Thực hiện Chương trình công tác của Ban Chấp hành Hội Khuyến học Hà Nội khóa V, nhiệm kỳ 2020-2025 và Chương trình công tác năm 2025 của Hội Khuyến học Hà Nội. Đoàn công tác cán bộ chủ chốt Hội Khuyến học Hà Nội có chuyến công tác tới thăm và trao đổi kinh nghiệm hoạt động với Hội Khuyến học tỉnh Kon Tum.
Đoàn công tác cán bộ chủ chốt Hội Khuyến học thành phố Hà Nội
chụp ảnh lưu niệm cùng Hội Khuyến học tỉnh Kon Tum Đoàn công tác cán bộ chủ chốt Hội Khuyến học Hà Nội do đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Minh - Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, Chủ tịch Hội Khuyến học Hà Nội làm Trưởng đoàn. Tham gia Đoàn công tác có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Kiểm tra Hội Khuyến học Hà Nội khóa V, nhiệm kỳ 2020-2025; Nhà hảo tâm tiêu biểu Hội Khuyến học Hà Nội Nguyễn Mạnh Thản - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Ao Vua và các cộng tác viên tích cực của Hội Khuyến học Hà Nội cùng tham gia Đoàn công tác.
Ngày 12/3/2025, Đoàn tới thăm và trao đổi học tập kinh nghiệm tại Hội Khuyến học tỉnh Kon Tum. Tiếp Đoàn công tác có Nhà giáo ưu tú Nguyễn Hóa - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Kon Tum; cùng các đồng chí Thường trực, cán bộ Văn phòng Hội Khuyến học tỉnh.
NGUT Nguyễn Hóa - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam,
Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Kon Tum phát biểu chia sẻ tại buổi làm việc Trong không khí thân mật và đầm ấm, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Kon Tum Nguyễn Hóa chia sẻ: Nằm ở phía Bắc Tây Nguyên, tỉnh Kon Tum luôn giữ vai trò chiến lược về kinh tế, chính trị, quốc phòng và an ninh. Nơi đây được biết đến là vùng đất chứa đựng nhiều vẻ đẹp hoang sơ, kỳ bí, đầy nắng gió; là địa bàn sinh sống của nhiều thành phần tộc người khác nhau với truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời và có nhiều đóng góp trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Từ vùng đất tự trị, các tỉnh Tây Nguyên, trong đó có Kon Tum, dần trở thành phiên quốc lệ thuộc vào các triều đại phong kiến Đại Việt và trở thành bộ phận không thể tách rời lãnh thổ của quốc gia Việt Nam.
Ngày 24/3/1975, chiến dịch Tây Nguyên kết thúc thắng lợi, Tây Nguyên hoàn toàn được giải phóng trong đó có tỉnh Kon Tum. Tháng 10/1975, tỉnh Kon Tum được sáp nhập với tỉnh Gia Lai thành tỉnh Gia Lai - Kon Tum và sau đó được tái lập vào năm 1991. Trải qua chặng đường 110 năm hình thành và phát triển, dù nhiều lần chia tách, sáp nhập nhưng tỉnh Kon Tum đã đạt được những thành tựu to lớn, tạo được những dấu ấn rõ nét về phát triển kinh tế - xã hội; quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xứng đáng với truyền thống kiên cường, bất khuất được hun đúc từ trong quá trình xây dựng và bảo vệ vùng đất của cha ông.
Không chỉ trung dũng, kiên cường trong kháng chiến giành độc lập dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, trong công cuộc đổi mới, Đảng bộ và nhân dân Kon Tum không ngừng phấn đấu và có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của cả nước trong thời đại đổi mới. Đặc biệt từ sau ngày tái lập tỉnh (năm 1991) dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ, tình hình chính trị của Kon Tum luôn ổn định, quốc phòng - an ninh được giữ vững và củng cố, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
NGUT Nguyễn Hóa - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam,
Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Kon Tum tặng quà lưu niệm cho Hội Khuyến học Hà Nội Hướng đến tương lai, Kon Tum xác định phải xây dựng tỉnh có nền kinh tế tăng trưởng cao và bền vững, cơ cấu kinh tế ngày càng hợp lý; thu hẹp dần khoảng cách về thu nhập bình quân đầu người của tỉnh so với vùng Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung. Với lợi thế về đất lâm nghiệp lớn, Kon Tum cùng với các tỉnh trong khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam đang dần hình thành vùng trọng điểm cao su của cả thế giới. Đây được xem là cây xóa đói, giảm nghèo bền vững cho người dân và là nguồn thu lớn cho ngân sách.
