NHỮNG KỶ NIỆM KHÔNG THỂ NÀO QUÊN

Tháng 5 - khoảng thời gian đầy ắp những sự kiện lịch sử, những lễ kỷ niệm trọng đại của dân tộc ta và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới. Một trong những sự kiện trọng đại đó là 19 tháng 5 - ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh Hùng giải phóng dân tộc, Nhà Văn hóa kiệt xuất của nhân loại.
Đoàn nghiên cứu chụp ảnh lưu niệm tại Đại học Glasgow Người đứng giữa (đeo kính) là GS Nguyễn Minh Thuyết – Trưởng đoàn
      Năm nay, kỷ niệm 131 năm ngày sinh của Bác, tôi  bồi hồi nhớ lại  ngày này cách đây 6 năm (năm 2015), tôi may mắn được đến những nơi Bác Hồ từng sống, làm việc tại nước Anh vào những năm 1913 - 1014, được nhìn tận mắt, được cảm nhận trực tiếp những gì mà từ lâu tôi chỉ được biết qua báo chí, sách vở, phim ảnh v.v…về ý chí và nghị lực phi thường của Bác, về tình cảm của người dân Anh cũng như nhân toàn thế giới đối với Bác…Với tôi, đó là những kỷ niệm không thể nào quên
     Từ thuở còn cắp sách tới trường, được học về những ngày tháng đi tìm đường cứu nước của Bác, được đọc câu thơ : “Một hòn gạch nóng nung tâm huyết / Mẩu bánh mì con nuôi chí bền” của Nhà Thơ Tố Hữu viết về Bác trong những ngày tháng lao động gian khổ ở London…tôi cứ ước ao một lần được đến nước Anh, đến nơi Bác Hồ từng phải làm công việc cào tuyết, phụ bếp để kiếm sống, để học tập… trong những năm tháng đầu tiên của hành trình tìm đường cứu nước. Rồi cơ hội ấy đã đến.
     Sau khi kết thúc những năm tháng hoạt động giảng dạy và nghiên cứu ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền, tôi tiếp tục làm việc tại Viện Khoa học Môi trường và Xã hội ( thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) với cương vị Trưởng Ban Đào tạo, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học của Viện. Để thực hiện Đề tài Khoa học cấp Nhà nước KX. 03.17/11- 15 “Những vấn đề Lý luận và Thực tiễn về Quyền tiếp cận Thông tin ở nước ta”, tháng 5 năm 2015, tôi được tham gia Đoàn Nghiên cứu thực tế tại nước Anh do GS.Nguyễn Minh Thuyết làm Trưởng đoàn để tìm hiểu Luật về quyền Tự do thông tin và một số cách thức cụ thể mà Vương quốc Anh đã làm để thực thi điều luật đó. Trong hơn 10 ngày làm việc tại nước Anh, chúng tôi đã được Đại sứ quán Việt Nam và chính quyền nước sở tại tạo điều kiện tốt nhất để làm việc có hiệu quả với Cao ủy Thông tin của UK, của Scotland, với Khoa Luật trường Đại học Glasgow, với Hội Luật gia Hoàng gia Anh và với BBC tại London. Bên cạnh niềm vui của việc hoàn thành tốt nhiệm vụ nghiên cứu, tập thể Đoàn và cá nhân tôi còn được trải qua nhiều cung bậc cảm xúc của một kỳ sinh nhật Bác thật đặc biệt tại nước Anh.
      Đặt chân đến London vào sáng sớm ngày 16 tháng 5, chúng tôi được ông Hoàng Lộc (Ủy viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Vương quốc Anh) đón ở sân bay và đưa Đoàn về một ngôi nhà bình dị ở ngoại ô London. Theo lịch của Đoàn, đúng ngày sinh của Bác, chúng tôi sẽ làm việc ở trường Đại học Glasgow thuộc Scotlan. Do vậy, ngay sáng 17.5, chúng tôi được đến đặt hoa và chụp ảnh lưu niệm tại nơi Bác Hồ từng sống và làm việc vào năm 1913 - 1914, những năm  tháng đầu tiên khi Người tới nước Anh. Thật xúc động trước những gì mà người dân Anh đã làm để lưu giữ những kỷ niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh.                                             
      Trước hết là phiến đá kỷ niệm tại thị trấn Newhaven.
