THAM LUẬN TẠI ĐẠI HỘI KỶ NIỆM 15 NĂM THÀNH LẬP HỘI KHUYẾN HỌC HÀ NỘI

           Kính thưa các quý vị lãnh đạo, quý vị đại biểu,
           Hôm nay nhân Đại hội kỷ niệm 15 năm thành lập Hội Khuyến Học thành phố, tôi xin được thay mặt toàn thể hội viên chi hội Dòng họ Nguyễn Quang phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy gửi tới Hội Khuyến Học thành phố lời chúc mừng chân thành, chúc Ban Chấp Hành Thành Hội cũng như toàn thể hội viên chúng ta sức khỏe dồi dào, tiếp tục có nhiều sáng kiến, nhiều việc làm đóng góp cho Hội, để Hội ta ngày càng phát triển mạnh mẽ, bền vững. Mười lăm năm qua, phong trào Khuyến học ở nước ta, dưới sự lãnh đạo của Hội Khuyến Học Việt Nam, đã đi từ xây dựng Gia đình Hiếu học lên Dòng họ Hiếu học, đến Cộng đồng Khuyến học, ngày càng mở rộng đi sâu, nhằm tiến tới Xã hội Học tập, Hội Khuyến Học Hà Nội đã lập được nhiều thành tích tốt đẹp về khuyến học, khuyến tài, góp phần xây dựng thủ đô ngày càng văn minh, giầu đẹp. Trong thành phố, Cầu Giấy là quận có truyền thống khuyến học; có “Làng khoa bảng” (Làng Cót), có các đường phố mang tên các danh nhân địa phương (phố Hoa Bằng, phố Quan Hoa…), có nhiều dòng họ còn bảo toàn được nhà thờ họ cổ kính, lưu giữ được nhiều sắc phong  của các cụ tổ đỗ đại khoa (nhà thờ họ Hoàng, họ Nguyễn Như, họ Nguyễn Vân Sơn…ở làng Cót), đồng thời cũng là địa bàn có nhiều trường Đại học, Cao đẳng. Lãnh đạo quận đã nhận thức được thế mạnh về giáo dục và khuyến học của quận, đã quan tâm đặc biệt đến giáo dục và khuyến học, đã chú ý tạo mọi điều kiện cần thiết giúp cho công tác khuyến học trong quận ngày càng phát triển mạnh mẽ, tích cực hỗ trợ cho giáo dục; do đó Hội Khuyến học Cầu Giấy được thành phố đánh giá là đơn vị hoạt động thực chất, nhiều sáng tạo, được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, của Trung ương Hội Khuyến Học Việt Nam, của UBND và Hội Khuyến Học thành phố nhiều năm liền.

 

Ông Nguyễn Minh Vũ
Kính thưa Đại hội,
          Kẻ Cót chúng tôi, nay thuộc phường Yên Hòa, là một làng cổ được hình thành từ hàng ngàn năm về trước, cùng với nhiều Kẻ khác như Kẻ Bưởi, Kẻ Noi, Kẻ Mọc…bao quanh đất Kẻ Chợ, tức kinh đô Thăng Long; họ Nguyễn vốn là một trong 4 họ đầu tiên (Nguyễn, Hoàng, Quản, Doãn) thành lập nên Kẻ Cót. Trải qua bao năm tháng, bao đổi thay, đất Kẻ Cót vẫn sáng danh là đất hiếu học, đất khoa bảng; được như vậy là nhờ dân làng sớm quan tâm đến công tác khuyến học:
          Xưa, tổ tiên ta, cùng với việc xây dựng quê hương an cư lạc nghiệp,
          
đã lo ngay mở mang dân trí khuyến khích học hành. 
          
Làng cử quan Văn Chưởng chăm lo việc học,
          lại xây Văn chỉ thờ ông tổ Đạo Nho,
          
Trong Hương ước đã quy định rõ ràng,
          dành Độc thư điền thưởng người đỗ đạt….

