Ông Vũ Hy Chương hiện nay là Chủ tịch Hội Khuyến học phường Nguyễn Du, là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Khuyến học quận Hai Bà Trưng. Nhiệm kỳ trước, Ông là Ủy viên Ban Thường vụ Hội Khuyến học phường, là người chủ chốt giúp Chủ tịch tiến hành các hoạt động, nhất là chỉ đạo và tổ chức các cuộc tọa đàm, hội thảo, sinh hoạt chuyên đề trong cán bộ và hội viên, thực hiện đều đặn các hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong phường và tại các Chi hội.

Ông Vũ Hy Chương - Ủy viên BCH Hội Khuyến học quận Hai Bà Trưng
Chủ tịch Hội Khuyến học phường Nguyễn Du Tiếp nhận các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương Đảng, của Chính phủ, của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam và của các cấp chỉ đạo về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, Ông khẳng định phải phổ biến quán triệt các văn bản này càng sâu rộng càng tốt. Với suy nghĩ là ai cũng phải có văn bản trong tay thì mới thuận tiện cho tổ chức triển khai thực hiện, Ông photo các văn bản, gửi đến tất cả những cán bộ chủ chốt trong hệ thống chính trị ở phường và ở tổ dân phố, đến đội ngũ cán bộ Hội Khuyến học và các Chi hội. Năm 2022, ông đã tập hợp 09 văn bản quan trọng, gồm Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị, Kết luận số 49-KL/TW của Ban Bí thư, các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 489, số 1373, số 387, số 677), Quyết định của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam (Quyết định số 242, số 244), đóng thành 46 tập gửi đến tất cả các đồng chí trong Ban Thường vụ Đảng ủy, Lãnh đạo UBND phường, Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam phường, Chủ tịch các tổ chức Hội, đoàn thể, các Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận, Tổ trưởng Tổ dân phố, tất cả thành viên Ban Chấp hành Hội và các Chi hội trưởng Khuyến học. Năm 2024, tiếp nhận 04 văn bản mới, Ông lại photo và đóng tập gửi đến các đối tượng như lần trước. Như vậy, tất cả các cán bộ chủ chốt ở phường cũng như ở các đơn vị, các địa bàn tổ dân phố, tất cả cán bộ khuyến học đều có đầy đủ những văn bản chỉ đạo về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, để nắm chắc chủ trương và cùng Hội Khuyến học tiến hành các nhiệm vụ hoạt động triển khai thực hiện. Không chỉ vậy, Ông còn biên soạn tài liệu giới thiệu về các văn bản chỉ đạo khuyến học, để phổ biến trong nhân dân, gửi các tổ dân phố đọc tại Hội nghị nhân dân đầu năm bàn về xây dựng đời sống văn hóa và thực hiện quy ước dân chủ ở cơ sở; mấy năm liền đều tổ chức phổ biến như vậy, nên nhiều người dân hiểu khá rõ về chỉ đạo với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Phường Nguyễn Du đã thực hiện từ lâu và rất tốt về xây dựng tổ chức cơ sở Hội, ở tất cả các tổ dân phố, các cơ quan, đơn vị, trường học, các tổ chức và doanh nghiệp lớn đóng trên địa bàn phường đều đã có Chi hội Khuyến học. Nhiệm vụ quan trọng thường xuyên hằng năm của Hội Khuyến học phường về công tác tổ chức là tăng cường tuyên truyền vận động phát triển hội viên, Ông cùng Ban Thường vụ Hội, hàng quý họp với các Chi hội trưởng để bàn về việc này. Tỷ lệ hội viên khuyến học ở phường Nguyễn Du còn thấp, mới chỉ đạt tỷ lệ 12%/tổng số dân và không đều giữa các địa bàn, có nơi đạt 18%, nhưng có nơi mới chỉ đạt 6%. Ông cùng Ban Thường vụ Hội họp bàn, xác định phải báo cáo và tham mưu với Thường vụ Đảng ủy và Chủ tịch UBND phường để kiến nghị tiến hành tuyên truyền, vận động rộng rãi trong đảng viên, cán bộ và nhân dân tham gia vào hội viên khuyến học. Được Thường vụ Đảng ủy và Lãnh đạo UBND phường đồng tình ủng hộ, Ông đã trình bày kỹ tại 03 cuộc họp của Đảng ủy với các Bí thư Chi bộ và Trưởng các đoàn thể, để cùng nhau quán triệt rõ về tư tưởng chỉ đạo của Đảng và Chính phủ về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Chủ trương được thống nhất, quyết định tất cả đảng viên và cán bộ các cấp đều gương mẫu tham gia là hội viên khuyến học. Ông xác định 05 đối tượng vận động là: Đảng viên ở địa bàn và thành viên gia đình đảng viên; cán bộ các cấp và thành viên gia đình cán bộ; thành viên các gia đình có con cháu đang là học sinh, sinh viên; các đảng viên sinh hoạt hai chiều và cán bộ công chức đang còn công tác; các đối tượng còn lại tùy điều kiện cụ thể có thể tham gia. Năm 2023 và đặc biệt là năm 2024, số lượng hội viên mới tham gia tăng lên nhiều, nhất là các đảng viên tại các Chi bộ. Đến cuối năm 2024, tỷ lệ hội viên khuyến học trong dân toàn phường đạt 16%, trong đó các cơ quan, đơn vị, trường học đều đạt 100%, nhiều tổ dân phố đạt tỷ lệ xấp xỉ 20%. Nhiệm vụ phát triển hội viên tại các địa bàn tổ dân phố vẫn còn là một yêu cầu mà Ông và Ban Chấp hành Hội Khuyến học phường Nguyễn Du phải tiếp tục tích cực thực hiện.