      Quỹ thời gian không cho phép đến tận nơi, song những gì mà chúng tôi được biết về mảnh đất đầu tiên in dấu chân Bác khi Người đến  nước Anh cách đây hơn một thế kỷ đã khiến ai cũng xúc động.Thị trấn cảng Newhaven cách London 100 km về phía nam, nơi trước kia từng có mỗi ngày một chuyến phà đi từ đây sang thị trấn Dieppe của nước Pháp. Năm 1912, Bác Hồ từng làm bếp trên chiếc phà này để rồi  năm 1913, Người  chính thức đặt chân tới nước Anh. Năm 2013, Chính quyền hạt Đông Sussex đã dựng một phiến đá kỷ niệm 100 năm ngày Bác Hồ đến nước Anh. Bảo tàng Thị trấn Newhaven còn lưu được hình ảnh chiếc phà từng in dấu chân Bác. Ở một góc của Bảo tàng trang trọng đặt  bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
      Tiếp đến là Tấm biển tưởng niệm tại tòa nhà New Zealand mà chúng tôi được đến tận nơi đặt hoa và chụp ảnh lưu niệm. Đó là tấm biển màu xanh do Hội Hữu nghị Anh – Việt và những người bạn Anh yêu quý Việt Nam đặt vào năm 1990 vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tấm biển tưởng niệm được gắn trên bức tường tòa nhà New Zealand ở cuối phố Haymarket, Trung tâm London. Tòa nhà này được xây dựng trên nền khách sạn Carlton (đổ nát vì bom năm 1940), nơi Bác Hồ từng làm việc dọn dẹp, rửa  bát đĩa dưới tên gọi Nguyễn Tất Thành.Tấm biển ghi: “Hồ Chí Minh (1890 - 1969) - Người sáng lập nước Việt Nam, năm 1913 làm việc tại khách sạn Carlton, tòa nhà từng nằm trên nền đất này”. Theo ông Len Aldis, Chủ tịch Hội  Hữu nghị Anh -Việt thì Dự án đặt tấm biển tưởng niệm này phải thực hiện trong 3 năm với sự ủng hộ của các Chính trị gia và “vì là tấm biển tưởng niệm Hồ Chí Minh, một con người vĩ đại được cả thế giới biết đến” nên nó đã được thực hiện. Bồi hồi xúc động…tôi nhớ tới chuyện kể về Bác khi làm việc ở đây. Thói quen của mọi người thường đổ bỏ thức ăn thừa khi rửa bát, nhưng riêng Nguyễn Tất Thành thì giữ chúng lại (mẩu bánh mì, quả táo, có khi cả nửa con gà…) gói cẩn thận dành cho người nghèo, người ăn xin vất vưởng quanh khách sạn. Hành động này của anh đã khiến ông Escoffier, vị Đầu bếp huyền thoại của khách sạn Carlton phải nể phục, ông đã làm một việc chưa tứng có tiền lệ ở đây: chuyển anh lên khu vực làm bánh để “truyền nghề”, giúp anh có cuộc sống tốt hơn. Song, như lời ông Len Aldis: “Nhưng điều đó cũng không thể giữ chân ông Hồ ở lại xứ sương mù này, bởi chất chứa trong ông là hoài bão giải phóng dân tộc”.
       Tầng hầm của tòa nhà may mắn vẫn được giữ nguyên vẹn như năm 1913: chật chội, lạnh lẽo, tường chỉ cao 2m, thiếu ánh sáng… nay dùng làm nhà kho. Chúng tôi tới London vào giữa tháng 5 mà vẫn có những ngày lạnh như mùa đông ở xứ ta. Đứng tại nơi đây, nghĩ đến việc Bác Hồ từng phải đi  cào tuyết tại một trường học, từng phải ngủ nhiều đêm trong một tầng hầm lạnh lẽo không lò sưởi giữa  mùa đông buốt giá… càng thấm thía câu thơ của Tố Hữu: “Một hòn gạch nóng nung tâm huyết” – rất thực, rất cụ thể mà có sức khái quát lớn lao về ý chí và nghị lực của Bác. Đến nước Anh, càng muôn phần thương kính Bác Hồ hơn.

     Tấm biển  tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn trên tường tòa nhà
        New Zealand, nơi xưa kia là khách sạn Carlton (ảnh do TG chụp)
 
  Thuở ấy, Bác Hồ không chỉ làm việc rửa bát đĩa ở khách sạn Carlton mà còn đốt lò, phụ bếp tại khách sạn Drayton Court trên phố The Avenue, quận Ealing, phía Tây London. Đã bao biến cố,  bao sự đổi thay, song trang Web của Khách sạn Drayton Court hiện nay vẫn trang trọng ghi: “Hồ Chí Minh, vị Lãnh tụ của Việt Nam, đã làm việc vất vả tại bếp ăn của Khách sạn vào năm 1914, trước khi ông tiếp tục hành trình thay đổi lịch sử của đất nước, đánh đuổi các  lực lượng từ Nhật Bản, Pháp và Mỹ ”.
