MỘT ĐIỂM SÁNG VỀ HOẠT ĐỘNG KHUYẾN HỌC

Vừa qua, chi hội khuyến học thôn Vạn Điểm (thuộc xã Vạn Điểm. huyện Thường Tín) đã tổ chức kỷ niệm 15 năm ngày thành lập.
MỘT ĐIỂM SÁNG VỀ HOẠT ĐỘNG KHUYẾN HỌC
      Chi hội được thành lập ngày 3/2/2001, có 13 ủy viên chấp hành, do ông Phùng Đăng Nghinh (nguyên là phó chủ tịch UBND huyện Thường Tín), người tự nguyện đứng ra vận động tổ chức xây dựng chi hội là chi hội trưởng.
      Làng Vạn Điểm là làng có truyền thống hiếu học, từ thế kỷ XVI đã có hai vị đỗ Tiến sĩ, làng có văn chỉ là trường học dạy chữ cho cả tổng Vạn Điểm; trong thời kỳ đổi mới ngày nay, làng đã có 3 người đỗ Tiến sĩ, 18 thạc sĩ, 274 người có trình độ dại học, cao đẳng (chiếm 12% dân số); cả ba nhà trường (PTCS, Tiểu học, Mầm non) đều được công nhận trường chuẩn quốc gia ở tốp đầu trong huyện. Sau 15 năm thành lập, chi hội đã có nhiều cố gắng, chủ động tích cự trong hoạt động khuyến học khuyến tài. Chi hội đã có nhiều hình thức linh hoạt trong việc vận động  xây dựng quỹ hội như trực tiếp vận động các gia đình, các dòng họ, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm qua từng đợt, từng chuyên đề; tổ chức phát hành “xổ số xây dựng quỹ khuyến học”. Sau từng năm trích quỹ, xét thưởng cho các cháu học giỏi, học sinh nghèo vượt khó vươn lên học tốt, học sinh trúng tuyển vào các trường cao đẳng, đại học, giáo viên và nhân dân có ý chí vươn lên trong học tập,…… Đến nay số dư quỹ khuyến học còn 130 000 đồng. Gia đình ông Giang Minh, gia đình ông Dương Ngọc Tài đã ủng hộ toàn bộ số tiền thưởng cho các cháu học sinh giỏi năm 2004, 2007; gia đình bà Hà Lan, ông Trường Quyên, ông Thọ Tàm ủng hộ toàn bộ số tiền chi phí cho các cháu học sinh giỏi đi tham quan; Gia đình đại tá, tiến sĩ Ngô Văn Vinh năm nào cũng ủng hộ quỹ khuyến học từ 1 đến 2 triệu đồng. Trong 15 năm qua, chi hội khuyến học thôn Vạn Điểm đã khen thưởng cho 1252 học sinh giỏi, trong đó 7 học sinh giỏi cấp quốc gia, 2 học sinh giỏi cấp quốc tế; thưởng cho 34 giáo viên giỏi các cấp, trong đó có 4 giáo viên giỏi cấp quốc gia; khen thưởng cho 31 gia đình hiếu học (GĐHT); khen thưởng cho tập thể chi hội phụ nữ, tập thể xóm Vạn Thắng, dòng họ Phùng Đăng, Phùng Viết, họ Nguyễn,… Thạc sỹ Hòang Anh Quy, giảng viên trường cao đẳng nghề cơ điện và công nghệ thực phẩm Hà Nội có “Bộ thực hành tin học đa năng”, đạt giải nhất trong cuộc thi “thiết bị dạy nghề tự làm toàn quốc lần thứ IV” cũng được chi hội khuyến học xét, khen thưởng.
      Hoạt động khuyến học ở làng Vạn Điểm đã duy trì và phát triển tốt việc học tập thường xuyên, học tập suốt đời trong nhân dân thông qua trung tâm học tập cộng đồng. Nhiều lớp học cho người lớn được tổ chức phục vụ cho nhu cầu tiếp thu khoa học kỹ thuật và nâng cao đời sống văn hóa cho người dân như các lớp phổ biến kỹ thuật cấy trồng, lớp dưỡng sinh cho NCT, lớp học tế cho đội tế thánh,…. Từ 4 người thợ do hợp tác xã cử đi lên HTX sơn mài Bình Minh (Hạ Thái, Duyên Thái) học công đoạn kỹ thuật sơn mài về mở các lớp học cho người dân trong làng, đến nay làng nghề sản xuất hàng gỗ, sơn mài Vạn Điểm đã phát triển mạnh, trở thành làng nghề nổi tiếng khắp cả nước và quốc tế, kinh tế phát triển thuộc tốp đầu của huyện Thường Tín. Ngày nay, đến Vạn Điểm, ai cũng thấy sự đổi mới khác biệt của một làng có nền kinh tế phát triển, đời sống mọi mặt của người dân được nâng lên, an ninh chính trị ổn định. Lãnh đạo xã Vạn Điểm nói chung, thôn Vạn Điểm nói riêng đều cho rằng có sự đóng góp tích cực của hoạt động khuyến học.

                                                                           DƯƠNG VĂN PHI
                                                   (Phó chủ tịch Hội khuyến học h. Thường Tín)