Sinh thời Bác Hồ luôn coi trọng giáo dục, ưu tiên giáo dục, luôn quan tâm đến sự nghiệp “trồng người” và Bác nói: “...Không có giáo dục, không có cán bộ, thì cũng không nói gì đến kinh tế-văn hóa” (Hồ chí Minh toàn tập, tập 10, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 2011, trang 345).
Việc đào tạo thế hệ trẻ luôn được quan tâm của cả xã hội, kể cả những lúc chúng ta khó khăn (trong chiến tranh đối với học sinh Miền Nam). Đặc biệt, từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII, trên cơ sở đánh giá thực trạng nền giáo dục của chúng ta cho đến những năm 90 (thế kỷ XX), Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW, ngày 14/01/1993 xác định: “Cùng với khoa học công nghệ, giáo dục là quốc sách hàng đầu; đó là động lực thúc đẩy, là điều kiện cơ bản đảm bảo thực hiện những mục tiêu kinh tế - xã hội xây dựng và bảo vệ đất nước”. Điều này cũng đã được hiến định; khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo đã được nâng lên vị trí mới, luôn được tập trung ngân sách để phát triển.
PGS.TS. Bùi Thị An - Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội phát biểu tại Hội nghị tọa đàm "Một số giải pháp khuyến khích học sinh, sinh viên vượt khó học giỏi"
của Hội Khuyến học và Hội Nữ trí thức Hà Nội phối hợp tổ chức Dân ta có câu: “Không thầy đố mày làm nên” hay như Tổng thống da mầu đầu tiên ở Nam Phi Nelson Mandela đã nói: “Giáo dục là vũ khí mạnh nhất để chúng ta thay đổi thế giới”; giáo dục quan trọng là vậy nhưng làm thế nào để mọi người đều có cơ hội được tiếp cận với giáo dục, được đến trường, được học hành, bởi hiện nay ở nhiều nước trên thế giới nhất là ở Châu Phi, ở những nước chậm phát triển, nhiều em đến tuổi đi học không được cắp sách đến trường, không có cơ hội học tập.
Với nước ta, Đảng và Nhà nước luôn coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, luôn dành ưu tiên cho giáo dục và tạo mọi điều kiện để các em đến tuổi là được đến trường.
Hà Nội - Thủ đô của cả nước, Lãnh đạo Thành phố cũng luôn xác định giáo dục là nhiệm vụ hàng đầu trong việc đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp xây dựng Thủ đô và đất nước; chính vì vậy trong suốt 70 năm qua (kể từ khi giải phóng) Hà Nội đã có gần 3.000 trường, hơn 70.000 lớp với gần 140.000 giáo viên và khoảng 2,2 triệu học sinh các cấp. Đặc biệt những năm gần đây việc đầu tư khá hiện đại cho giáo dục lại càng được Thành phố chú trọng như trong Chương trình số 06-Ctr./TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy, Hà Nội đã dành hơn 2.500 tỷ đồng để xây 05 trường liên cấp (diện tích từ 5 ha trở lên): Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông với trang thiết bị hiện đại. Điều đó chứng tỏ cả hệ thống chính trị của Hà Nội đã vào cuộc chăm lo cho ngành Giáo dục và Đào tạo, biến nhận thức thành kết quả cụ thể.
Tuy vậy, mặc dù kinh tế Thủ đô luôn tăng trưởng, năm sau tăng hơn năm trước, đời sống người dân đã được nâng lên đáng kể nhưng vẫn chưa đồng đều giữa nội và ngoại thành, giữa vùng thành phố và núi cao, giữa vùng công nghiệp phát triển và vùng nông nghiệp đơn thuần.
Trong những năm gần đây, HĐND thành phố Hà Nội liên tiếp ban hành một số Nghị quyết mang tính đặc thù liên quan đến Giáo dục và Đào tạo để có các chính sách hỗ trợ phù hợp và kịp thời cho các em sống trên địa bàn Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh” nhiều em có những hoàn cảnh khó khăn, thậm chí đặc biệt khó khăn bất chợt và bất khả kháng do bị bệnh hiểm nghèo, do thiên tai dồn dập, do tai nạn mà bố mẹ mất sớm, gia đình quá đông con... nên vẫn gặp rất nhiều rủi ro, khó khăn, các em không thể toàn tâm, toàn ý (mặc dù các em có khả năng học tập) dồn cho học tập, mà còn phải chăm lo gia đình và phụ gia đình kiếm sống nên ảnh hưởng chất lượng học tập.
Các đại biểu dự Hội nghị Tọa đàm "Một số giải pháp khuyến khích học sinh, sinh viên
vượt khó học giỏi" của Hội Khuyến học và Hội Nữ trí thức Hà Nội phối hợp tổ chức Hội Khuyến học Hà Nội, trong những năm qua bằng các hoạt động rất đa dạng, nhưng hiệu quả cũng đã hỗ trợ được nhiều em học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vượt lên để học giỏi, duy trì được phong trào học tập trong cộng đồng dân cư trên địa bàn Thủ đô. Song, vấn đề học sinh, sinh viên vượt khó để học giỏi luôn là một vấn đề nóng, là nội dung mà ở trường nào, cấp nào, vùng nào cũng xuất hiện và cần hỗ trợ, giải quyết phải tiếp tục nêu ra, để có những giải pháp hữu hiệu là bệ đỡ cả tinh thần và vật chất khi các em lâm vào cảnh khó khăn, với mục tiêu giữ vững tinh thần để các em học giỏi.
Vậy, phải làm sao và làm như thế nào? Có những giải pháp gì? Xã hộị, gia đình, thầy, cô giáo cần phải làm gì để giúp các em cả về tinh thần và vật chất, để giúp các em học sinh, sinh viên khi khó khăn vẫn vượt lên để học giỏi, cả lâu dài và tình thế, giúp các em ổn định tinh thần, luôn đạt kết quả cao nhất trong học tập và có lẽ đó cũng là con đường duy nhất để sau này không có ai đứng ở phía sau; đó là mục tiêu của cuộc tọa đàm do Hội Khuyến học và Hội Nữ trí thức Hà Nội phối hợp tổ chức; hy vọng sẽ tìm ra được một số giải pháp để các cấp lãnh đạo, các tổ chức đoàn thể, các thầy, cô giáo, các bậc phụ huynh tham khảo giúp các em vượt lên những khó khăn học giỏi?
Tin bài: PGS.TS.BÙI THỊ AN
Chủ tịch Hội Nữ trí thức thành phố Hà Nội
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://nukeviet.vn là vi phạm bản quyền