Xây dựng gia đình hiếu học là trực tiếp xây dựng xã hội học tập từ cơ sở

Ông Bùi Trọng Tuân - PCT Hội khuyến học phường Hàng Bông

Ông Bùi Trọng Tuân - PCT Hội khuyến học phường Hàng Bông

Vừa qua, Hội khuyến học phường Hàng Bông- quận Hoàn Kiếm đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác khuyến học năm 2011 và tuyên dương khen thưởng các cá nhân, tập thể , các gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học tiêu biểu. Hội khuyến học phường Hàng Bông là một trong ba phường làm tốt công tác khuyến học trong suốt 15 năm qua. Ông Bùi Trọng Tuân, Phó chủ tịch Hội đã có bản tham luận : " Xây dựng gia đình hiếu học là trực tiếp xây dựng xã hội học tập từ cơ sở". Chúng tôi trân trọng trích đăng bản tham luận này.
  Xây dựng GĐHH và DHHH tuy là 2 việc nhưng có thể coi là 1vì xây dựng DHHH cũng dựa trên việc xây dựng GĐHH, vì vậy bài viết này sẽ tập trung nói về xây dựng GĐHH.
 I. Cái “ dễ “ và cái “ khó “ trong việc vận động xây dựng GĐHH và những hoạt động thực tế
    1) Chúng tôi tiến hành công tác này theo đúng quy trình mà Thành hội đã đề ra là: đầu năm thì vận động các gia đình đăng kí, cuối năm thì tập hợp kết quả đánh giá và xét công nhận, chúng tôi đã thực hiện đều đặn hàng năm. Chỉ  riêng việc thực hiện đều đặn như thế cũng không dễ. Cuối năm trước vừa công  nhận một gia đình nào đó là GĐHH, thì đầu năm sau lại đến gia đình ấy đề  nghị đăng kí. Một việc làm mà cả hai phía ( cán bộ Hội và gia đình ) đều ngại. Song ngại vẫn cần làm và chúng tôi nói với các gia đình rằng đây không phải là danh hiệu suốt đời, cũng tương tự như danh hiệu Gia đình văn hóa vậy. Tuy nói thế, nhưng tôi cũng xin đề nghị Hội suy nghĩ đến thực tế này.  Khi vận động các gia đình đăng kí, chúng tôi đã in sẵn các tiêu chuẩn GĐHH 
 và đưa cho các gia đình và lưu ý họ nghiên cứu kĩ các tiêu chuẩn. Thường thì  các gia đình hào hứng đăng kí vì nhân dân ta có truyền thống hiếu học, đó là  cái “ dễ “ , cái thuận lợi. Song nói cụ thể hơn thì không phải các gia đình dễ tiếp nhận cả 3 tiêu chuẩn của GĐHH, 3 tiêu chuẩn đó là ( xin nói một cách ngắn gọn ) như sau: 1) Học tập của trẻ em trong gia đình; 2) Học tập của      người lớn trong gia đình; và 3) Tham gia công tác khuyến học. Các gia đình thường chỉ hào hứng với tiêu chuẩn 1, là vì con cháu trong gia đình là hạnh phúc, là tương lai của mỗi gia đình. Tuy nói vậy, cũng có những gia đình từ chối với lí do là con chúng tôi không học giỏi. Chúng tôi  phải nói rõ hơn là chỉ yêu cầu các cháu đạt kết quả học tập từ khá trở lên là được, các gia đình mới yên tâm đăng kí. Đối với tiêu chuẩn 3 , ít có ý kiến. Phần lớn các gia đình đều ngần ngừ với tiêu chuẩn 2, đó là: “ Mọi người lớn tuổi trong gia đình ( trừ người già yếu , ốm đau ) đều có kế hoạch và chương trình học tập ( hoặc tự học ) thích hợp, có hiệu quả để nâng cao trình   độ học vấn, năng lực làm việc, lao động sản xuất nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống.”. Tuy biết có khó khăn trong vấn đề này song chúng tôi coi đây là một thử thách trong công tác, vì đó là cái mới, cái hay, cái đặc sắc, nó trực tiếp xây dựng Xã hội học tập ở trong mỗi gia đình, mà gia đình là tế bào  của xã hội.  Khi vận động đăng kí, chúng tôi tự trang bị sẵn các câu trả lời cho hai câu hỏi: 1) Học để làm gì ? và 2) Học cái gì ?  Đối với câu hỏi 1, chúng tôi vận dụng ngay nội dung của tiêu chuẩn 2, còn đối với câu hỏi 2, chúng tôi căn cứ vào công việc của mỗi người mà gợi ý.

