Sáng ngày 12/11/2024, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội trang trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô (1954-2024), 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2024) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. Tổng Bí thư Tô Lâm và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gửi lẵng hoa chúc mừng.
Các đại biểu thực hiện nghi lễ Chào cờ Dự Lễ kỷ niệm có các đồng chí: Bùi Thị Minh Hoài - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội; Phạm Quang Nghị - Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Kim Sơn - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Phạm Tất Thắng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương; Trần Sỹ Thanh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội; Ngô Thị Doãn Thanh - Nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nguyên Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương, Nguyên Phó Bí thư Thành ủy, Nguyên Chủ tịch HĐND Thành phố; Nguyễn Văn Phong - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Hữu Độ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Nguyễn Lan Hương - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội; Nguyễn Doãn Toản - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội; Phùng Thị Hồng Hà - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Hà Nội; Nguyễn Ngọc Ân - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam…cùng các đại biểu đại diện các ban, ngành, đoàn thể Trung ương và Thành phố.
Quang cảnh Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Vượt thách thức, tạo dựng chất lượng
Trong diễn văn kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô (1954- 2024), Thành ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương khẳng định sự phát triển của ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội trên hành trình 70 năm truyền thống chính là tấm gương phản chiếu cho sự lớn mạnh của Thủ đô. Trong 70 năm qua, với sự nỗ lực xây dựng, đổi mới, sáng tạo không ngừng của các thế hệ lãnh đạo, nhà giáo và cán bộ; bằng việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô đã có bước phát triển vượt bậc cả về quy mô, chất lượng và hiệu quả, xứng tầm là trung tâm giáo dục lớn; nơi đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực quan trọng cho sự nghiệp xây dựng Thủ đô, đất nước.
Đ/c Trần Thế Cương - Thành ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội
trình bầy diễn văn Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chia sẻ: Những ngày đầu thành lập, toàn ngành có 03 trường mầm non, 96 trường tiểu học, 04 trường phổ thông trung học, chỉ đáp ứng được 20% số trẻ đến trường. Đến nay, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có quy mô lớn nhất cả nước, với 2.913 trường mầm non, phổ thông các cấp, gần 2,3 triệu học sinh, gần 130.000 giáo viên; trong đó có 342 nhà giáo được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân”, “Nhà giáo Ưu tú”. Tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia chiếm gần 80% trường công lập của Thành phố… Mạng lưới trường, lớp ngày càng được mở rộng, cơ sở vật chất được tăng cường đầu tư, từng bước được chuẩn hóa, hiện đại, đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân Thủ đô và yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực trong thời kỳ mới.
Học sinh Thủ đô luôn đạt thành tích cao, đứng đầu cả nước trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Từ năm 2008 đến năm 2024, học sinh Hà Nội đạt gần 2.200 giải thưởng tại các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và 200 Huy chương tại các kỳ thi quốc tế. Hà Nội cũng là một trong 4 tỉnh, thành phố đầu tiên trong cả nước được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông chung toàn Thành phố đạt 99,81%, trong tốp 10 các tỉnh, thành phố đạt kết quả cao nhất…
Ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô đã chủ động mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế với các nước trên thế giới, thu hút, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đem lại từ hợp tác quốc tế cho công tác giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học. Triển khai thực hiện công tác lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Thành phố Hà Nội là “Thành phố học tập” - trở thành thành viên mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu.
Khẳng định kỷ niệm 70 năm không chỉ là cột mốc kỷ niệm, mà còn là cơ hội để khẳng định sứ mệnh và định hướng phát triển của ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội trong tương lai, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương nhấn mạnh: “Toàn ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô hôm nay sẽ tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của lịch sử cách mạng Hà Nội và lịch sử truyền thống của ngành 70 năm qua, luôn ghi nhớ và quyết tâm thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dù có khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt”, đem hết sức mình phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân; quyết tâm thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tô Lâm - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, phấn đấu phát triển sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, trong đó: Lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực và là nguồn lực của sự phát triển; quan tâm đến vấn đề thời gian, trí tuệ, khát vọng, tiềm lực, hội nhập để đưa nền giáo dục đào tạo ngang tầm, theo kịp các nước phát triển với tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc”.