Ông Vũ Hy Chương - Chủ tịch Hội Khuyến học phường Nguyễn Du,
quận Hai Bà Trưng phát biểu tại Lễ Kỷ niệm 95 năm
Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930-03/02/2025) Với trách nhiệm là Chủ tịch Hội, Ông cùng Ban Thường vụ Hội chú trọng xây dựng chương trình công tác hàng năm, có trọng tâm cho từng quý để chỉ đạo thực hiện tại Hội và các Chi hội. Năm nào Ông cũng dự kiến tổ chức 2-3 cuộc tọa đàm, xác định chủ đề cho từng cuộc và lần nào Ông cũng đều có bài tham luận trình bày, đồng thời có gợi ý cho các Chi hội nội dung tham gia tham luận. Nội dung tổ chức tọa đàm của Hội Khuyến học phường Nguyễn Du trong thời gian qua, đó là: Giáo dục cho trẻ tại gia đình; Cách phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong giáo dục với trẻ; Giáo dục giới tính cho trẻ; Cách thực hiện tự học của người lớn; Thực hiện nếp sống văn minh trong ứng xử; Văn minh trong cúng lễ; Giải pháp đẩy mạnh phấn đấu đạt danh hiệu “Công dân học tập”; Giải pháp phấn đấu xây dựng “Phường học tập” .v.v. Tại các Hội nghị tổ chức kỷ niệm Ngày Khuyến học Việt Nam 2/10 và phát động “Tuần lễ thúc đẩy học tập suốt đời” được Hội Khuyến học phối hợp cùng Trung tâm Học tập cộng đồng của phưởng được tổ chức hàng năm và Ông đều có bài trình bày theo chủ đề được lựa chọn, như: Phương pháp thực hiện tự học; Gương tự học của Bác Hồ; Thúc đẩy đọc sách và học tập qua sách; Thực hiện “Văn hóa đọc”.v.v. Những cuộc tọa đàm do Hội Khuyến học quận tổ chức Ông đều có bài trình bày.
Không chỉ có các bài viết tham luận trình bày tại các Hội nghị tọa đàm, Ông còn viết nhiều bài làm tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền, gửi đăng trên Trang Thông tin Điện tử của phường và quận, như: Giới thiệu về phường Nguyễn Du; Danh nhân Nguyễn Du và Kiệt tác Truyện Kiều; Các đường phố ở phường Nguyễn Du và Tiểu sử danh nhân được đặt tên đường phố… Có những bài Ông viết dưới dạng tiểu phẩm, người đọc thích thú vì hấp dẫn và dễ dàng tiếp nhận được ý tưởng đã nêu. Ông còn viết các tin, bài theo yêu cầu của Quận hội về từng cuộc hoạt động của Hội Khuyến học quận Hai Bà Trưng để gửi đăng trên Trang Website và Bản tin của Hội Khuyến học Hà Nội.
Ông cùng Ban Chấp hành Hội Khuyến học và các Chi hội Khuyến học thực hiện đều hàng năm việc ổ chức động viên, tuyên dương biểu dương khen thưởng trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Mỗi dịp tổng kết năm học, các Chi hội Khuyến học trên địa bàn phường đều tiến hành trao thưởng động viên học sinh đạt thành tích xuất sắc trong học tập, có Giấy khen khen thưởng các cháu đạt giải các kỳ thi, được nhận Huy chương trong các kỳ thi đấu. Riêng tại Tổ dân phố do Ông là Bí thư Chi bộ trước đây, Ông đã chỉ đạo Chi hội thực hiện trao thưởng cho tất cả học sinh theo danh sách học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 và vẫn có quà thưởng đặc biệt thêm cho các học sinh xuất sắc, đạt giải kỳ thi hoặc đạt Huy chương thi đấu, thi đỗ vào Trường Đại học công lập. Việc trao thưởng cho 100% học sinh được Ông chỉ đạo thực hiện từ năm 2014 đến nay. Ông cho rằng: chỉ thưởng cho các cháu xuất sắc hoặc đạt giải thì đó là “khuyến tài”, còn “khuyến học” là phải với tất cả các cháu đang đi học. Cách chỉ đạo thực hiện của Ông cũng có kết quả rất tốt với mọi người. Theo cách chỉ thưởng số học sinh xuất sắc, đa số học sinh không bao giờ được nhận thưởng thì sẽ có những biểu hiện không hay lắm trong mỗi lần tổ chức trao thưởng và việc vận động đóng góp Quỹ Khuyến học cũng gặp khó khăn đối với các gia đình có con cháu không bao giờ được khen thưởng. Trước kia số tiền thu được của tổ dân phố có 300 hộ dân chỉ thu được 3-4 triệu đồng/năm, từ khi thực hiện trao thưởng cho tất cả học sinh, cháu nào cũng vui mừng khi nhận được quà, về đến nhà bố mẹ, ông bà thấy con cháu được thưởng cũng rất vui và khi thu Quỹ Khuyến học đã nhận được tới 9-10 triệu đồng/năm. Quan trọng là “khuyến học” là phải với tất cả các đối tượng học tập, trước nhất là với các trẻ em đang là học sinh.