          Cụ Hoàng Quán Chi sớm đỗ Thái học sinh, khai khoa cả huyện,
          Cụ Đỗ Văn Tổng một nhà ba tiến sĩ, phúc lớn cho làng.
          Làng quê nào có từ mười tiến sĩ, được vinh danh Làng Khoa bảng,
          Hạ Yên Quyết (tức Kẻ Cót) với mười hai tiến sĩ, thật xứng đáng được vinh danh.
          Nay, kỷ nguyên mới, nước nhà độc lập, trước khó khăn chồng chất vẫn không quên việc học, mở trường thêm lớp, khiến giáo dục ngày một vươn cao,
          Thế nước lên, đoàn kết toàn dân, vượt gian khó trùng trùng, sau bao năm kháng chiến, đuổi Pháp, thắng Mỹ, đưa non sông về liền một dải.
          Trước Cách Mạng, một trường hàng xã, ba lớp một thầy, dẫu đói ăn vẫn ươm mầm trí tuệ,
          Sau Đổi Mới, kinh tế cải thiện, một trường mỗi cấp, lòng hiếu học luôn hướng tới tương lai.
          Địa linh nhân kiệt, cử nhân tiến sĩ thêm nhiều, mọi dòng họ thẩy đều có Ban Khuyến Học,
          Đất lành chim đậu, người dân tứ xứ đổ về, mỗi tổ dân cư một Chi Hội chăm lo.
      Quả như vậy, ở Yên Hòa, phong trào Khuyến học đã sớm được quan tâm. Ban Khuyến Học dòng họ Nguyễn Quang chúng tôi được thành lập từ năm 1997, đã đề ra phương châm, nội dung hoạt động, tiêu chuẩn khen thưởng các cháu HS Giỏi, HS Tiên tiến, HS thi đỗ vào đại học, tốt nghiệp đại học, các thạc sĩ, tiến sĩ…; đến năm 2002 Hội Khuyến Học phường Yên Hòa ra đời, Ban Khuyến Học dòng họ chúng tôi hòa vào dòng chảy chung, trở thành một chi hội của Hội KH phường và liên tục được đánh giá là chi hội tốt. Một vài gia đình trong Họ trước đây ít quan tâm đến việc học hành của con em, được Ban Khuyến Học thăm hỏi, góp ý, đã thay đổi nhận thức, chú ý tạo điều kiện cho con em học tập và các cháu đã tiến bộ rõ rệt, trở thành HS tiên tiến, HS giỏi, đồng thời từ chỗ chỉ có 1 thạc sĩ, nay dòng họ tôi đã có 1 Phó giáo sư tiến sĩ và 7 thạc sĩ.
          Gia đình tôi, tổ tiên nhiều người làm nghề dạy học, cả 2 vợ chồng đều là nhà giáo hưu trí, luôn gắn bó với phong trào Khuyến học từ những ngày đầu, hiện tôi là chi hội trưởng chi hội dòng họ Nguyễn Quang, vợ tôi là chi hội trưởng chi hội dân cư số 32. Chúng tôi luôn ghi nhớ lời dạy của mẹ cha: “dù thầy u có phải vất vả hai sương một nắng cũng cố nuôi cho các con ăn học nên người, chỉ mong các con chăm chỉ học hành”, đem lời căn dặn đó nhắc nhở con cháu, coi hiếu học là điều đầu tiên trong nền nếp gia phong. Mặt khác, chúng tôi luôn quan tâm tạo mọi điều kiện thuận tiện cho con cháu học tập. Thời bao cấp, kinh tế khó khăn thiếu thốn, song chúng tôi luôn mua đủ các loại sách giáo khoa, sách tham khảo cho con cháu nghiên cứu, luyện tập, quả là “dẫu đói ăn vẫn ươm mầm trí tuệ”; thời Đổi Mới, khuyến khích con cháu tự học thêm trên máy tính, sưu tầm các bài tập Toán, Tiếng Anh…tập làm, dự thi các kỳ thi Ô-lim-pich Toán, Tiếng Anh, nhờ vậy các cháu nắm vững kiến thức, có cháu đã đoạt vòng nguyệt quế ở vòng thi tháng “Đường lên đỉnh Ô-lim-pi-a”, có cháu đã đoạt giải Nhì kỳ thi Học sinh giỏi Tiếng Anh toàn thành, tìm được học bổng đi du học ở nước ngoài. Các con cháu tôi đều nhận thức được học tập là quá trình tích lũy tri thức, rèn luyện bản thân, lấy tự học làm chính nên khi còn học phổ thông, đều là HS Giỏi, khi lớn lên một con là Phó giáo sư tiến sĩ, một con là thạc sĩ, một con là kỹ sư, đứa cháu đích tôn hiện đang theo học thạc sĩ ở Anh. Khi đứa con lớn đỗ tiến sĩ, tôi làm đôi câu đối mừng:
Kiến thức chuộng ham, cả nhà đều đại học
