Trong hành trình xây dựng xã hội học tập tại Thủ đô - nơi hội tụ của tri thức, văn hóa và truyền thống hiếu học ngàn đời - có những con người lặng lẽ cống hiến với trái tim đầy tâm huyết. PGS.TS.Nguyễn Thị Nhung - Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Hà Nội, người đã dành trọn tâm huyết và trí tuệ của mình để lan tỏa tinh thần khuyến học, khuyến tài, đưa tư tưởng “Học tập suốt đời” thấm sâu vào từng nếp nghĩ, cách làm của cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường Đại học Mở Hà Nội và lan tỏa tới cộng đồng.

PGS.TS.Nguyễn Thị Nhung - Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Hà Nội Trách nhiệm của một nhà giáo, sứ mệnh của một người truyền cảm hứng học tập:
PGS.TS.Nguyễn Thị Nhung không chỉ là nhà quản lý giáo dục có uy tín, bà còn là người truyền cảm hứng mạnh mẽ về triết lý “Học tập suốt đời” - điều kiện tiên quyết để hình thành một xã hội học tập thực sự. Với tâm thế của người đứng đầu một Trường Đại học tiên phong và dẫn dắt trong giáo dục mở và đào tạo từ xa, PGS.TS. Nguyễn Thị Nhung luôn trăn trở: làm thế nào để mọi người, dù ở bất cứ đâu, hoàn cảnh nào, vẫn có thể học tập, trưởng thành và đóng góp cho đất nước.
Giai đoạn 2020-2025 chứng kiến những chuyển động mạnh mẽ trong công cuộc chuyển đổi số và hiện đại hóa giáo dục, trong đó Trường Đại học Mở Hà Nội là một trong những điểm sáng nổi bật. Với sự lãnh đạo của PGS.TS.Nguyễn Thị Nhung, Nhà trường đã không ngừng đổi mới mô hình đào tạo, phát triển mạnh mẽ hệ thống học tập trực tuyến, mở rộng mạng lưới khuyến học, khuyến tài đến từng đối tượng người học qua các chương trình học linh hoạt, chất lượng và phù hợp với từng cá nhân.
PGS.TS.Nguyễn Thị Nhung chia sẻ: “Chúng tôi hiểu rõ rằng, học tập không thể chỉ dừng lại trong lớp học hay trong thời gian ngắn ngủi của tuổi trẻ. Chính vì thế, Trường Đại học Mở Hà Nội luôn kiên định theo đuổi sứ mệnh: “Mở cơ hội học tập cho mọi người” và triết lý đào tạo “Mở cơ hội - Mở trái tim - Mở trí tuệ - Mở tầm nhìn - Mở tương lai”. Triết lý đó chính là hạt nhân, là động lực cho mọi hoạt động khuyến học mà Nhà trường đã và đang triển khai”.
Giảng viên Trường Đại học Mở Hà Nội
Tập huấn cho cán bộ khuyến học thành phố Hà Nội Dẫn dắt sự đổi mới bằng khoa học và công nghệ:
Giai đoạn 2020-2025, Trường Đại học Mở Hà Nội phối hợp chặt chẽ với Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam xây dựng và triển khai phần mềm quản lý, đánh giá “Công dân học tập” - một bước chuyển đổi số mạnh mẽ để đánh giá quá trình học tập suốt đời của mỗi cá nhân.
Với phần mềm này, lần đầu tiên khái niệm “Công dân học tập” được lượng hóa bằng các chỉ số minh bạch, khách quan, đồng thời thúc đẩy mỗi người tự đánh giá, tự hoàn thiện hành trình học tập của mình. Hàng nghìn cán bộ khuyến học tại các địa phương trên cả nước đã được Trường Đại học Mở Hà Nội tổ chức tập huấn sử dụng phần mềm, giúp nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác khuyến học, khuyến tài tại địa phương mình.
Không chỉ dừng lại ở mặt kỹ thuật, hoạt động phối hợp này còn góp phần định hình rõ ràng tiêu chí đánh giá “Công dân học tập” theo hướng vừa đảm bảo khoa học, vừa dễ tiếp cận đối với mọi đối tượng người dân. Đó là cách tiếp cận “dân chủ hóa tri thức” - nơi công nghệ không chỉ phục vụ số đông, mà còn đồng hành cùng từng cá nhân trong hành trình “Học tập suốt đời”.