       Đến London, cảm giác như mình đang được chạm vào lịch sử, được sống lại một chặng đường trong những năm tháng đầu tiên trên con đường gian nan đi tìm đường cứu nước của Bác, được cảm thấy như Người đang hiện hữu nơi đây, bên mỗi hàng cây, góc phố, trong trái tim những người dân Anh yêu tự do, công lý và hòa bình.
                  Đoàn N/C chụp ảnh bên bức tường gắn bia tưởng niệm
     (GS.TS. Nguyễn Minh Thuyết – Trưởng Đoàn, đứng thứ ba từ phải sang) 
   
     Năm 1954, cũng tại nước Anh đã xuất hiện một ca khúc ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí  Minh và sự nghiệp giải phóng dân tộc  của Việt Nam do Người lãnh đạo. Đó là tác phẩm “The Ballad of Ho Chi Minh” (Bài ca Hồ Chí Minh) của  Ewan MacColl, một nhạc sĩ người Anh có tư tưởng tiến bộ, rất ngưỡng mộ Bác Hồ.  Ông đã tham gia phong trào đấu tranh của giai câp công nhân Anh từ rất sớm, đã tìm hiểu về Chủ tịch Hồ Chí Minh và con đường cứu nước mà Người đã chọn. Ông hiểu sâu sắc rằng: “Hồ Chí Minh không chỉ xót thương nhân dân mình, dân tộc mình mà ngay khi còn lưu lạc nơi đất khách, quê người, Hồ Chí Minh đã thấu hiểu nỗi đau khổ của những người nô lệ châu Phi, châu Mỹ...”. Tin tức về chiến thắng Điện Biên Phủ 7.5.1954 lan truyền khắp nước Anh cũng như trên toàn thế giới đã tạo nguồn cảm hứng mãnh liệt giúp ông viết nên tác  phẩm bất hủ “The Ballad of Hồ Chí Minh”(Bài ca Hồ Chí Minh). Ca khúc được viết trên nền làn điệu dân ca cổ Saxon, thiết tha mà sôi nổi. Đó là cách để ông nói lên tình cảm của nhân dân Anh đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tác phẩm nhanh chóng được được bạn bè năm châu đón nhận, dịch ra nhiều thứ tiếng: Pháp, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Nhật. Năm 1967, tại  “Đại hội Liên hoan quốc tế Ca hát phản kháng chiến tranh” tổ chức tại La Habana (Cu Ba), cố NSUT Quang Hưng đã xúc động trào nước mắt khi được nghe chính tác giả trình bày ca khúc này và sau đó còn dạy ông hát ca khúc The ballad of Hồ Chí Minh bằng tiếng Anh. NSUT Quang Hưng là người đưa bài hát nổi tiếng này về Việt Nam và là Ca sĩ  tiên thể hiện thành công “ Bài ca Hồ chí Minh” tại Nhà Hát Lớn Hà Nội đúng vào sinh nhật Bác 19.5.1967  bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt,  với lời Việt do nhạc sĩ Phú Ân biên soạn.
       Không thể ngờ được rằng, 48 năm sau, vào  ngày 19 tháng 5 năm 2015, tôi lại được hát ca khúc này tại trường Đại học Glasgow – một trường Đại học nổi tiếng của nước Anh và thế giới. Được thành lập năm 1451, ngôi trường mang phong cách kiến trúc Gothic, Đại học Glasgow là một trong bốn trường Đại học lâu đời nhất tại các quốc gia nói tiếng Anh. Mấy thế kỷ qua, trường luôn quy tụ  được đội ngũ các nhà khoa học ưu tú: Nhà Kinh tế học, Triết học Adam Smith ( từng là sinh viên rồi trở thành Giáo sư nổi tiếng tại Đại học Glasgow ; Albert Eíntein (1879 - 1955) tác giả của Thuyết “Tương đối” - một trong những Nhà Vật lý vĩ đại nhất mọi thời đại từng giảng dạy tại đây... Với 7 giải Nobel, Đại học Glasgow được xếp hạng trong tốp 1% các trường Đại học tốt nhất thế giới và là thành viên của Russell Group( Hiệp Hội của 24 Đại học công lập tại Vương quốc Anh), rất có uy tín về nghiên cứu chuyên sâu. Thêm nữa, một Thủ tướng nước Anh cũng trưởng thành từ đây, khiến ngôi trường này càng có sức hút đối với sinh viên trong nước và quốc tế. Dịp đoàn chúng tôi đến nghiên cứu, Đại học Glasgow có tới 25.000 sinh viên và nghiên cứu sinh, 130 quốc gia có con em theo học tại đây, trong đó có Việt Nam.
