MỘT TẤM GƯƠNG HIẾU HỌC VÀ SAY MÊ HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC

Tôi muốn kể về một tấm gương hiếu học, giàu nghị lực, ham hiểu biết, có nhiều đam mê với hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học của một người rất gần gũi, quen thuộc với chúng ta. Đó là chị Quỳnh Khuê - một phụ nữ bình dị, một thành viên trong Hội Khuyến học Phường ta suốt 10 năm qua.
Bà Khuê (thứ 3 từ trái sang) tham gia tiết mục văn nghệ
         Sinh ra trong một gia đình trí thức cách mạng, chị được thừa hưởng tinh thần thần ham hiểu biết, ý thức về việc học tập, thái độ trách nhiệm và  lòng nhân ái trong cuộc sống từ truyền thống gia đình. Ông Nội của chị là một người theo Nho học, song tất cả những người con của ông, không phân biệt trai gái, đều được ông cho theo học trường Pháp – Việt; sau này, họ đều trở thành những trí thức giàu lòng yêu nước, phục vụ cách mạng, phục vụ  nhân dân cho đến hết cuộc đời. Ông ngoại của chị là một Nghĩa quân của cụ Đề Thám, bị giặc bắt, bị tra tấn dã man trong tù rôi chết thảm tại Nhà Thương làm phúc ở Quảng Yên khi con gái bé bỏng của ông (người mẹ của chị sau này) mới tròn 5 tuôỉ…
         Chị rất tự hào về truyền thống gia đình, chị đã học được bao điều tốt đẹp từ tổ tiên, ông bà mà trực tiếp nhất là từ người Cha, người Mẹ - những Thày thuốc suốt đời tận tụy, luôn nêu tấm gương y Đức tuyệt vời. Cha mẹ chị vẫn nhắc nhở các con phải cố gắng học tập, lao động để sau này trở thành những người có ích cho xã hội. 
         Là người con thứ tư trong một gia đình có 8 anh chị em. Cả 8 người đều học hết bậc phổ thông rồi vào đại học, cả 8 người đều là những cán bộ chuyên môn giỏi: Kỹ sư, Bác sĩ, Luật sư, Dược sĩ cao cấp, Nhà giáo; cả 8 người đều là Đảng viên Cộng sản, trong đó có hai người từng đứng trong quân ngũ, từng chiến đấu ở những chiến trường ác liệt trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước và chiến tranh biên giới năm 1979… Có  được kết quả đó là nhờ sự nỗi lực phi thường của cha mẹ và của cả 8 anh chị em trong suốt thời thơ ấu, suốt  những năm tháng cắp sách tới trường. Không chỉ giỏi cầm bút, ngay từ tuổi học trò, họ còn rất thạo việc cầm cuốc, xẻng, rất dẻo vai gánh gạch, gánh đất thuê cho các công trường xây dựng vào những ngày chủ nhật hoặc nghỉ lễ. Ba tháng hè là 3 tháng lao động chân tay thật sự để rồi bước vào năm học mới với đôi tay chai sạn, nước da cháy nắng và niềm vui gặp Thày, gặp Bạn… Chị  luôn tự hào vì được học tập và trưởng thành dưới mái trường Xã hội chủ nghĩa, được sự dìu dắt của nhiều thế hệ Thày- Cô tài năng, hết lòng vì học sinh. Chị đến với nghề dạy học cũng bắt đầu từ việc muốn noi theo những tấm gương Thày - Cô đáng kính đó.
        Chị vẫn đùa vui  rằng, chị đi làm cô giáo, làm “Khuyến học” từ lúc còn quàng khăn đỏ, còn là cô bé  lớp 6 - lớp 7 (13 – 14 tuổi ) cho đến hết những năm học cấp III tại trường Hoàng Văn Thụ tỉnh Hòa Bình. Chính những buổi tối đi dạy Bổ túc văn hóa cho bà con lao động nghèo, những tháng hè cùng bạn bè trèo  đèo, lội  suối  lên vùng cao Đà Bắc, Mai Châu tham gia xóa nạn mù chữ tại các làng bản Mèo – Thái xa xôi đã giúp chị nhận thấy sự “khát chữ” của con em các dân tộc miền núi và những tình cảm mộc mạc đáng quý của bà con nơi đây. Nghề daỵ học đã đến với chị như một tất yếu của tình cảm và cũng là sự lựa chọn của chính cuộc sống.
