NGƯỜI XÂY DỰNG KHUÊ VĂN CÁC VÀ CỘT CỜ HÀ NỘI

Logo Hà Nội

Logo Hà Nội

Sau khi lập ra vương triều nhà Nguyễn 1802, Vua Gia Long đã chia Bắc Thành gồm 11 trấn, giao cho Nguyễn Văn Thành làm Tổng trấn. Nguyễn Văn Thành là một vị tướng văn võ song toàn ứng mộ Nhà Nguyễn cho đến khi vương triều Nhà Nguyễn được mở ra. Năm Gia Long thứ 4 91804) Nhận chiếu của Triều đình, Nguyễn Văn Thành đã cho xây dựng lại Bắc Thành. Trong nhiều hạng mục xây dựng như tòa Chính điện, tòa nội điện, tường bao... còn có kỳ đài chính là cột cờ Hà Nội ngày nay.

Kỳ đài là một dạng kết cấu hình tháp gồm 3 tầng và 1 thân cột. Các tầng đế xây theo dạng hình chóp vuông cụt, tầng nọ chồng lên tầng kia, xung quanh ốp gạch chắc chắn. Từ trên đỉnh kỳ đài có thể quan sát được cả một vùng rộng lớn của Hà Nội. Tầng 1: Mỗi chiều 42,5 m; cao 3,1 m. Tầng 2: Mỗi chiều 27 m; cao 3,7 m; có 4 cửa, trừ cửa Bắc, 3 cửa còn lại đều có đắp 2 chữ tuỳ theo từng hướng: Cửa Đông - Nghênh Húc (đón nắng ban mai), Cửa Nam - Hướng Minh (hướng về ánh sáng), Cửa Tây - Hồi Quang (ánh sáng phản hồi). Tầng 3: Mỗi chiều 12,8 m; cao 5,1 m. Từ tầng 1 đến tầng 3 đều có cầu thang xoắn dẫn lên. Trên tầng 3 là thân cột Cờ hình trụ có 8 cạnh thon dần lên phía trên, mỗi cạnh 2,13 m với thân cao 18,2 m.

 Trụ hình thang xoáy trôn ốc gồm 54 bậc; được rọi sáng (và thông hơi) bằng 39 ô cửa sổ hình hoa thị và 6 ô cửa sổ hình dẻ quạt. Những ô cửa này được đặt dọc các cạnh, mỗi cạnh có tới 5 hoặc 6 cửa sổ. Đỉnh cột cờ được cấu tạo thành một cái lầu hình bát giác, cao 3,3 m có 8 cửa sổ tương ứng 8 cạnh. Giữa lầu là một trụ tròn, đường kính 0,4 m và cao đến đỉnh lầu, là chỗ để cắm cán cờ (cao 8 m). Toàn phần xây từ đế đến trụ này cao 33,4 m gồm 3 tầng đế cao 12 m, cột cao 18,2 m, lầu 3,3 m. Nếu kể cả trụ treo cờ thì trên 40 m.
 

Cũng tháng 8 năm 1805, Tổng trấn Nguyễn Văn Thành lại cho xây dựng Khuê văn các tại Văn miếu Quốc tử giám. Khuê văn các (nghĩa là "gác vẻ đẹp của Sao Khuê") là một lầu vuông tám mái, bao gồm bốn mái thượng và bốn mái hạ, cao gần chín thước. Gác dựng trên một nền vuông cao cân xứng có lát gạch Bát Tràng, mỗi bề có chiều dài là 6,8 mét. Để bước lên được nền vuông này phài đi qua ba bậc thang đá. Kiểu dáng kiến trúc Khuê Văn Các rất hài hòa và độc đáo. Tầng dưới là 4 trụ gạch vuông, mỗi cạnh của trụ có chiều dài một mét và trên các mặt trụ đều có chạm trổ các hoa văn rất tinh vi và sắc sảo.

Tầng trên là kiến trúc gỗ sơn son thếp vàng trừ mái lợp và những phần trang trí góc mái hoặc trên bờ nóc là bằng chất liệu đất nung hoặc vôi cát có độ bền cao. Sàn gỗ có chừa 2 khoảng trống để bắc thang lên gác.Bốn cạnh sàn có diềm gỗ chạm trổ tinh vi. Bốn góc sàn làm lan can con tiện cũng bằng gỗ. Bốn mặt tường bịt ván gỗ, mỗi mặt đều làm một cửa tròn có những thanh gỗ chống tỏa ra bốn phía. Cửa và những thanh gỗ chống tượng trưng cho sao Khuê và những tia sáng của sao. Mé trên sát mái phía cửa ngoài vào treo một biển sơn son thiếp vàng 3 chữ  (Khuê văn các). Mỗi mặt tường gỗ đều chạm một đôi câu đối chữ Hán thiếp vàng. Cả bốn đôi câu đối này đều rất có ý nghĩa.
Tạm dịch nghĩa như sau: (Bản dịch theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia)
Sao Khuê trời sáng, văn minh rộng - Sông Bích xuân sâu, mạch đạo dài
Triều ta tô điểm nhiều văn trị - Gác đẹp văn hay đón khách xem
Bắc Đẩu soi thành nhiều khí tốt - Đầm thu bóng nguyệt sáng lòng xưa
Nước lễ nghĩa nghìn năm văn hiến - Phủ đồ thư một mối thánh hiền

 Khuê văn các nhỏ nhắn xinh xắn, kiến trúc giản dị nhưng tao nhã, đặc biệt lại được chọn dựng ở giữa những cây cổ thụ quanh năm xanh tốt, cạnh giếng Thiên Quang đầy nước trong xanh, in bóng gác lung linh.
Trải qua bao thời gian, Cột cờ Hà Nội và Khuê văn các là biểu tưởng của Hà Nội, in sâu vào tiềm thức mỗi con người Việt Nam và thế giới. Ngày nay, UBND thành phố Hà Nội lại chọn Khuê văn các là biểu tượng chính thức của Thủ đô, là logo về Hà Nội.
        Trân trọng hình ảnh Cột cờ Hà Nội, Khuê văn các, chúng ta cần nhớ tới người có công xây dựng ra nó - đó là Tổng trấn Nguyễn Văn Thành. Hãy nên đặt tên một con đường, một phố nào đó mang tên Nguyễn Văn Thành để ghi nhớ công lao.
                                                             
                                                                                                         PHAN LẠC SẮC