Đ/c Bùi Thị Minh Hoài - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu
Quốc hội thành phố Hà Nội gắn Huân chương Lao động hạng Nhất
lên lá cờ truuyền thống của ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô Tại buổi Lễ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất tặng Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.
Đ/c Bùi Thị Minh Hoài - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu
Quốc hội thành phố Hà Nội trao Huân chương Lao động hạng Nhất
tặng Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Đại diện các Nhà giáo Thủ đô phát biểu tại buổi Lễ, Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang - Chủ tịch Hội đồng Trường Marie Curie chia sẻ những kỷ niệm gắn bó với ngành Giáo dục và Đào tạo và bầy tỏ những tình cảm, sẽ tiếp tục đồng hành cùng với đồng nghiệp xây dựng nhà trường ngày càng phát triển vững mạnh.
Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang - Chủ tịch Hội đồng Trường Marie Curie
phát biểu tại Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô Thay mặt 2,3 triệu học sinh trên địa bàn Thành phố, em Nguyễn Hà Anh - Học sinh lớp 9 Trường Trung học cơ sở Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) bầy tỏ những quyết tâm học tập, rèn luyện tốt để trở thành những công dân có ích cho xã hội, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng Thủ đô, đất nước.
Em Nguyễn Hà Anh - Học sinh lớp 9 Trường THCS Cầu Giấy đại diện học sinh
Thành phố phát biểu tại Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô Xây dựng Hà Nội sớm trở thành trung tâm giáo dục trọng điểm trong nước và khu vực
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã nêu quan điểm về việc phát triển nền giáo dục Hà Nội hướng đến một nền giáo dục thanh lịch. Trong đó, trường học là trường học thanh lịch, thầy cô và học sinh thanh lịch. Ở đó, trường học phải là nơi người học được đảm bảo an toàn. Ở đó, tệ nạn bị tránh xa và ở đó, hiện hữu một môi trường học đường văn hóa tiêu biểu. Quan trọng nhất, ở đó, con người ứng xử với nhau bằng tình yêu thương và trách nhiệm.
Đ/c Nguyễn Kim Sơn - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo
phát biểu tại Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô Với các nhà giáo Thủ đô, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhắn nhủ, nhà giáo là công việc cao quý và vinh dự, nhà giáo Thủ đô càng vinh dự và tự hào. Ngoài những phẩm chất, năng lực, kỹ năng của nhà giáo nói chung để tạo dựng được nền giáo dục Thủ đô thanh lịch, bản thân mỗi nhà giáo càng cần phải tiêu biểu, càng cần phải thanh lịch một cách mẫu mực. Đó là điều rất cao nhưng cũng là kỳ vọng, sự phó thác của ngành và của Thủ đô, mong đội ngũ nhà giáo Thủ đô đã nỗ lực, càng nỗ lực hơn nữa để đáp ứng được sự kỳ vọng lớn đó.
Biểu dương sự nỗ lực và những thành tựu của ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô trong 70 năm qua, trân trọng cảm ơn những đống góp quý giá của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các thầy, cô giáo, học sinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, nhấn mạnh, dù phải trải qua nhiều giai đoạn khó khăn, thử thách, song trong bất cứ hoàn cảnh nào, Hà Nội vẫn luôn là tấm gương điển hình trong sự nghiệp giáo dục đào tạo, phát triển và bồi dưỡng một đội ngũ trí thức đông đảo, đóng góp vào sự phát triển chung của Thủ đô và đất nước.
