PHÁT HUY TRUYỀN THÔNG CHI HỘI KHUYẾN HỌC THÔN KHÊ HỒI HOẠT ĐỘNG CÓ HIỆU QUẢ

Thật hiếm có một nơi nào có truyền thống khuyến học, khuyến tài như thôn (làng) Khê Hồi, xã Hà Hồi, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội.
CHI HỘI KHUYẾN HỌC THÔN KHÊ HỒI
         Đến nay, tại ngôi làng Việt cổ này, vẫn tồn tại những công trình di tích lịch sử, văn hóa có đến hàng trăm tuổi minh chứng cho truyền thống tốt đẹp đó, vẫn làm cho nhân dân tự hào, tiếp tục duy trì, phát triển hoạt động khuyến học theo những mô hình, nội dung mới tại quê hương.
         Đó là ngôi Văn Chỉ được xây dựng cách đây hàng trăm năm, khang trang, rộng rãi, tọa lạc trên khuôn viên đất rộng hàng trăm mét vuông, ở giữa làng. Cổng được xây dựng kiên cố, có cầu cong qua hồ nước dẫn vào, ở phần trên chính giữa có 4 chữ Hán đắp nổi, cỡ lớn: “Khê Hồi Văn Chỉ” nghĩa là “Văn Chỉ làng Khê Hồi”. Ở hai bên cổng đắp 2 ngọn bút lông to, cao đến hơn 3m; ngọn bút hướng lên trời như mô phỏng hình tượng tháp bút “Tả thanh thiên” (viết lên trời xanh) bên hồ Hoàn Kiếm, đền Ngọc Sơn ở Thủ đô Hà Nội. Đây là công trình văn hóa tín ngưỡng, tâm linh có chức năng chung là để tôn vinh Đạo học và lưu danh những người dân trong làng hiếu học, thành tài, góp phần làm rạng rỡ dòng họ và quê hương.