       Sau khi tốt nghiệp trường Sư phạm 10 + 2 Nam Hà (khóa 1964 – 1966), chị về công tác tại ngành Giáo dục tỉnh Hòa Bình, được phân công về trường cấp II xã Kim Truy, huyện Kim Bôi –  một trường vùng sâu, học sinh hầu hết là con em đồng bào Mường. Mái trường này – nơi chị đã cống hiến với tất cả nhiệt tình của tuổi trẻ những năm đầu bước vào nghề dạy học đã để lại trong chị những dấu ấn không thể nào quên. Cách đây vài năm, khi trở lại  thăm xã Kim Truy, trước tình cảm nồng ấm của Chi bộ xóm Yên (nơi chị được kết nạp Đảng), của những  học trò năm xưa cùng  bà con nơi đây, chị đã khóc, khóc  trong hạnh phúc thầm lặng của nghề dạy học.


PGS, TS Lương Quỳnh Khuê (thứ hai từ trái sang)  tham gia Đoàn Nghiên cứu tại  nước Anh
 
      Trải qua thử thách của những năm tháng chiến tranh, vượt qua bao khó khăn của thời kỳ bao cấp… cuộc đời chị là một chuổi những nỗ lực vươn lên không ngừng. Sau 7 năm công tác ở miền núi, chị được cử đi học Đại học và việc học tập này đã thật sự mở ra cho chị một giai đoạn cống hiến mới trong sự nghiệp giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Vừa nuôi con vừa đi học, chị đã tôt nghiệp Khoa Ngữ Văn, Đại học Sư phạm Hà Nội I, khóa 1973 – 1977; tốt nghiệp Khoa Triết  học trường Tuyên huấn Trung ương I (nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền) khóa 1980 – 1983; bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ Triết học – chuyên ngành Thẩm Mỹ học, tháng 7 năm 1995; được Hội đồng Khoa học Nhà nước phong Học hàm Phó Giáo sư, tháng 1 năm 2001.
       Để phục vụ cho việc nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu, chị rất tích cực học ngoại ngữ. Với chị, học một ngoại ngữ cũng có nghĩa là đến với một nền văn hóa khác, điều đó thật hấp dẫn bởi nó mở ra những kênh giao tiếp mới, những khám phá mới vô cùng thú vị và hữu ích. Khi học phổ thông, chị được học Trung văn, bốn năm học ở Khoa Ngữ Văn, lớp chị được học Hán Nôm với những Thày - Cô nổi tiếng. Hiện nay, học Hán – Nôm vẫn  là một niềm vui của chị. Cùng với Hán – Nôm, công việc giảng dạy và nghiên cứu đòi hỏi chị phải học tiếng Nga, tiếng Pháp. Ban đầu, chị học ngay các cô giáo Ngoại ngữ là bạn bè đồng nghiệp nơi chị công tác; sau đó, nâng cao thêm bằng việc theo học các lớp tiếng Nga tại Phân viện Puskin, tiếng Pháp ở  Khoa Tại chức - trường  Đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Từ vốn tiếng Pháp, chị lại chuyển sang học thêm tiếng Anh để không bị lạc hậu với thời cuộc. Nhờ những nỗ lực đó, khi làm Luận án Tiến sĩ, khi được cử sang Liên Xô (1986) học lớp ngắn hạn, chuẩn bị cho việc mở các Khoa Văn hóa trong hệ thống trường Đảng ở nước ta, cũng như khi được tham gia Đoàn Nghiên cứu về Quyền Tự do thông tin tại Vương quốc Anh (tháng 5. 2015), chị đã khá chủ động trong giao tiếp, học tập và nghiên cứu. Hiện nay, chị vẫn học chương trình Tiếng Anh 123 qua mạng trên máy vi tính. Sớm nhận ra tầm quan trọng của công nghệ thông tin, chị đã học sử dụng máy vi tính từ giữa những năm 90, học “viết” trên máy bằng cả 10 ngón tay khi soạn thảo văn bản, biết khai thác nhiều tính năng của thiết bị này phục vụ cho hoạt động giảng dạy và nghiên cứu. Hàng ngàn trang sách, giáo trình, giáo án, các công trình nghiên cứu, các bài báo  đã được chị thực hiện trên thiết bị vi tính. Ngoại ngữ và công nghệ thông tin  thực sự là những công cụ tuyệt vời cho những người làm công tác giảng dạy, nghiên cứu như chị.