                                                                   
 
2) Việc đánh giá thành tích và xét công nhận GĐHH là một việc khó. Để giải quyết khó khăn này chúng tôi bắt đầu từ việc mỗi gia đình tự nêu kết quả và thành tích của gia đình mình. Đây không phải là việc dễ làm, phần  lớn các gia đình rất ngại việc này. Các cán bộ chi hội cho biết là phải động viên, đi lại nhiều lần mới lấy được bản tự khai thành tích, có gia đình còn cho biết là không biết viết cái gì mặc dầu đã có gợi ý.  Rút kinh nghiệm việc này, chúng tôi nghĩ ra cách làm sẵn mẫu bản tự khai.  Nội dung bản khai mẫu này cũng cải tiến dần. Đối với các tiêu chuẩn 1 và 3      thì không khó lắm, riêng đối với tiêu chuẩn 2, chúng tôi đã hình dung những người lớn trong gia đình gồm có: a) người đang còn đi làm ( ở cơ quan, ở xí nghiệp, công ty Nhà nước hay tư nhân,…), b) người không đi làm ( chỉ làm việc nhà,.. ). Đối với nhóm a) thì không cần quan tâm nhiều vì thế nào họ cũng phải học  một cái gì đó ( do tổ chức nơi làm việc bắt buộc, hoặc do công việc thúc  đẩy,..), chúng tôi chú ý vào nhóm b) và yêu cầu họ cho biết họ có chương  trình học hay không và tự đánh giá kết quả học của mình. Bước đầu chúng tôi không yêu cầu cao, chúng tôi nghĩ rằng để họ làm quen với việc tự học và khi họ thấy có ích cho bản thân thì rồi họ sẽ tích cực hơn. Để đánh giá thành tích chung về xây dựng GĐHH, chúng tôi dựa vào việc  tự khai của các gia đình. Sau đó, ở từng khu dân cư sẽ hội ý bộ ba : Bí thư  chi bộ, Trưởng ban công tác MT và Chi hội trưởng Chi hội KH xem xét trên  cơ sở các bản tự khai và lập danh sách các GĐHH của KDC, sau đó gửi cho  Ban thường trực Hội KH Phường . Cuối bản danh sách có đủ ba chữ kí của  bộ ba nói trên. Từ danh sách đề nghị của các khu dân cư, Ban thường trực Hội KH phường xem xét đề nghị UBND Phường công nhận. Trong Hội nghị  tổng kết công tác KH cuối năm, Ban CH Hội KH Phường công bố Danh  sách các GĐHH và DHKH được UBND Phường công nhận, coi như sự tôn   vinh các GĐHH, DHKH của Phường. Với những cố gắng như đã nêu ở trên, trong thời gian qua chúng tôi đã duy trì tốt phong trào xây dựng GĐHH và DHHH , chúng tôi chú ý cân đối cả về  chất và lượng , phong trào đã có tác dụng tốt đến các gia đình trong việc chăm sóc sự học hành của con cháu trong nhà và quan tâm nâng cao dân trí. Qua những điều mà chúng tôi đã mô tả ở trên, có thể nói rằng những kết quả mà chúng tôi đạt được là công sức của nhiều tổ chức và đoàn thể trong đó Hội KH làm nòng cốt, dưới sự lãnh đậo của Đảng, Chính quyền,  MTTQ     Phường và sự hưởng ứng, tham gia nhiệt tình của nhân dân trong Phường chúng tôi.    
II. Những kiến nghị và đề xuất
      Chúng tôi có 2 kiến nghị và đề xuất sau đây.
1. Về việc xây dựng GĐHH
a) Trong vấn đề học tập của người lớn trong gia đình. Tôi thấy đối tượng này thường là hội viên Hội NCT, hội viên Hội Phụ nữ, hội viên Hội CCB, …và có người không tham gia hội nào cả. Tôi kiến nghị Hội KH chúng ta bàn bạc với các đoàn thể chính trị trên đưa vấn đề “ học tập suốt đời “ lồng vào các phong trào thi đua hiện đang có của các đoàn thể đó. Ví dụ, trong Hội NCT có phong trào “ Tuổi cao- Gương sáng “, vậy trong  việc nêu gương sáng hãy đặt ra “ Gương sáng trong vấn đề tự học, học tập  suốt đời “,
 b) Trong Trung tâm học tập cộng đồng nên thành lập “ Câu lạc bộ Tự học - Học mãi “, tôi thấy cụm từ Học Mãi rất hay, ở cổng Trường THCS Lý Thường Kiệt (phố Nguyễn Khuyến , Hoàn Kiếm ) có kẻ chữ to “ Câu lạc bộ HỌC MÃI ). Tôi suy nghĩ rằng, không chỉ những ai tham gia CLB này mới tự học, mà đây là hạt nhân ban đầu, làm nòng cốt cho phong trào.
 2) Về việc công nhận Dòng họ Khuyến học
        Một dòng họ thường có nhiều gia đình ở rải rác tại nhiều phường,xã, quận, huyện, tỉnh. Tại một phường, khi chúng tôi công nhận DHKH thì chỉ biết  được các gia đình của dòng họ ấy ở phường mình mà dám công nhận cả dòng họ khuyến học thì thật là “ quá tầm “.  Tôi đề nghị chỉ ở địa phương nào là gốc của dòng họ thì công nhận Dòng họ Khuyến học, còn ở nơi khác        thì công nhận “ Chi nhánh Dòng họ Khuyến học “. 
        
                                                                                                                                                                                                                                                                                                              Bùi Trọng Tuân