Về học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập ở nông thôn Việt Nam

Về học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập ở nông thôn Việt Nam
Vừa qua, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề "Xây dựng xã hội học tập trên địa bàn xã, phường, thị trấn - Những mô hình học tập, khuyến học, khuyến tài cần thiết". Giáo sư-TSKH Vũ Ngọc Hải đã có bài tham luận "Về học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập ở nông thôn Việt Nam". Hội Khuyến học Hà Nội, xin trích đăng bài tham luận trên:

" Những tiền đề xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời ở nông thôn nước ta.

Cơ hội để xây dựng xã hội học tập suốt đời trong nông thôn Việt Nam mới trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa:

- Đô thị hóa nông thôn: trong những năm đổi mới nông nghiệp nước ta phát triển khá ôn định, đặc biệt là sản xuất lương thực. Kinh tế nông thôn và đời sống nông dân trên thực tế đã được cải thiện nhiều. Nhiều vùng, miền nông thôn Việt Nam đã được xây dựng mới cơ sở hạ tầng; hình thành các cụm công nghiệp, các làng nghề, tiểu thủ công nghiệp...Quy hoạch phát triển nông thôn và phát triển đô thị. Phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ và làng nghề gắn với việc bảo vệ môi trường. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nông thôn nước ta đang triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới phù hơp với đặc điểm từng vùng theo các bước đi cụ thể, vững chắc; đang triển khai có hiệu quả chương trình đào tạo nghề cho 1 triệu lao động nông thôn mỗi năm.

- Nông thôn trong xã hội thông tin: chú ý phát triển hệ thống thông tin đại chúng, phát huy mạnh mẽ chức năng thông tin-giáo dục vì lợi ích của nông thôn, của nông dân và lợi ích của đất nước. Tăng cường hiệu quả hoạt động thông tin, đồng thời đổi mới mô hình, cơ cấu hoạt động thông tin ở nông thôn theo hướng hiện đại.

- Đổi mới môi trường việc làm ở nông thôn: cơ cấu lao động ở nông thôn có nhiều thay đổi. Lao động nông nghiệp năm 2005 chiếm 57,1% đến năm 2010 đã giảm xuống còn 48,2%. Năm 2010 cả nước đã phổ cập xong giáo dục trung học cơ sở. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đã tăng, cũng trong năm này đã đạt 40% tổng số lao động đang làm việc. Chỉ số phát triển con người không ngừng tăng lên. Năm 2000, chỉ số phát triển con người ở nước ta dừng ở mức 0,683; năm 2008 lên được mức 0,733 và xếp ở thứ hạng 100/177 nước, thuộc nhóm nước trung bình cao. Nông nghiệp nông thôn Việt Nam đang phát triển theo lợi thế của nền nông nghiệp nhiệt đới và theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững. Thực hiện tốt việc gắn kết chặt chẽ “bốn nhà” (nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nước) và phát triển tiểu thủ công nghiệp và kinh tế dịch vụ nông nghiệp ở nông thôn.

Đào tạo nghề cho nông dân là một thành phần cơ bản làm nền tảng trong xây dựng xã hội học tập ở nông thôn và cơ hội để mỗi nông dân được học tập suốt đời