         Đó là một ngôi trường làng được xây dựng từ năm 1925, gần 100 tuổi, gồm 2 phòng học khang trang, rộng rãi, do cụ Tiến sĩ Từ Đạm (1862 -1937), người làng Khê Hồi có công đầu tạo dựng. Cụ là người chăm học, học giỏi, thi Đình đỗ “Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ” thời vua Thành Thái. Cụ theo chủ trương đổi mới “Khai thông dân trí; Chấn hưng dân khí; Hậu dân sinh” của các Sỹ phu Bắc Hà tiến bộ, yêu nước đầu thế kỷ XX, hết lòng quan tâm, chăm lo sự nghiệp khuyến học, khuyến tài ở làng quê. Cụ đã hiến đất, cấp tiền, kêu gọi dân làng tham gia làm trường cho con em học hành. Do có uy tín của Cụ mà Tổng đốc tỉnh Hà Đông (cũ) cũng ủng hộ và tài trợ một phần.
         Văn bia của trường (bằng chữ Hán và chữ Việt) đã nêu rõ mục đích, nội dung khuyến học của việc xây trường làng là:
        1. Muốn chữa sự ngây dại để khỏi người ta đè nén. (Việc) bức bách thì chẳng gì cho học hành, chẳng gì bằng các con em mình vào trường học.
        2.Học chữ Quốc ngữ vừa nhanh, vừa tiện, phải học nhanh lấy chữ Pháp để rộng đường sinh nhai, kiếm sống
         Đến nay, ngôi trường này thành “Trung tâm học tập cộng đồng thôn Khê Hồi”; Chi hội khuyến học thôn được Chính quyền xã giao quyền quản lý và sử dụng. Hai công trình hiếm có đó là những tượng đài về truyền thống khuyến học, khuyến tài của làng Khê Hồi, rất đáng được phát huy trong thời đại hiện nay theo mô hình và nội dung mới.
        Nhằm phát huy truyền thống khuyến học của làng, thực hiện sự chỉ đạo của cấp trên cách đây 5 năm, Chi hội khuyến học thôn Khê Hồi được thành lập, với thành phần là những thành viên chủ chốt trong Ban khuyến học các dòng họ và tất cả các Trưởng Ban, Ngành, Đoàn thể của thôn. Thầy giáo Từ Lũy Tiền, hiệu trưởng trường PTCS xã được bầu làm Chi hội trưởng và ông Từ Đức Lộc, người đã tình nguyện làm công tác khuyến học hơn 20 năm ở địa phương, làm Phó chi hội trưởng.
        Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng trong thời gian qua, Chi hội khuyến học thôn Khê Hồi có nhiều cố gắng hoạt động đạt kết quả cao. Về tổ chức, Chi hội đã thành lập các Tổ phụ trách từng mặt công tác riêng như: Kết quả học tập của học sinh; Theo dõi hoạt động Ban khuyến học các dòng họ; Thu chi tài chính; Vận động xây dựng quỹ khuyến học; Thu thập kinh nghiệm của các Hội khuyến học trong toàn quốc.
        Các bộ phận đó đều hoạt động tích cực và có hiệu quả. Đến nay, các dòng họ đã thành lập Ban khuyến học, trong đó 2 họ Từ và Lê hoạt động có hiệu quả hơn, được các dòng họ khác ghi nhận và học tập kinh nghiệm.
        Qua công tác tuyên truyền của Chi hội, các bậc Phụ huynh đã có nhận thức đúng đắn hơn về khuyến học, khuyến tài; học sinh học tập có tiến bộ hơn. Hàng năm trong thôn có trên dưới 200 học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 đạt “Học sinh tiên tiến” và “Học sinh giỏi”; có từ 7 đến 10 học sinh thi đỗ Đại học. Ban khuyến học dòng họ khen thưởng học sinh tiên tiến và giỏi; Chi hội khuyến học thôn phát quà cho học sinh lần đầu tiên đến trường và khen thưởng học sinh đỗ Đại học. Phần thưởng đỗ đại học 1 triệu đồng do ông Từ Lũy Tiến, Chi hội trưởng tài trợ hàng năm.
        Việc vận động xây dựng quỹ khuyến học đạt kết quả cao. Nhiều gia đình, cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức xã hội... tham gia xây dựng quỹ; điển hình như gia đình ông Lê Hùng Dương, Nhóm Phật tử (dấu tên) ủng hộ nhiều triệu đồng. Một số gia đình ở xa quê hoặc không còn con cháu tuổi học sinh cũng tài trợ quỹ khuyến học địa phương.
        Nhờ vậy, trong thời gian qua, Chi hội khuyến học thôn đã sửa sang trường làng - Trung tâm học tập cộng đồng thôn - hết hơn 100 triệu đồng; duy trì được việc khen thưởng học sinh; ngoài ra, tham gia công tác từ thiện, hỗ trợ các đoàn thể, dòng họ, khen thưởng một số học sinh có thành tích đặc biệt... hàng triệu đồng. Quỹ vẫn có số dư gần 20 triệu đồng.
        Hàng năm Chi hội khuyến học thôn Khê Hồi đều tổ chức Hội nghị tổng kết công tác với thành phần: Các cụ trong Hội đồng gia tộc, đại diện Chi hội người cao tuổi, Ban khuyến học các dòng họ, mời đại diện Đảng, Chính quyền, các Ban, Ngành, Đoàn thể, các Thầy, Cô giáo nghỉ hưu và một số học sinh tiêu biểu trong thôn.
        Như vậy, từ khi được thành lập đến nay, Chi hội khuyến học thôn Khê Hồi đã từng bước thực hiện có hiệu quả việc xây dựng các mô hình: Gia đình học tập; Dòng học học tập; Cộng đồng học tập; Đơn vị học tập theo chỉ đạo của Trung ương Hội khuyến học Việt Nam và Hội khuyến học cấp trên.

Bài và ảnh
Nguyễn Quốc Khánh