LẤY VỢ KÉN TÔNG, LẤY CHỒNG KÉN GIỐNG

LẤY VỢ KÉN TÔNG, LẤY CHỒNG KÉN GIỐNG

Đối với các cụ thì câu hỏi này thừa, vì "Nòi nào giống ấy","Cây nào quả ấy","Giỏ nhà ai quai nhà ấy","Con nhà công chẳng giống lông cũng giống cánh", "Tìm nơi có đức gửi thân", ai chẳng muốn có trai hiền gái đảm, rể thảo dâu hiền.

Thời nay, một số bạn trẻ coi thường cho là phong kiến lạc hậu. Có những đôi trai gái mới chỉ gặp nhau trên một đoạn đường, đã vội đính ước, tính chuyện vuông tròn, thậm chí họ đã biết rõ cả "Ngọn nguồn lạch sông"!!!Đành rằng cũng có trường hợp "Một ngày nên nghĩa, chuyến đò nên duyên", song thành công là cá biệt, thất bại là phổ biến."Tìm tông, tìm họ" không có nghĩa là tìm chốn sang giàu, khinh người nghèo khó, mà chủ yếu là tìm nơi có gia giáo, có đức độ."Cha mẹ hiền lành để đức cho con","Đời cha ăn mặn, đời con khát nước". Con người sinh ra lớn lên do nhiều yếu tố xã hội chi phối, nhưng nam nữ thanh niên mới lớn lên, trường đời chưa từng trải, giáo dục gia đình là yếu tố quan trọng và chủ đạo. Hôn nhân là việc hệ trọng, tác động cả đời, mà con người rất dễ mù quáng trong tình yêu. Qua tuần trăng mật không phải mọi việc trong quan hệ vợ chồng đều suôn sẻ. khi có những việc khó khăn, trục trặc trong cuộc sống, ai cũng muốn tìm điều hay lẽ phải để giải quyết cho thoả đáng. Lúc đó cần dựa vào "Tông", vào họ hàng, tìm những tình cảm chân thành và tri thức đúng đắn.

"Môn đăng hộ đối", tức là tìm nơi hai gia đình, hai bên thân thuộc, có những mặt cân đối phù hợp với nhau, chứ đâu phải bắc bậc leo thang, kẻ khinh người trọng.Ngoài ra còn một yếu tố nữa: Tính đến gien di truyền.Ngày xưa trong một vài hoàn cảnh đặc biệt có ông chồng thoả thuận ngầm với vợ đi "Xin nòi". Xin lưu ý: những người đàn bà đó không thuộc loại lẳng lơ đâu- ta cũng chỉ cần biết nói nhỏ với nhau thôi và nhấn mạnh "Hoàn cảnh đặc biệt"!. 

Ở các nước Âu Mỹ, anh chị em con chú bác ruột vẫn có quyền lấy nhau, qua tác phẩm "Ơgiêni Grăngđê" ta thấy mối tình giữa hai anh em con chú bác ruột Grăngđe và Ơgiêni sở dĩ trắc trở là do thói keo kiệt biển lẩn của lão Grăngđê, chứ tác giả không đả động đến vấn đề chung huyết thống.Trung Quốc là một nước chịu ảnh hưởng của văn hoá phong kiến nặng hơn ta nhiều, nhưng anh chị em con cô, cậu ruột, con dì ruột vẫn được lấy nhau. Xem Bảo Thoa, Bảo Ngọc... trong "Hồng Lâu Mộng" yêu nhau, lấy nhau là chuyện bình thường.

Ở nước ta, dưới triều Trần, con cháu nhà vua chỉ được lấy người trong Hoàng tộc (Lấy sang họ khác sợ bị nạn ngoại thích cướp ngôi). Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn lấy Thiên Thành công chúa, tức là cô ruột của mình. Vua Trần Thánh Tông lấy Thiên Cảm Hoàng hậu, tức chị con bác ruột. Vua Trần Minh Tông lấy Lệ Thánh Hoàng hậu, tức con chú ruột, đều là cháu nội vua Trần Nhân Tông vv...Còn trong dân gian từ triều Lê về sau, nếu trong họ nội thân cùng quê mà lấy nhau gọi là hôn thú, họ hàng không chấp nhận. Nếu cùng họ nhưng đã xa đời, thuộc chi khác nhau hay đã xa quê (gọi là biệt tổ ly tông) thì vẫn lấy nhau được. Thời xưa, do trọng nam khinh nữ, hoặc thiếu hiểu biết về gien di truyền, nên anh chị em con cô, cậu ruột coi như khác họ vẫn có quyền làm thông gia với nhau. Ca dao tục ngữ trong dân gian còn ca ngợi trường hợp cháu cậu mà lấy cháu cô, coi như "Thóc lúa trong bồ, giống má nhà ta".

Nhưng di truyền học đã khẳng định rằng người có chung huyết thống mà có con với nhau thì qua nhiều đời dòng giống bị thoái hoá, có trường hợp bị quái thai, vì vậy anh em họ lấy nhau, kể cả họ nội hay họ ngoại đều không có lợi.

Luật pháp nước ta qui định cùng chung huyết thống ba đời, kể cả bên bố hay bên mẹ, đều không được lấy nhau.

                                                             PHAN LẠC SẮC (Sưu tầm)