Hiện nay, tỉnh Kon Tum cũng xác định 3 vùng kinh tế động lực. Cụ thể huyện Kon Plông với những sản phẩm như nuôi cá tầm, cá hồi, rau hoa xứ lạnh hay trồng cà phê xứ lạnh. Đây là những sản phẩm có giá trị kinh tế lớn. Huyện Ngọc Hồi với Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y- là ngã ba biên giới quan trọng để kết nối Kon Tum, Tây Nguyên và các tỉnh duyên hải miền Trung với các nước bạn Lào, Vương quốc Campuchia, Thái Lan….Thành phố Kon Tum với các cụm, khu công nghiệp lớn. Kon Tum thành công trong việc duy trì và phát triển nguồn giống quý của sâm Ngọc Linh và đang hướng đến phát triển loại cây sâm quý này thành một thương hiệu quốc gia. Hiện tại đã hình thành vùng quy hoạch trồng sâm rộng hàng trăm ha và đưa giống cây quý này đến với từng hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số.
Hội Khuyến học tỉnh Kon Tum tặng quà lưu niệm cho Hội Khuyến học Hà Nội Kon Tum được xem là một trong những tỉnh có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch quốc gia với nhiều di tích lịch sử như: Ngục Kon Tum, ngục Đăk Glei, những địa danh nổi tiếng như đồi Sạc Ly, Đăk Tô-Tân Cảnh, đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại. Nhiều công trình lịch sử, văn hoá, kiến trúc cổ như Nhà thờ gỗ, Tòa giám mục, Chùa Bắc Ái…Nhiều cảnh quang thiên nhiên đẹp với sông, hồ, thác, núi hùng vĩ, các khu bảo tồn thiên nhiên như Vườn quốc gia Chưmomray, Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh…Cùng với đó, Kon Tum cũng là nơi có nền văn hoá phong phú, đa dạng được kết tinh từ đời sống văn hoá tinh thần của 22 dân tộc đã tụ cư tại nơi đây hàng trăm năm…Đây sẽ là những lợi thế lớn để giúp Kon Tum từng bước vươn mình ra “biển lớn”.
Chia sẻ về hoạt động công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, Nhà giáo ưu tú, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Kon Tum Nguyễn Hóa trao đổi: Hội Khuyến học tỉnh Kon Tum được thành lập vào ngày 26/7/2001. Đến nay, trải qua hơn 20 năm hoạt động, tuy có nhiều khó khăn trong công tác tổ chức, xây dựng Hội, nguồn kinh phí hoạt động, nhưng với sự quan tâm sâu sắc, tạo điều kiện thuận lợi của lãnh đạo tỉnh, các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương, các cơ quan, ban ngành trong tỉnh, sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, cùng với sự năng động, nhiệt tình của lãnh đạo Hội các cấp, sự đồng thuận của các hội viên, Hội Khuyến học tỉnh Kon Tum đã từng bước phát triển và đã đạt những kết quả đáng trân trọng trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Để góp phần vào mục tiêu nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nhân tài cho tỉnh nhà, thời gian qua, Hội Khuyến học tỉnh và Hội Khuyến học các cấp ở địa phương đã có nhiều cố gắng, chủ động tham mưu các cấp ủy Đảng, chính quyền ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, quản lý công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Đây là cơ sở để đưa những chủ trương, chính sách về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đi vào cuộc sống, gắn với thực tiễn và là tiền đề cho thực hiện thành công các nhiệm vụ, hoạt động của Hội Khuyến học trong thời gian qua.
Quang cảnh buổi làm việc Cùng với đó, Hội Khuyến học tỉnh tập trung xây dựng hệ thống tổ chức ở cả 3 cấp: cấp tỉnh, cấp huyện/thành phố, cấp xã/phường/thị trấn. Đến nay, mạng lưới tổ chức Hội Khuyến học đã phủ kín 102/102 xã, phường, thị trấn thuộc 10/10 huyện thành phố, tổng số 239 Ban Khuyến học, 1.261 Chi hội với 63.018 hội viên.
Trong hơn 20 năm qua, Hội Khuyến học các cấp đã có nhiều nỗ lực trong cuộc vận động xây dựng các mô hình học tập: “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập”, góp phần không nhỏ trong thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục, xã hội hóa giáo dục, phong trào xây dựng gia đình, khu dân cư văn hóa.
Để thúc đẩy phong trào khuyến học, khuyến tài, hỗ trợ cho học sinh, sinh viên nghèo hiếu học, Hội Khuyến học các cấp đã vận động nhiều cá nhân, tổ chức đóng góp xây dựng Quỹ Khuyến học. Bình quân hàng năm, Hội Khuyến học tỉnh cũng như Hội Khuyến học các huyện, thành phố vận động được trên 1 tỉ đồng/cấp để trao học bổng cho các học sinh, sinh viên nghèo biết vươn lên trong học tập và khen thưởng cho học sinh, sinh viên có thành tích xuất sắc trong học tập.