Khai khoa dòng họ, tiến sĩ mới mình con.
      Vừa qua, hưởng ứng cuộc thi viết về Khuyến Học kỷ niệm 15 năm thành lập Hội Khuyến Học thành phố, tôi đã vận động cả gia đình đều viết bài, đóng thành một tập san 28 trang gửi dự thi. Bài viết của tôi “Yên Hòa, đất hiếu học, đất khoa bảng” đã được Hội Khuyến Học quận Cầu Giấy tặng Giải Nhất về văn xuôi, 3 bài thơ của vợ tôi, con gái tôi và tôi được chọn in trong tuyển tập “Khuyến Học, những vần thơ” do Hội Khuyến Học quận xuất bản. Đầu năm 2013, Đài Truyền hình Hà Nội đã về phỏng vấn gia đình tôi, làm một phim tài liệu nhan đề “Gìn giữ gia phong”, đưa vào chương trình “Chuyện tuổi già”, chiếu trên HTV I; dựa trên cơ sở đó tôi (năm nay 81 tuổi) đã sáng tác đôi câu đối đưa vào trong tập san gửi dự thi:
Mười lăm năm phát động phong trào, cùng xây dựng Gia đình Hiếu học,
Tám mốt tuổi bền gan phấn đấu, quyết giữ gìn Nền nếp Gia phong.
       Gia đình tôi năm 2008 đã vinh dự được mời dự Đại hội Gia đình Hiếu học, dòng họ Khuyến học tiêu biểu thủ đô lần thứ II, năm nay 2013 lại được cử đại diện cho các Gia đình Hiếu học toàn thành phố đi dự Đại hội tổng kết và biểu dương phong trào Khuyến học toàn quốc lần thứ III ngày 9 – 10 – 2013, được vào Phủ Chủ tịch gặp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Chúng tôi hiểu rõ đây chủ yếu là sự động viên khích lệ của các cấp hội, từ phường, quận đến thành phố đối với gia đình, thực ra thành tích của gia đình tôi rất nhỏ bé, còn cần tiếp tục phấn đấu nhiều hơn nữa.
       Nhân đây tôi xin phép nói một vài suy nghĩ bước đầu về hoạt động Khuyến học từ nay trở về sau. Cho đến nay không ai có thể phủ nhận các thành tích to lớn về Giáo dục đào tạo cũng như về Khuyến học của đất nước ta. Từ xưa đến nay ở nước ta có Giáo dục là có Khuyến học, tôi thường nói vui Khuyến học là đứa em song sinh của Giáo dục, được ra đời để hỗ trợ Giáo dục phát triển mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, vạn vật luôn biến đổi, xã hội loài người tiến bộ không ngừng, Giáo dục và Khuyến học cũng phải kịp thời biến đổi theo, bỏ cái cũ lỗi thời, lạc hậu, tiếp thu cái mới tiên tiến. Đó là lý do tại sao vừa qua Đảng ta lại có Nghị quyết trung ương VIII về giáo dục đào tạo, yêu cầu giáo dục phải đổi mới căn bản và toàn diện. Nghị quyết ra đời đúng lúc, đáp ứng đúng yêu cầu của xã hội. Theo suy nghĩ của cá nhân tôi, đổi mới căn bản là trước hết phải đổi mới về tư duy giáo dục, tiếp theo phải đổi mới cả về hành động giáo dục, mới tạo ra được sản phẩm giáo dục như ý muốn. Giáo dục đào tạo đã đổi mới, tất nhiên Khuyến học cũng phải đổi mới theo. Chúng tôi tin rằng tới đây Trung ương Hội Khuyến Học Việt Nam sẽ sớm có văn bản hướng dẫn cho các cấp hội chúng ta cách làm mới, tạo điều kiện cho hoạt động khuyến học những năm tới đạt được những thành tích mới, vươn lên tầm cao mới.
 
      Chúng tôi xin phép được dừng lời. Cám ơn quý vị đã quan tâm lắng nghe. Chúc qúy vị dồi dào sức khỏe, tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp khuyến học của chúng ta.
                                                                                    30 – 11 - 2013
                                                                    Nguyễn Minh Vũ
                                                              Chi hội trưởng chi hội Dòng họ Nguyễn Quang
                                                                       phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy