THEO THÁNG NĂM HỌC MÃI MỚI NÊN THẦY

Tôi là một giáo viên như bao thầy cô giáo. Tôi đã và đang làm những việc mà mỗi nhà giáo cần làm. Nên khi được công đoàn ngành GD&ĐT Thủ đô giới thiệu để biểu dương, tôi biết mình may mắn. May vì được đại diện cho nhiều người xứng đáng vinh danh. Đó còn là niềm vui của người lao động được tham gia công tác khuyến học ngay trong khi thực hiện công việc của mình.
TH.S NGUYỄN KIM ANH
      Khác các nhà kinh doanh, giáo viên là những người không trực tiếp tạo ra các sản phẩm vật chất, các cơ hội thương mại. Song chúng tôi hạnh phúc được đứng trong “đội ngũ” những người làm nên sản phẩm siêu giá trị. Đó là con người. Vì vậy mà nghề “trồng người” luôn là nghề cao quý.
      Chúng ta đều biết tôn chỉ, mục đích của Hội khuyến học là tổ chức xã hội của mọi công dân và tổ chức tâm huyết với sự nghiệp "trồng người góp sức phấn đấu cho phong trào" toàn dân học tập, toàn dân tham gia làm giáo dục", "cả nước trở thành một xã hội học tập" nhằm nâng cao dân trí, đào tạo... Vậy nên, để phát biểu cảm tưởng khi được nhận trao thưởng lần này, tôi mạo muội nói đôi nét về những việc đã và đang làm. Đó là, trong công việc tôi luôn đề cao chủ động sáng tạo trong dạy học môn Ngữ văn. Làm sao sáng tạo là để tạo sáng thì đổi mới sẽ không luôn là mới đổi.
      Tại trường THPT Phan Huy Chú – Đống Đa, tôi được giao nhiệm vụ Tổ trường Tổ GV đổng hành sáng tạo. Với vai trò luôn cùng các đồng nghiệp trong Hội đồng sư phạm bàn bạc, phát triển những ứng dụng CNTT, cũng như phương pháp dạy học tiến bộ, để đưa vào công tác giáo dục và giảng dạy hiệu quả.
      Tại trường mình, tôi còn được tin tưởng giao vị trí Nhóm trưởng bộ môn Văn hóa đọc. Văn hóa đọc là một môn mới và đã phát triển mạnh ở trường chúng tôi 3 năm nay. Tôi đã xây dựng chương trình hướng dẫn đọc sách để thu hút các trò đến sách nhiều hơn, từ đó hình thành cho học sinh văn hóa sống thông qua giáo dục văn hóa đọc. Kinh nghiệm của chúng tôi trong việc dạy Văn hóa đọc là chia đoc sách thành các giai đoạn trước – trong và sau đọc để học sinh khám phá. Trước khi đọc, GV có những hướng dẫn gợi mở, trong khi đọc cần ghi nhật ký đọc. Và sau đọc, là sáng tạo sản phẩm sau đọc. Chính vì thế mà xóa được sự thờ ơ với sách của HS. Bởi hoạt động đọc vốn “một mình”, HS tuổi hiếu động sẽ dễ chán. Được tổ chức sẻ chia, trao đổi “có bầu có bạn” khi đang và sau đọc, các trò hào hứng hơn nhiều. Các sản phẩm được đa dạng hóa. HS đọc sách không còn là nhiệm vụ mà thành  hào hứng, vì sau đó có thể vẽ tranh, làm thơ, hát và sân khấu khóa những cảm nhận từ sách mình đọc. Mọi năng khiếu sở thích của học trò được huy động. Thế nên, thực chất đây là bước nối khuyến học với khuyến tài.
      Trong vai trò của giáo viên chủ nhiệm và Khối trưởng chủ nhiệm của nhà trường, tôi đặc biệt chú ý rèn nếp học, nếp sống cho học trò. Được sự phân công của BGH, tôi đã xây dựng khung giáo án Kỹ năng sống cho các thầy cô giáo chủ nhiệm dạy học sinh trong giờ sinh hoạt. Mỗi tháng 1 bài KNS như Nếp nhà Hà Nội, Sống có trách nhiệm, Sống vị tha, Văn hóa tri ân, Văn hóa giao thông, văn hóa vỗ tay, Ngưỡng mộ thần tượng nên hay không, Vượt qua thử thách, Chọn nghệ là chọn số phận…  Nhờ vậy, HS có ý thức tiến bộ hơn hẳn, có trông thấy các biểu hiện. Vậy nên chúng tôi đã thu được những kết quả nhất định.
      Nhiều người hiểu khuyến học thiên về khuyến khích vượt khó khăn để học tập, nhưng thực tế khuyến học có nhiệm vụ quan trọng là nâng cao chất lượngmở rộng trình độ. Cái khó khi xưa là cái khó về điều kiện để học, cái khó hiện nay là làm sao để hội nhập vững. Cái khó ở đâu đó là việc phụ đạo học sinh yếu kém, Nhưng ở thành phố cái khó hơn lại là bồi dưỡng để thăng hạng học sinh giỏi. Tôi nghĩ rằng: Cứ KHÓ là phải KHUYẾN. Và giáo viên không làm tốt khuyến học thì cũng không thể dạy học thành công.
      Vẫn biết, công việc “trồng người” khó nhọc, nhất là ở vùng kinh tế còn khó khăn, nhưng ở nơi điều kiện tương đối đủ cũng có nhiều cái khó. Đổi mới giáo dục để phù hợp với thời đại là rất cần. Chính vì thế nếu mỗi người thầy dám dấn thân, bứt phá thì giáo dục có những khoảng trời để khuyến tài và khuyến sáng tạo thăng hao. Hiểu theo những nghĩa này, việc khuyến học trong các nhà trường sẽ lên được những nấc thang mới.
   
                                                                           
Th.S  NGUYỄN KIM ANH
GV môn Ngữ văn trường
THPT Phan Huy Chú – Đống Đa