          Sau khi nghỉ hưu tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền (2007), chị được mời về làm việc tại Viện Khoa học Môi trường và Xã hội, làm Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Trưởng Ban Đào tạo của Viện. Với chị, hầu như chưa hề có khái niệm “Nghỉ hưu”. Chị vẫn tham gia giảng dạy tại nhiều trường Đại học, Học viện; vẫn tiếp tục thực hiện các Đề tài nghiên cứu, tham gia các Hội đồng Khoa học, hướng dẫn Nghiên cứu sinh, viết báo, viết sách, cùng nhiều hoạt động xã hội khác, đặc biệt là công tác Khuyến học tại địa phương. Trong 10 năm qua, chị đã trực tiếp làm Chủ nhiệm và bảo vệ thành công hai  Đề khoa học cấp Bộ, cộng tác thực hiện  một số Đề tài cấp Bộ và cấp Nhà nước khác.
          Ba năm gần đây, chị liên tiếp gặt hái những thành công nhờ hoạt động khoa học của mình:
       * Năm  2014, chị  vinh dự được cùng với Lãnh đạo của Viện Khoa học Môi trường và Xã hội tham gia buổi gặp mặt, báo cáo thành tích  với Phó  tịch nước Nguyễn Thị Doan tại Phủ Chủ tịch, được Phó Chủ tịch Nước tặng Phù điêu Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và chụp ảnh lưu niệm sau buổi làm việc.
* Năm 2015, được tham gia đoàn Nghiên cứu tại nước Anh theo Đề tài cấp Nhà nước mà Viện Khoa học Môi trường và xã hội thực hiện, do Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết – Chủ nhiệm Đề tài trực tiếp làm Trưởng đoàn.
 * Năm 2016  là một năm  nhiều thành công :
- Với tác phẩm Báo chí “Chặng đường mới, tầm cao mới” (Tạp chí  Truyền hình Hà Nội) tham gia Hội Báo Xuân Bính Thân, chị được Hội Nhà Báo Hà Nội tặng Giấy khen “Bài báo hay viết về Hà Nội”;
- Thực hiện và bảo vệ  thành công Đề tài khoa học “Nghiên cứu những yếu tố ảnh hưởng của hoạt động tôn giáo trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Lắk” ( bảo vệ thành công ngày 8.7.2016 tại Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đắk Lắk);
-  Công trình nghiên cứu “Bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống Tây Nguyên vì sự phát triển bền vững” của chị được lựa chọn đưa vào cuốn sách  “Giá trị văn hóa truyền thống Tây Nguyên với sự phát triển bền vững” của  Ban Chỉ đạo  Tây Nguyên  và Viện Nghiên cứu Phát triển phương Đông (Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, tháng 9. 2016, tr. 42 – 87 );
-  Là tác giả của công trình nghiên cứu “Tín ngưỡng dân gian của người Mường ở Hòa Bình”, ( Nxb Văn hóa Dân tộc – 2016. ).
        Hơn 30 năm giảng dạy và nghiên cứu Văn hóa, trong đó có 10 năm giữ cương vị Trưởng Khoa tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã tạo cho chị một nền tảng tri thức lý luận và thực tiễn khá sâu rộng. Nhờ vậy, chị vẫn phát huy tốt trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu hiện nay. Viết bài cho các báo, tạp chí cũng là niềm say mê của chị, mỗi năm chị có hàng chục bài viết được đăng trên các báo, tạp chí nghiên cứu.  Từ năm 2007, bài báo “Đền Ngọc Sơn và hồn thơ Hà Nội” của chị đã  được lựa chọn đưa vào sách Giáo khoa, môn Ngữ Văn lớp 10 phổ thông của nước ta ( Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ngữ văn 10 tập hai, Nxb Giáo dục, tháng 5. 2007, tr.72 – 73).   Nội dung các bài viết của chị luôn gắn với những vấn đề Văn hóa – Xã hội của đất nước. Chẳng hạn, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Toàn quốc kháng chiến, chị có một chùm ba bài viết: “Từ Tuyên ngôn Độc lập đến Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến”, “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, “Khát vọng hòa bình và ý chí độc lập tự do” (Tạp chí “Nghệ thuật biểu diễn” tháng 10,11,12/ 2016). Bạn đọc luôn nhận ra lối viết nhẹ nhàng mà sâu sắc, vốn tri thức sâu rộng, sự cẩn trọng, nghiêm túc của chị  trên từng câu, chữ. Kế hoạch những năm tới của chị là tiếp tục bổ sung, hoàn thiện thêm để xuất bản  thành sách những công trình nghiên cứu mà chị đã thực hiện, tích lũy nhiều năm qua.