      Sau hai ngày làm việc với Cao ủy Thông tin  Scotland và Đặc phái viên của Chính phủ giám sát việc  thực hiện Luật về “Quyền Tự do thông tin” tại đây, sáng 19.5.2015, chúng tôi được Giáo sư Anton Maiscaltelli, Hiệu trưởng trường Đại học Glasgow tiếp đón và làm việc với đoàn. Chúng tôi được biết GS.Anton rất ít khi tiếp khách quốc tế, nhưng đây là một trường hợp đặc biệt. Lời chào mừng của ông không dài, song rất ấn tượng khiến tôi vẫn nhớ, ông nói rằng: Đại học Glasgow và bản thân ông rất vinh dự được đón một đoàn nghiên cứu đến từ Việt Nam để tìm hiểu Luật về Quyền tự do thông tin …Đó là một điều đặc biệt khiến chúng tôi rất hào hứng khi được tiếp đoàn. Đặc biệt hơn nữa, hôm nay là ngày 19 tháng 5, kỷ niệm 125 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại. Người mà chúng tôi rất ngưỡng mộ…Tiếp đó ông chúc Đoàn thu được nhiều kết quả  trong đợt nghiên thực tế tại nước Anh và  trường Đại học Glasgow v.v          
      Sau khi GS.Nguyễn Minh Thuyết thay mặt đoàn nói lời cảm ơn, trong tâm trạng xúc động, tôi xin phép Giáo sư và cả đoàn được hát tặng ông Hiệu trưởng cùng những người bạn Anh ca khúc của một nhạc sĩ người Anh viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là  “The Ballad of Ho Chi Minh” mà tôi đã nói tới ở phần trên. Khi tôi cất tiếng hát:
      “ Far  away across the ocean / Far beyond the seas eastern rim / Lives a man who is father of the Indo – chinese  people / And his name it is Ho Chi Minh / Ho Ho, Ho Chi Minh…… Miền biển Đông, xa tắp nơi chân trời /  người dân ở  đó lầm than đói nghèo / Từ đau thương Người đi khắp năm châu lòng tin mặt trời chân lý sáng soi rọi chiếu sáng dân mình / Hồ Hồ …Hồ chí Minh…”, tôi thấy ông Anton và các bạn người Anh có mặt trong phòng đều nhìn tôi với vẻ ngạc nhiên và thích thú, còn các anh chị cùng đoàn thì dành cho tôi ánh mắt khích lệ. Ca từ của bài hát này được Ewan MacColl viết theo lối kể chuyện, từ 9 lời trong tiếng Anh, nhạc sĩ Phú Ân đã rút lại còn 4 lời trong tiếng Việt mà vẫn thể hiện đầy đủ nội dung bài hát. Tôi phải lựa chọn rất nhanh và quyết định hát 2 lời tiếng Anh, 2 lời tiếng Việt xen kẽ nhau rồi kết thúc bằng lời 4 của Nhạc sĩ Phú Ân. Âm nhạc của Ewen MacColl và ca từ của Phú Ân quyện vào nhau, mỗi lời ca như tiếng nói cất lên từ trái tim của mỗi người con đất Việt và nhân loại tiến bộ ngợi ca Chủ tịch Hồ Chí Minh, khẳng định công lao và sự bất tử của Người :
          Lòng thành kính, toàn dân gọi cha già. Vì Người đã sống để cho muôn người. Hồ Chí Minh mùa xuân chứa chan muôn niềm tin Người từ chân lý sinh ra vì thế giới hòa bình, Người hiến dâng đời mình, vì thế giới hòa bình”.
   Hồ Hồ Hồ Chí Minh, Hồ Hồ Hồ Chí Minh. Hồ Hồ…Hồ Chí… Minh !”
