động của Hội được cấp trên ghi nhận và khen thưởng. Ngoài  Quỹ Khuyến học của xã, rất nhiều dòng họ, gia tộc trong làng lại có quỹ riêng để khuyến học cho con em mình, tiêu biểu như: họ Nguyễn Đăng, Nguyễn Hữu, họ Vũ, họ Phí Đình, Phí Mạnh, họ Nguyễn Văn, họ Đỗ, họ Nguyễn Hương… Đến nay, toàn xã đã có 24 dòng họ và nhiều chi, nhiều ngành lập Quỹ Khuyến học. Qũy này thường trao thưởng cho các con cháu vào ngày giỗ Họ, giỗ Tổ và có ý nghĩa động viên không nhỏ. Bên cạnh đó, xã còn giới thiệu 31 gia đình hiếu học và những cá nhân tích cực. Trong đó có những gia đình tiêu biểu nhất được cấp Tỉnh và Thành phố khen thưởng như gia đình ông Cấn Liên (Thôn 2), gia đình ông Phí Đình Lân (Thôn 4), gia đình thầy giáo Bùi Phi Hiển… đã tích cực lao động, nuôi con  ăn học và tất cả đều có trình độ đại học trở lên. Song hành với công tác khuyến học của xã và dòng họ, Qũy khuyến học ở các nhà trường, ở một số Hội đồng môn cũng đã góp phần không nhỏ thúc đẩy phong trào thi đua, rèn đức luyện tài trong lớp trẻ nhiều năm qua.
     Nhờ sự động viên hỗ trợ kịp thời của nhiều hình thức khuyến học, sự chăm lo của gia đình cùng với nỗ lực cá nhân, học sinh xã Hương Ngải đã, đang học tập, lao động và  cống hiến dựng xây, bảo vệ quê hương đất nước. Nhiều năm qua, các thế hệ học sinh  đã tô thắm thêm truyền thống yêu nước, truyền thống lao động cần cù và hiếu học của một làng quê Văn hóa và Anh hùng.

NGUYỄN THỊ THIỆN - Nguyên PHT trường THPT Thạch Thất, Hà Nội
ĐT: 0915224011;  ĐC: Thôn Phúc Tiến, xã Bình Yên, Thạch Thất,  Hà Nội