THAM MƯU CHO CẤP ỦY ĐẢNG, CHÍNH QUYỀN TRONG VIỆC GIỮ GÌN TÔN VINH TRUYỀN THỐNG HIẾU HỌC CỦA LÀNG KHOA BẢNG

Trong nhiều nội dung công tác của Hội, Hội khuyến học Yên Hoà luôn coi trọng công tác tuyên truyền, bồi dưỡng nâng cao nhận thức về khuyến học, về truyền thống địa phương, lấy đó làm điểm tựa cho phong trào. Chúng tôi thường xuyên tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc giữ gìn, tôn vinh truyền thống hiếu học của Làng Khoa bảng.
Hoàng Ngọc Diệp - Chủ tịch Hội khuyến học phường Yên Hoà
     Năm 2002, khi mới thành lập, Hội phường chúng tôi có 8 chi hội với hơn 200 hội viên và chưa có phương hướng hoạt động cụ thể. Ban chấp hành Hội quyết định phải tìm hiểu truyền thống của địa phương để định hướng công tác. Hội đã tham mưu với UBND phường cử ông Doãn Long, chi hội trưởng chi hội khuyến học dòng họ Doãn Yên Quyết, nguyên hiệu phó trường THPT Minh Khai, một người rất tâm huyết với truyền thống địa phương, ông đã tích lũy nhiều tư liệu lịch sử, lấy giấy giới thiệu của UBND phường ra Văn Miếu - Quốc Tử Giám cả tuần lễ để tìm hiểu và sưu tầm thêm những tư liệu lịch sử về truyền thống của Yên Hoà. Qua kết quả tìm hiểu truyền thống của Yên Hoà  thật đáng tự hào.
     Yên Hoà là một làng cổ có lịch sử ngàn năm cùng với đất Thăng Long. Cùng với việc kiến tạo làng xóm quê hương, an cư lạc nghiệp, người Yên Hoà đã sớm biết chăm lo việc nâng cao dân trí bằng con đường học hành khoa cử để tuyển chọn người tài ra gánh vác việc nước, coi đây là một trong những việc trọng đại của làng xã. Có “Quan văn trưởng” trông nom việc học, có “Văn chỉ” để thờ đạo học, có “Độc thư điền” - ruộng học - để biếu người đỗ đạt. Yên Hoà có tới 20 vị Tiến sĩ được ghi danh ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám (trên tổng số 25 tiến sĩ thuộc các xã của quận Cầu Giấy ngày nay). Điển hình có cụ Hoàng Quán Chi đỗ Đệ nhất giáp khoa thái học sinh năm 1393, làm quan tới chức Thượng thư, người mở đầu cho nền khoa cử của huyện Từ Liêm xưa. Cụ Nguyễn Quang Minh đỗ tiến sĩ năm 1400 cùng khoa thi với Nguyễn Trãi làm quan tới chức Nội thị hành khiển. Cụ Nguyễn Như Uyên đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân 1496 làm quan tới chức Lại bộ Thượng thư, Trưởng lục bộ kiêm Tế tửu Quốc Tử Giám, sau được phong Thái bảo Liêm quận công. Ở Thượng Yên Quyết có gia đình cụ Đỗ Văn Tổng cùng hai con Đỗ Văn Luận, Đỗ Công Toản đều đỗ tiến sĩ... Yên Hoà còn có gần 50 vị đỗ Hương cống, đỗ Tam trường, Tứ trường và hàng trăm tú tài.
     Thời phong kiến Yên Hoà có hai Làng Khoa bảng “Hạ Yên Quyết” và “Thượng Yên Quyết” trong đó “Hạ Yên Quyết” là 1 trong 20 Làng Khoa bảng điển hình của cả nước; là một trong “Tứ danh hương: Mỗ, La, Canh, Cót” của đất Thăng Long xưa. Từ trước năm 2000, khi Hội khuyến học phường chưa thành lập, một số dòng họ đã có hoạt động khuyến học để động viên con cháu tích cực học tập, tiếp bước ông cha.
     Sau khi tìm hiểu, Ban chấp hành Hội quyết định cần phát triển các chi hội ở 3 địa bàn, đó là: Trường học, các dòng họ và cụm dân cư. BCH Hội đã vận động các dòng họ thành lập các chi hội khuyến học và ra quy chế hoạt động. Tham gia trong Ban khuyến học các dòng họ có các cụ trưởng họ, đại diện các chi, các vị có uy tín và tâm huyết với công tác khuyến học của dòng họ. Từ 3 chi hội dòng họ ban đầu đến nay Yên Hoà đã có 13 chi hội khuyến học dòng họ và đang tiếp tục phát triển thêm. Các dòng họ động viên các gia đình, con cháu thi đua học tập, giúp đỡ các gia đình khó khăn vươn lên. Trước bàn thờ tổ tiên, nhắc lại truyền thống dòng họ, vinh danh những người đạt thành tích cao, ghi tên vào sổ truyền thống dòng họ, răn dạy những điều hay lẽ phải, giáo dục con cháu tiếp bước ông cha.