Ông Vũ Hy Chương - Chủ tịch Hội Khuyến học phường Nguyễn Du
Triển khai nhiệm vụ công tác trọng tâm của Hội Khuyến học phường năm 2025 Với người lớn tuổi, Ông cũng chú ý “khuyến học” bằng việc trao thưởng cho các gương tự học tiêu biểu của người lớn, trao thưởng các “Công dân học tập” tiêu biểu trong phường mỗi năm 55-60 người và được tiến hành vào dịp tổng kết công tác năm của Hội Khuyến học.
Việc tự học của cá nhân, Ông cũng thực hiện đều đặn suốt bao nhiêu năm nay. Ông xác định, mình tuy có học hàm, học vị bậc cao nhất, nhưng chỉ là ở lĩnh vực chuyên môn của mình thôi, còn ở mấy trăm lĩnh vực khoa học khác có biết gì đâu, rồi những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới rõ ràng là chưa biết, thì phải học. Việc tự học này của Ông đã phải làm từ khi Ông bắt đầu làm nhiệm vụ giảng dạy. Kiến thức Kinh tế học đã tốt, nhưng dạy cho sinh viên các ngành: Trồng trọt, Bảo vệ thực vật, Chăn nuôi, Thú y, Nuôi cá…thì phải tìm hiểu về chuyên môn cơ bản của mỗi ngành, để đưa ví dụ bài học vào sát, đúng, trúng. Những năm Ông làm quản lý khoa học, phụ trách công tác quản lý nghiên cứu các lĩnh vực khoa học trong cả nước, yêu cầu Ông phải hiểu được hoạt động chuyên môn của từng lĩnh vực về nông nghiệp, y dược, cơ học, khoa học biển, về khoa học trái đất…Ông đã tự học từ tài liệu, từ các cán bộ chuyên môn của từng nơi tiếp xúc, nhờ đó mỗi khi họp với mỗi nơi Ông đều có thể hiểu được hoạt động khoa học của họ và còn có thể tham gia chia sẻ gợi ý trong phương hướng hoạt động nghiên cứu khoa học nữa. Đến bây giờ tuổi đã cao nhưng Ông vẫn duy trì đều việc tự học, qua đọc sách, tra cứu trên mạng, dự các buổi tập huấn, nghe truyền đạt của người khác…Ông suy nghĩ là tự học vừa để cho mình có thêm kiến thức cần cho bản thân, nhưng cũng là để có thể phổ biến kiến thức đó cho những người khác không có điều kiện tìm hiểu tự học. Đấy là một phương thức để giúp cho cộng đồng thực hiện tốt yêu cầu trong xây dựng xã hội học tập.
Ông còn chủ trì xây dựng “Tủ sách công cộng” tại Khu dân cư. Năm 2008, Ông đã góp 350 quyển sách từ Tủ sách của gia đình ông (Tủ sách của gia đình ông có hơn 2000 quyển), tiếp đó một số gia đình khác đóng góp sách và mỗi năm mua thêm sách mới. Đến nay, Tủ sách có 670 quyển sách tham khảo cho người lớn về các chủ đề: Thăng Long - Hà Nội, Lịch sử, Chính trị - Pháp luật, Kinh tế, Xã hội, Văn hóa - Văn nghệ, Khoa học - Giáo dục và 860 quyển sách, truyện tranh cho thiếu nhi, phục vụ tốt cho sinh hoạt tháng hè hàng năm của các cháu và nhu cầu tham khảo của người lớn.
Nhiều người biết về Ông, đều rất thiện cảm, không chỉ vì trình độ và năng lực, tư cách và thái độ, mà học theo Ông cả về cách suy nghĩ và phương pháp tổ chức tiến hành các việc, luôn nhằm tốt nhất cho mọi người và cho cả cộng đồng./.
Tin bài và ảnh: GS.TSKH.VŨ HY CHƯƠNG
Uỷ viên BCH Hội Khuyến học quận Hai Bà Trưng,
Chủ tịch Hội Khuyến học phường Nguyễn Du
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://nukeviet.vn là vi phạm bản quyền