Với những kết quả trên, qua chặng đường trên 20 năm xây dựng và phát triển, Hội Khuyến học tỉnh Kon Tum đã được Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam tặng 05 Cờ thi đua, 04 Bằng khen; UBND tỉnh tặng 01 Cờ thi đua và 11 Bằng khen; Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam tặng Bằng khen cho các tập thể và cá nhân; nhiều cá nhân trên địa bàn tỉnh được trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Khuyến học” - Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Kon Tum chia sẻ.
Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam,
Chủ tịch Hội Khuyến học Hà Nội Nguyễn Thị Ngọc Minh phát biểu tại buổi làm việc Trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, Chủ tịch Hội Khuyến học Hà Nội Nguyễn Thị Ngọc Minh nêu: Hà Nội có Nghị quyết số 23-NQ/TU ngày 16/11/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn thành phố Hà Nội từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” để lãnh đạo, chỉ đạo công tác Hội Khuyến học các cấp Thành phố. Hiện nay, Hội Khuyến học Hà Nội có 58 đơn vị tổ chức Hội thành viên; trong đó: 30 Hội Khuyến học quận, huyện, thị xã và 28 tổ chức Khuyến học trong các Trường Đại học, Cao đẳng; với 579 Hội Khuyến học xã, phường, thị trấn; 6.344 Chi hội Khuyến học; 13.300 Ban Khuyến học được thành lập ở các dòng họ, trường học, cơ quan, đơn vị…; với tổng số 1.953.233 hội viên; đạt 23,44% so với tổng số dân. Đặc biệt có 253.410 đảng viên là hội viên, đạt 52,64% tổng số đảng viên toàn Đảng bộ.
Ủy viên Ban Thường vụ TW Hội Khuyến học Việt Nam, Chủ tịch Hội Khuyến học Hà Nội
Nguyễn Thị Ngọc Minh trao tặng tài liệu khuyến học cho Hội Khuyến học tỉnh Kon Tum Xây dựng mô hình học tập đều đạt và vượt chỉ tiêu định hướng của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam giao. Kết quả: Xây dựng mô hình “Gia đình học tập” đạt tỷ lệ 75,02%; “Dòng họ học tập” đạt 70,78%; “Cộng đồng học tập” đạt tỷ lệ 82,47%; “Đơn vị học tập” đạt 95,71%; “Công dân học tập” đạt 45,98%; trong đó: Tỷ lệ “Công dân học tập” nhóm nông dân và lao động nông thôn đạt 43,75%; nhóm công nhân lao động, tiểu thủ công, thợ sửa chữa thiết bị gia dụng, lao động tự do đạt 44,74%; nhóm cán bộ quản lý, công chức, viên chức, nhân viên từ cấp xã trở lên, doanh nhân, quản lý doanh nghiệp đạt 66,48% và tỷ lệ “Công dân học tập” được công nhận đạt kỹ năng số là 62,53%.
Ủy viên Ban Thường vụ TW Hội Khuyến học Việt Nam, Chủ tịch Hội Khuyến học Hà Nội
Nguyễn Thị Ngọc Minh trao tặng kỷ niệm khuyến học cho Hội Khuyến học tỉnh Kon Tum Năm 2025 có nhiều các sự kiện chính trị quan trọng của Thủ đô và đất nước; Hội Khuyến học Hà Nội tổ chức Đại hội Hội Khuyến học thành phố Hà Nội lần thứ VI, nhiệm kỳ 2025-2030. Hiện nay, các cấp Hội Khuyến học Thành phố đang tập trung tổ chức, triển khai thực hiện nhiệm vụ trọng tâm phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Hội Khuyến học thành phố Hà Nội lần thứ V, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra; Chú trọng xây dựng các mô hình học tập: “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập” và cốt lõi là xây dựng mô hình “Công dân học tập” đảm bảo chỉ tiêu, định hướng của Trung ương Hội, của UBND thành phố Hà Nội; Đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức hoạt động Hội; Thúc đẩy phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập phù hợp tình hình mới, phong trào “Khuyến học xanh”, “Bình dân học vụ số”...
Hội Khuyến học Hà Nội tham quan cột mốc biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia Trong chương trình công tác, Đoàn cán bộ Hội Khuyến học Hà Nội đến thăm một số mô hình học tập tiêu biểu tại địa phương và tham quan một số địa điểm di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Hội Khuyến học Hà Nội đã trao tặng 50 triệu đồng cho Quỹ Khuyến học tỉnh Kon Tum
Nhân dịp này, Hội Khuyến học thành phố Hà Nội đã trao tặng 50 triệu đồng cho Quỹ Khuyến học tỉnh Kon Tum nhằm hỗ trợ những học sinh của tỉnh vượt khó, hiếu học vươn lên học giỏi. Đây là một hoạt động ý nghĩa, thể hiện tinh thần tương thân tương ái, góp phần động viên các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục vươn lên trong học tập trong thời gian tới.
Tin bài và ảnh: NGUYỄN BÁ CHÂU
Hội Khuyến học Hà Nội
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://nukeviet.vn là vi phạm bản quyền