          Chỉ là một người yêu nghệ thuật ca hát, thể hiện một ca khúc nổi tiếng của  Nhạc sĩ người Anh trên đất Anh trong một tình huống hoàn toàn ngẫu hứng, tôi bất ngờ vì cả phòng họp xúc động lắng nghe và có nhiều tiếng hát hòa theo câu “Hồ Hồ,  Hồ Chí Minh …” ở cuối mỗi đoạn của bài hát. Nhìn sang, tôi thấy GS.Anton cũng khe khẽ gõ nhịp hát theo…phía cửa phòng họp, lấp ló những gương mặt các bạn người Anh thích thú lắng nghe. Không còn phân biệt chủ - khách, tất cả như hòa chung một cảm xúc, một tình cảm thiêng liêng đối với Bác Hồ khiến tôi tự tin hơn, đưa giọng lên cao và ngân dài câu cuối “Hồ Hồ …Hồ Chí…Minh …” hòa giọng với mọi người để kết thúc bài hát. Phòng họp bỗng lắng lại vài giây rồi những tiếng vỗ tay, những lời cảm thán, lời cám ơn vang lên… khiến tôi xúc động không nói nên lời. Tôi hiểu, điều đó nói lên lòng kính yêu  vô bờ của mọi người đối với Bác Hồ, bài hát đã khơi đúng mạch nguồn cảm xúc, đã  giúp chúng tôi nói lên tình yêu, lòng biết ơn Người  bằng một thứ ngôn ngữ khác, đó là  âm nhạc.
       Thật bất ngờ, vừa trở về Việt Nam được một ngày, thì  26.5.2015 tôi nhận được thư của chị Angela Melley, Trưởng Ban Quan hệ Quốc tế của trường Đại học Glasgow, thư có đoạn viết:  
                “  Khuê thân mến,
       Tôi rất vui khi được gặp chị và đồng nghiệp trong chuyến đi thực tế tại Scotland về Tự do thông tin. Tôi muốn cám ơn chị một lần nữa về bài hát mà chị đã hát tặng chúng tôi để kỷ niệm ngày sinh cụ Hồ Chí Minh 19/5. Đó thực sự là một hoạt động ngẫu hứng mang lại niềm vui tuyệt vời cho tất cả chúng tôi và làm cho chuyến thăm của đoàn trở nên rất đáng nhớ. Các đồng nghiệp của tôi trong văn phòng bên cạnh phòng họp của Ngài Hiệu trưởng đã nói với tôi là họ đều tạm dừng việc đang làm lại để lắng nghe chị hát…”.
       Sau khi nhận thư, tôi đã gửi cho Angela bài hát này (bản tiếng Anh), ngày 31. 5, tôi nhận được lá thư thứ hai của chị:
                   Quỳnh Khuê thân mến
       Cám ơn nhiều bởi lời bài hát The ballat of Ho Chi Minh: Đó là một bài hát mang tới tôi nhiều cảm xúc thật sự về Hồ Chí Minh và cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam. Tôi sẽ chia sẻ nó với các đồng nghiệp, những người đã thể hiện sự thích thú sau khi nghe được tiếng hát của chị hôm 19 tháng 5.
     Rất có thể sau năm nay tôi sẽ trở lại Việt Nam, tôi hy vọng chúng ta có thể gặp nhau.
      Hy vọng gặp nhau ở Hà Nội của chúng tôi đã không thành hiện thực vì những diễn biến phức tạp  tại nước Anh và Scotland những năm sau đó.
      Sáu năm đã trôi qua, nhưng những cảm xúc tuyệt vời mà tôi có được  tại nước Anh trong chuyến công tác đó vẫn vẹn nguyên, tràn đầy. Đó thật sự là những kỷ niệm không thể nào quên. Không chỉ hoàn thành tốt công việc nghiên cứu, nhờ chuyến công tác này mà tôi đã được đến, được trải nghiệm bao cảm xúc thiêng liêng về Bác Hồ kính yêu, cũng như được thấy tận mắt, được cảm nhận từ trái tim những tình cảm, sự ngưỡng mộ  mà nhân dân Anh và nhân dân thế giới dành cho Người. Đúng như những gì mà PGS.TS. Nhạc sĩ Chu Minh đã viết trong  Bản Hùng ca “ Người là niềm tin tất thắng” vào những ngày toàn dân tộc và nhân loại  tiến bộ tiếc thương, vĩnh biệt Chủ tịch Hồ Chí Minh - tháng 9 năm 1969:
“Thế giới nghiêng mình / Loài người tiếc thương / Đây người chiến sĩ đấu tranh cho tự do / Người là ước mơ của các dân tộc / Tiếng Người vang vọng đến mai sau / Nguyện ước theo con đường Bác đi / Hồ Chí Minh, Bác Hồ Chí Minh / Ôi trái tim Người nặng nghĩa bốn phương / Vì độc lập tự do đường lên phía truớc rực màu cờ sao / Hồ Chí Minh, Bác Hồ Chí Minh kính yêu, / Người là niềm tin tất thắng sáng ngời…”

  Hà Nội, tháng 5. 2021
PGS.TS. LƯƠNG QUỲNH KHUÊ 
Chi hội Khuyến học số 9 Dịch Vọng Hậu