     Để khơi dậy truyền thống hiếu học của địa phương, Hội khuyến học đã đề nghị với Đảng ủy, UBND phường đưa “Phút truyền thống” vào chương trình Ngày hội khuyến học phường hàng năm. Trong không khí thiêng liêng xúc động, truyền thống hiếu học của Yên Hoà được nhắc lại, kêu gọi toàn dân: “Mảnh đất quê ta có từ hàng ngàn năm về trước, kể từ khi lập Làng Bạch Liên rồi Yên Quyết, gồm hai thôn Thượng - Hạ, sau lớn lên thành hai làng, hai xã vẫn keo sơn gắn bó cùng nhau. Bởi vậy xã Yên Hoà nhập hai làng gốc Tổ, phường Yên Hoà hôm nay nối tiếp cội nguồn xưa.
     Cùng với các chi hội khuyến học dòng họ, Hội khuyến học phường đã đề nghị Đảng ủy, UBND phường hỗ trợ vận động các bí thư chi bộ cùng các trưởng ban công tác mặt trận thành lập dần các chi hội khuyến học dân cư. Các tổ dân phố, các chi bộ dân cư thành lập tới đâu thì chi hội khuyến học được thành lập tới đó, phủ kín địa bàn toàn phường. Nhiều gia đình tham gia cả chi hội khuyến học dòng họ và dân cư.
     Năm 2010, kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, với tình yêu tha thiết và tự hào về mảnh đất quê hương của mình, Hội khuyến học đã đề xuất và được sự khuyến khích đặc biệt của Đảng ủy, UBND, MTTQ cùng các ban ngành đoàn thể của phường nhất trí xuất bản cuốn sách “Yên Hoà nghìn năm đất danh hương”. Các dòng họ, các chi hội, cá nhân viết nhiều bài gửi về Ban biên tập. Và 1500 cuốn sách được in, lưu truyền rộng rãi trong nhân dân. Cuốn sách đã ghi lại truyền thống hiếu học của nhân dân Yên Hoà, của các dòng họ suốt chiều dài lịch sử, sự phát triển của nền giáo dục Yên Hoà, phong trào khuyến học cùng các tấm gương hiếu học điển hình của con người Yên Hoà xưa và nay. Đồng chí Nguyễn Huy Quang, Bí thư Đảng ủy phường trong Ban biên tập, chịu trách nhiệm nội dung cuốn sách. Đồng chí Nguyễn Minh Hiếu, phó bí thư Đảng ủy, chủ tịch UBND phường trực tiếp viết bài mở đầu cho cuốn sách và UBND phường đã chi 27 triệu để xuất bản sách.
     Công tác khuyến học không còn là việc riêng của Hội khuyến học, mà có sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của cấp ủy, chính quyền, có sự tham gia tích cực của MTTQ và các ban ngành đoàn thể, của toàn dân. Hội khuyến học có vai trò chủ động, tổ chức phong trào, có nhiệm vụ làm nòng cốt, phối hợp các tổ chức, các lực lượng xã hội tham gia hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Năm 2012, kỷ niệm 10 thành lập Hội khuyến học phường, Hội đã in 400 tờ gấp tuyên truyền về truyền thống hiếu học của địa phương và quá trình 10 năm xây dựng phát triển Hội.
     Năm 2013, hưởng ứng cuộc vận động sáng tác văn, thơ, nhạc về khuyến học nhân kỷ niệm 15 năm thành lập Hội khuyến học thành phố Hà Nội, Hội đã có nhiều tuyển tập văn, thơ, nhạc tham gia và được xếp thứ nhất quận về tập thể trong cuộc thi. Đặc biệt, trong Đại hội đại biểu Hội khuyến học phường Yên Hoà khóa III nhiệm kỳ 2013-2018 tổ chức tháng 10/2013, được sự khích lệ động viên và ủng hộ của đồng chí Phương Kiến Quốc, phó bí thư thường trực Quận ủy, sự nhất trí và sự chỉ đạo của Đảng ủy, UBND phường, sự quyết tâm của Hội khuyến học phường, bộ phim phóng sự “Yên Hoà Làng khoa bảng - Đất danh hương” đã hoàn thành, trình chiếu trong đại hội. Một lần nữa truyền thống hiếu học của nhân dân Yên Hoà và phong trào khuyến học mạnh mẽ, rộng khắp của Yên Hoà được ghi lại bằng hình ảnh sinh động.
     Để bảo tồn truyền thống hiếu học của Làng Khoa bảng, Hội khuyến học phường cùng các dòng họ và nhân dân Yên Hoà dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, UBND phường đang tiến hành từng bước dựng lại “Văn chỉ” của làng Cót, chỉnh trang lại nơi thờ các vị Tiến sĩ của làng An Hòa.
     Hiếu học, khuyến học là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Hội khuyến học chúng ta ngày nay đang duy trì và phát huy truyền thống đó. Mỗi người chúng ta luôn tự hào về Cầu Giấy một vùng đất hiếu học. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính quyền các cấp, đặc biệt sự chỉ đạo trực tiếp của Quận ủy, UBND, HĐND quận, sự phối hợp của MTTQ và các ban ngành đoàn thể của quận, với lòng tâm huyết của những người làm khuyến học, chúng ta tin rằng công tác khuyến học của quận ta sẽ luôn giữ vững và ngày càng phát triển mạnh mẽ.
                    Hoàng Ngọc Diệp
Chủ tịch Hội khuyến học phường Yên Hoà