Đào tạo nghề cho nông dân là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước đang được triển khai mạnh ở nông thôn Việt Nam với bản chất thực sự là xây dựng một hệ thống phát triển các kỹ năng và năng lực làm việc suốt đời cho nông dân; hay nói rõ hơn đây là cơ hội tạo nền tảng cho xây dựng xã hội học tập ở nông thôn để nông dân được học suốt đời. Nước ta đang trong thời kỳ chuyển dịch nền kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ. Với chính sách “ly nông, nhưng không ly hương”; người làm nông nghiệp ngày một thu hẹp. Tỷ lệ nông dân “thất nghiệp” sẽ gia tăng vì sự chuyển dịch của nền kinh tế, vì quá trình đô thị hóa; một số ngành sản xuất sẽ thay đổi cơ bản, hoặc sẽ mất đi và thay vào đó là nhiều ngành sản xuất mới. Việc đào tạo chuyên môn o và nghề nghiệp cho những nông dân bị ảnh hưởng là cực kỳ quan trọng và hết sức cấp bách. Để phần nào đáp ứng yêu cầu này, Đảng và Nhà nước đã dành ngân sách hằng năm dạy nghề cho 1 triệu nông dân. Tuy nhiên đây vẫn chỉ là giải pháp có tính trước mắt. Trong hoàn cảnh này nước ta cần một chiến lược dài hạn, cần mở rộng và phát triển giáo dục thường xuyên để cho tất cả những ai mong muốn mình có nghề mới, muốn phát triển nghề nghiệp của mình hoặc thay đổi nghề...để có công ăn việc làm thích hợp. Trong vài thập niên tới, nhu cầu đào tạo nghề nghiệp và kỹ năng sẽ luôn thay đổi và có ý nghĩa quan trọng trong việc thích ứng với sự phát triển của khoa học-công nghệ và sự đòi hỏi của thị trường lao động. Sự phát triển của nông nghiệp đòi hỏi có nhiều công nhân nông nghiệp, chứ không phải nông dân thuần túy và nền công nghiệp mới sẽ thu hút một số lượng cực lớn công nhân với nhiều thang bậc trình độ, kỹ năng và tay nghề khác nhau.

Ngày nay, học tập suốt đời dần đã trở thành một trong những chìa khóa quan trọng ở nước ta để thực hiện nâng cao dân trí và đào tạo nhân lực. Trên thực tế, Đảng và Nhà nước đã có một số chủ trương, chính sách để phát triển một xã hội học tập suốt đời. Một xã hội trong đó mọi sự phát triển của từng cá nhân về năng lực, sở trường, nguyện vọng đều được coi trọng.

Nông thôn Việt Nam sau 25 năm thực hiện đổi mới đã có những thay đổi đáng kể. Nông nghiệp nước ta ngày một phát triển nhờ vào tiến bộ khoa học kỹ thuật. Nhu cầu nông dân “truyền thống” được đào tạo để trở thành “công nhân nông nghiệp” ngày càng gia tăng thông qua việc hình thành các trang trại, các hợp tác xã, các “công ty nông nghiệp” và các “doanh nghiệp nông thôn” sản xuất mới...Trong cơ cấu nông nghiệp mới, các kỹ năng và sự hiểu biết mới về sản xuất thông qua cơ chế thị trường ngày càng đến được với nông dân thông qua các lớp đào tạo, khuyến nông và dạy nghề mới. Nông thôn Việt Nam cũng bắt đầu để ý thường xuyên đến việc săn lùng chất xám, xuất hiện một thị trường mới về thị trường lao động trong sản xuất nông nghiệp. Trong thị trường lao động nông nghiệp mới, sự cá nhân hóa được khuyến khích. Như vậy nhu cầu của mỗi nông dân có cơ hội được đào tạo và đào tạo lại để nâng cao năng suất hoặc chuyển đổi nghề nghiệp nâng cao mức sống là cần thiết và mỗi ngày một gia tăng. Quan hệ mới giữa nhà trường đến các trung tâm học tập cộng đồng thông qua sự gắn kết gia đình và cộng đồng làng xóm trong trách nhiệm đào tạo đã tạo dựng vị trí mới cho việc học tập suốt đời của mỗi nông dân. Mỗi nông dân nước ta trong bối cảnh hiện nay đều muốn thông qua hệ thống học tập suốt đời có trong thôn, xã để có thể giúp mình có được kỹ năng và năng lực làm việc suốt đời.

Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách quan trọng cho phát triển giáo dục-đào tạo như: giáo dục là quốc sách hàng đầu; Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển; giáo dục phải đi trước một bước, giáo dục là nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Để thực hiện các chủ trương lớn này, Đảng, Quốc hội, Chính phủ cũng đã có hàng loạt các nghị quyết, quyết định, chỉ thị…như các nghị quyết trung ương 4 khoá VII (1993); nghị quyết trung ương 2 khoá VIII (1996); nghị quyết trung ương 7 khoá IX (2001); Luật Giáo dục 1998; 2005,2009; Chiến lược phát triển giáo dục 2001-2010, Nghị quyết 37 của Quốc hội và nhiều chỉ thị quyết định khác. Dân tộc ta là dân tộc có truyền thống hiếu học, cần cù, chăm chỉ, chịu khó học tập trong bất cư hoàn cảnh khó khăn nào. Năm 2000 cả nước ta đã xoá mù chữ và phổ cập xong giáo dục tiểu học. Năm 2010 cả nước cũng đã hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Tỷ lệ người lao động qua đào tạo đến nay cũng đã đạt trên 30%. Cơ cấu nền kinh tế nước ta đang chuyển mạnh từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ. Cơ sở vật chất, phương tiện giao thông, phương tiện kỹ thuật và công nghệ phục vụ cho học tập như máy vi tính, thư điện tử, internet và các phương tiện truyền thông nghe, nhìn từ xa ngày một gia tăng tới cả các vùng, miền khó khăn, xa xôi hẻo lánh. Sự đòi hỏi và đảm bảo công bằng giáo dục cho 60 triệu người lớn tuổi không có điều kiện theo học ở các trường lớp chính quy truyền thống. Thông qua xã hội học tập và học tập suốt đời là cơ hội giảm đi số người thất nghiệp và tạo cơ hội có thêm công ăn việc làm cho nhiều người khác. Nâng cao dân chí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài, nâng cao nếp sống văn minh, giữ gìn bản sắc văn hoá, thuần phong, mỹ tục truyền thống của dân tộc. Giáo dục suốt đời sẽ là cơ sở vững chắc đảm bảo cho dân chủ hoá. Tổng sự thành đạt của tổng cá nhân trong xã hội là mục tiêu phát triển của xã hội. Học tập suốt đời giúp định dạng đầy đủ từng thành viên trong xã hội. Xã hội học tập đảm bảo quyền được học của mọi thành viên trong xã hội."
Bài viết kết luận và kiến nghị :
" Đại hội Đảng Cộng Sản Việt Nam lần thứ XI đã khảng định: “...xây dựng xã hội học tập, tạo điều kiện để người dân được học suốt đời” . Do vậy việc xây dựng xã hội học tập để nông dân nước ta được học suốt đời là một nhu cầu bức bách. Trong xã hội hiện đại việc học suốt đời trong xã hội học tập được coi là động lực phát triển của xã hội. Mối quan hệ của việc học suốt đời, khoa học và công nghệ với kinh tế-xã hội trở nên ngày càng bền chặt. Có thể nói, một đất nước muốn phát triển nhanh không thể không có xã hội học tập. Vì thế vấn đề xây dựng “xã hội học tập” trong nông thôn nước ta trở thành cấp bách, là điều kiện cơ bản để tạo điều kiện cho mọi người nông dân được học suốt đời và là để đạt được những yêu cầu cơ bản như sau:

- Học suốt đời và xây dựng xã hội học tập ở nông thôn nước ta chính là để thực hiện đột phá chiến lược của Đảng: “Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân; gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ” và là yêu cầu của của phát triển kinh tế-xã hội nông thôn.

- Học suốt đời và xây dựng xã hội học tập ở nông thôn nước ta là thực hiện chức năng quan trọng là để tiếp tục hình thành và phát triển nhân cách công dân Việt Nam và công dân quốc tế trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong xu thế toàn cầu hóa.

- Học suốt đời và xây dựng xã hội học tập ở nông thôn nước ta là để phát huy nhân tố nông dân, động lực phát triển trực tiếp nông thôn Việt Nam trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa; là lợi ích của từng nông dân, từng gia đình và của từng cộng đồng làng, xóm.

- Học suốt đời và xây dựng xã hội học tập ở nông thôn nước ta là con đường thực hiện tốt dân chủ hóa nông thôn Việt Nam./."