     Bên cạnh đó, chị còn tham gia nhiều hoạt động xã hội: là Ủy viên BCH Hội Khuyến học Phường Dịch vọng Hậu, Chi Hội trưởng Chi Hội Khuyến học số 7, ủy viên BCH Hội Cựu Giáo chức Học viện Báo chí và  Tuyên truyền, Hội viên Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam…  Với công tác Khuyến học, 10 năm qua chị đã dành nhiều thời gian và tâm sức cho phong trào Khuyến học – Khuyến tài của khu dân cư. Nhìn cuốn “Sổ Vàng Khuyến học” và “Sổ Thưởng” của chi hội 7, người ta cảm nhận được cách làm việc khoa học, sự nỗ lực của cán bộ Chi hội, sự trân trọng và niềm vui của con em  qua từng chữ ký còn được lưu trong Sổ Thưởng  suốt 10 năm qua. Cách làm việc khoa học và nhiệt tình của Chi hội đã tạo được sự tin cậy và ủng hộ của Chi bộ, tổ Dân phố cũng như  đông đảo phụ huynh, học sinh trong khu dân cư. Bên cạnh đó, chị còn tích cực tham gia nhiều  hoạt  động chung của Hội Khuyến học Phường và  Quận Cầu Giấy.
       Cho đến nay, khi đã nghỉ hưu được 10 năm, nhưng niềm đam mê làm việc, học tập ở nơi chị dường như vẫn vẹn nguyên. Trong cuộc sống gia đình, chị lại thuộc típ “phụ nữ truyền thống” – thích nấu ăn, chu đáo trong trách nhiệm làm vợ, làm mẹ, làm bà, hết lòng vì gia đình và quê  hương.
      Khi được hỏi bí quyết giúp chị  giữ được “phong độ” và sức làm việc như vậy? Chị cười, không có bí quyết, chỉ có tình yêu: Yêu công việc, yêu gia đình, yêu cuộc sống…Từ tình yêu đó, chị biết vượt lên số phận, tổ chức tốt cuộc sống gia đình, sắp xếp thời gian hợp lý để làm việc và nghỉ ngơi. Chị có một gia đình hạnh phúc, một người chồng tuyệt vời - chỗ dựa tinh thần vững chắc cho chị vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống. Chồng chị  là PGS. TS. Nguyễn Đức Bách - một trong những chuyên gia đầu ngành về Lý luận Chủ nghĩa xã hội tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Người con trai đầu của anh chị bị thiểu năng trí tuệ, không thể đi học, vẫn luôn cần sự chăm sóc của cha mẹ. Không chỉ tập cho con biết đi, biết nói, anh chị còn rèn cho con biết giữ gìn vệ sinh, tự phục vụ bản thân và giao tiếp với mọi người. Chính anh đã dạy đứa con trai tật nguyền biết gảy đàn Ghi ta theo đúng giai điệu của hàng chục bài hát, giúp con có thêm niềm vui và dễ hòa nhập với cộng đồng. Anh cũng là người luôn cổ vũ, động viên chị học tập, vươn lên trong cuộc sống và tham gia các hoạt động xã hội. Người con trai thứ hai của chị  là một Thạc sĩ kinh tế, đã có gia đình riêng, sống có trách nhiệm, biết tổ chức tốt cuộc sống gia đình  và luôn quan tâm tới cha mẹ.  Chị và con dâu sống với nhau cởi mở, thân thiết  như đôi bạn, có thể chia sẻ với nhau nhiều điều trong công việc và  trong cuộc sống.  Hai cháu nội của chị, theo gương ông bà, cha mẹ, rất cố gắng học tập và sớm có ý thức quan tâm đến người khác, đến những hoạt động xã hội hữu ích. Đó là niềm hy vọng, hạnh phúc lớn của chị.  

 Tạ Thị Ngọc Thanh
Năm sinh: 1942
Địa chỉ :  Nhà số 2 ngõ 31 Đường Phạm Tuấn Tài CầuGiấy
Chức vụ :   Phó chủ tịch Hội Khuyến học Dịch Vọng Hậu
Điện thoại: 0466543672