Đ/c Trần Sỹ Thanh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND
thành phố Hà Nội phát biểu tại Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô Hội nghị Trung ương 10, khóa XIII vừa diễn ra đã thống nhất khẳng định: Việt Nam bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đất nước đang đứng trước thời điểm mang tính bước ngoặt quyết định, trong đó Hà Nội là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa - khoa học - giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, có vị trí xứng đáng ở khu vực và trên thế giới. Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, để làm được điều đó, ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô phải vươn lên phát triển mạnh mẽ và vững chắc hơn nữa. Vì vậy, thời gian tới và ngay từ năm học 2024-2025 này, toàn ngành cần tiếp tục đẩy mạnh và triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.
Về những nhiệm vụ cụ thể, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh đề nghị ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tập trung thực hiện tốt 4 nội dung:
Thứ nhất, Trong thời gian tới, ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô cần chăm lo nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học (bao gồm cả đức, trí, thể, mỹ), làm tốt cả việc dạy chữ, dạy nghề, đặc biệt là dạy người; không ngừng cải tiến cách dạy, cách học; gắn học với hành, trau dồi đạo đức, lối sống, nhằm tạo ra những con người thật sự có đức, có tài, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc.
Thứ hai, Phát động và xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh, tạo sự chuyển biến rõ nét và sâu sắc trong công tác giáo dục tri thức và truyền thống Thăng Long - Hà Nội. Ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cần nâng cao công tác tuyên truyền, giáo dục, hỗ trợ cho gia đình để cùng chung tay ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường, tệ nạn xã hội; quan tâm nhiều hơn, thiết thực hơn tới các học sinh hoàn cảnh khó khăn để học sinh được học tập trong môi trường an toàn, thân thiện, hạnh phúc.
Thứ ba, Tiếp tục hiểu đúng và thực hiện tốt hơn nữa chủ trương xã hội hóa giáo dục, khai thác mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế của toàn xã hội, tạo ra sức mạnh tổng hợp để tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, đáp ứng công tác giáo dục, giảng dạy chất lượng cao.
Thứ tư, Thường xuyên chăm lo công tác xây dựng Đảng, xây dựng Đoàn và thực hiện quy chế dân chủ, công khai trong nhà trường; thực hiện tốt phương châm “Xây dựng nhà trường văn hóa; nhà giáo mẫu mực; học sinh thanh lịch”.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài
và Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo
tặng hoa chúc mừng "Nhà giáo Nhân dân" Nguyễn Trọng Vĩnh “Để sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo Thủ đô ngày càng phát triển, sánh vai với quốc tế, tôi đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể và nhân dân quan tâm, chăm lo nhiều hơn nữa cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo, phát huy và tạo điều kiện tốt nhất cho sự phấn đấu của con em chúng ta. Ngành Giáo dục và Đào tạo tiếp tục quán triệt chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, cùng các cấp ủy Đảng, chính quyền chăm lo cho sự nghiệp trồng người… Phát huy truyền thống nghìn năm văn hiến, những thành tích vẻ vang 70 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, khí thế của đơn vị anh hùng, tôi tin tưởng cán bộ, giáo viên, công nhân viên ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô sẽ tiếp tục đoàn kết, nỗ lực phấn đấu xây dựng Thủ đô không ngừng phát triển lớn mạnh, sớm trở thành trung tâm giáo dục trọng điểm trong nước và khu vực” - Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh bày tỏ.
Các đồng chí Lãnh đạo Trung ương và thành phố Hà Nội
với các "Nhà giáo Nhân dân" và "Nhà giáo Ưu tú" 70 năm qua, với những cố gắng phấn đấu nỗ lực không ngừng, ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô đã vinh dự được nhận nhiều danh hiệu phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước trao tặng, trong đó 2 lần vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất, 1 Huân chương Lao động hạng Nhất.
Tại Lễ kỷ niệm, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã vinh danh 56 Nhà giáo vừa được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân”, “Nhà giáo Ưu tú”./.
Tin bài và ảnh: NGUYỄN BÁ CHÂU
Hội Khuyến học Hà Nội
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://nukeviet.vn là vi phạm bản quyền