Từ những việc làm cụ thể đến tầm nhìn mang tính chiến lược:
Với sự chỉ đạo sát sao của PGS.TS.Nguyễn Thị Nhung, cùng với sự vào cuộc trách nhiệm của Ban Khuyến học Nhà trường, những hoạt động khuyến học tại Trường Đại học Mở Hà Nội luôn gắn liền với hành động cụ thể và kết quả thực chất. Nhà trường liên tục tổ chức các khóa học đào tạo mở miễn phí, các hoạt động tọa đàm trực tuyến về kỹ năng học tập suốt đời, kỹ năng tự học, ứng dụng công nghệ trong học tập cá nhân - mở cửa tri thức đến đông đảo người dân không phân biệt tuổi tác, vùng miền.
Bên cạnh đó, Nhà trường cũng chủ động tổ chức nhiều các hoạt động tuyên truyền về xã hội học tập, khuyến học, khuyến tài trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, trong đó sinh viên chính là những “đại sứ học tập” tích cực lan tỏa giá trị học tập đến cộng đồng, xã hội. Việc này đã làm sống dậy tinh thần “tự học, tự rèn” - vốn là truyền thống quý báu của dân tộc, nay được đặt trong bối cảnh hiện đại với sự hỗ trợ đắc lực từ công nghệ số.
Nhờ những cố gắng, nỗ lực bền bỉ ấy, Trường Đại học Mở Hà Nội vinh dự được nhận Bằng khen của Ban Chấp hành Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2018-2023. Cũng trong năm 2023, Nhà trường vinh dự đón nhận Huân chương Lao động Hạng Nhất cho “thành tích xuất sắc trong việc thực hiện mô hình “Giáo dục mở” và đào tạo trực tuyến, góp phần xây dựng xã hội học tập và phục vụ cộng đồng”.
Đây là kết quả của một quá trình phấn đấu của tập thể, với sự nỗ lực chung của cán bộ, giảng viên và sinh viên dưới sự chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường; trong đó, vai trò điều hành, kết nối và định hướng chiến lược của PGS.TS.Nguyễn Thị Nhung - Hiệu trưởng Nhà trường - là yếu tố có ý nghĩa quan trọng. Sự nhất quán trong tư duy quản lý, cách tiếp cận đổi mới và quan điểm đề cao giá trị học tập suốt đời, đã giúp Trường Đại học Mở Hà Nội giữ vững định hướng phát triển bền vững và tạo ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng.
PGS.TS.Nguyễn Thị Nhung - Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Hà Nội dự lễ
khánh thành “Phòng học Công nghệ” do Nhà trường xây dựng tại các địa phương Người lãnh đạo với tầm nhìn nhân văn:
Hòa cùng với dòng chảy của công nghệ và công cuộc đổi mới của đất nước, thành công của Trường Đại học Mở Hà Nội còn đến từ những trái tim nhân văn, từ tình yêu với người học và sự cảm thông với những mảnh đời khao khát được học tập. PGS.TS.Nguyễn Thị Nhung từng chia sẻ: “Chúng ta không thể nói về phát triển bền vững nếu bỏ quên việc học tập suốt đời. Mọi sự công bằng, bình đẳng trong xã hội đều phải bắt đầu từ cơ hội học tập”.
Chính vì thế, Trường Đại học Mở Hà Nội luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới người học yếu thế - những người khó có thể đến giảng đường vì hoàn cảnh gia đình, sức khỏe, điều kiện kinh tế hay vị trí địa lý. Các chương trình đào tạo trực tuyến, học bổng khuyến học, các khóa học mở miễn phí đều được Nhà trường đầu tư phát triển để mọi người, dù ở miền núi, vùng sâu, vùng xa hay đang làm việc ở nước ngoài, vẫn có thể tiếp cận tri thức.
Bên cạnh vai trò công tác quản lý, PGS.TS.Nguyễn Thị Nhung còn là một nhà nghiên cứu khoa học tận tụy, người truyền cảm hứng học tập và sáng tạo không ngừng. Những bài giảng, những công trình khoa học, những cuộc hội thảo, học thuật do PGS.TS.Nguyễn Thị Nhung chủ trì luôn thấm đẫm tinh thần trách nhiệm và khát vọng cống hiến.
PGS.TS.Nguyễn Thị Nhung không chỉ góp phần làm nên thương hiệu “Học tập suốt đời” của Trường Đại học Mở Hà Nội, mà còn là hình ảnh tiêu biểu cho những người làm giáo dục Thủ đô luôn tâm huyết, đổi mới và tận tụy với sự nghiệp khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Những dấu ấn trong giai đoạn 2020-2025 là kết quả của quá trình làm việc kiên trì, tư duy đổi mới và sự kết nối hiệu quả giữa cá nhân, tập thể và cộng đồng.
Tin bài và ảnh: BAN KHUYẾN HỌC TRƯỜNG ĐẠI HỌC MỞ HÀ NỘI
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://nukeviet.vn là vi phạm bản quyền