Ngày 13/6, Hội Khuyến học thành phố Hà Nội tổ chức tọa đàm đẩy mạnh việc xây dựng và nâng cao chất lượng các mô hình học tập giai đoạn 2021-2030.
Tham dự tọa đàm có có đại diện lãnh đạo Ủy ban Nhân dân huyện Ba Vì, lãnh đạo Hội Khuyến học thành phố Hà Nội, lãnh đạo Hội Khuyến học huyện Ba Vì, cùng đại diện các mô hình gia đình, dòng họ, đơn vị, cộng đồng học tập tiêu biểu.
Phát biểu đề dẫn, Chủ tịch Hội Khuyến học thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Ngọc Minh cho biết trong thời gian qua, hội khuyến học từ thành phố đến cơ sở đã tập trung tham mưu với cấp ủy, chính quyền ban hành văn bản lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện về công tác khuyến học - khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Hội khuyến học các cấp đã xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai xuống cơ sở; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền; đa dạng hóa nhiều loại hình hoạt động. Hàng trên (Từ Trái sang phải): Hà Thị Lê Nhung - Chủ tịch HKH quận Đống Đa, Bùi Văn Công - Chủ tịch HKH huyện Mê Linh
Hàng dưới (từ trái sang phải) Nguyễn Thị Hương Giang - Chủ nhiệm CLB Văn hóa thôn Thành Vật, xã Đồng Tiến, huyện Ứng Hòa, Nguyễn Mạnh Thản - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Ao Vua
Hội Khuyến học thành phố Hà Nội đã tập huấn cho những tổ chức thành viên; chủ động phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đoàn thể trong thành phố tổ chức triển khai thực hiện khuyến học - khuyến tài.
Năm 2022, toàn thành phố Hà Nội có trên 1,4 triệu Gia đình học tập, đạt tỉ lệ 67,4%; gần 7.000 Dòng họ học tập, đạt tỉ lệ 59%; trên 4.300 Cộng đồng học tập (cấp thôn, tổ dân phố); trên 2.800 Đơn vị học tập cấp xã; trên 1,5 triệu Công dân học tập, đạt tỉ lệ 27,1%.
Các mô hình học tập đã góp phần nâng cao nhận thức người dân về vai trò của việc học, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, văn hóa đối với các cá nhân, gia đình, dòng họ, đơn vị, cộng đồng. Báo cáo tham luận của các ông bà: (Từ trái sang phải, từ trên xuống dưới) Ông Nguyễn Chí Thành đại diện dòng họ thôn Vân, xã Hợp Thanh, huyện Mỹ Đức, Ông Nguyễn Minh Thiện - Chi hội trưởng khuyến học số 14, phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, Ông Đinh Quang Tâm - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Phú diễn, Chủ tịch Hội khuyến học phường Phú diễn, Bà Trần Thị Minh Nguyệt - Phó Trưởng ban phong trào và thi đua hội khuyến học thành phố Hà Nội, Ông Nguyễn Công Hòa - Chi hội trưởng khuyến học dòng họ Nguyễn Công, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy.
Bên cạnh kết quả tích cực, thực tiễn cho thấy, việc triển khai thực hiện các mô hình học tập trong nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Một bộ phận thủ trưởng đơn vị, cán bộ khuyến học, gia đình, cá nhân chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc về công tác khuyến học - khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Một số dòng họ, cộng đồng mới chỉ quan tâm đến sự học của trẻ em mà chưa quan tâm đến sự học của người lớn, còn lúng túng trong phương thức hoạt động, điều kiện cơ sở vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra của công tác.
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung phản ánh những thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện, tham mưu với cấp uỷ, chính quyền, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể về công tác khuyến học - khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Các ý kiến cũng tập trung chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp, đề xuất, kiến nghị để tổ chức thực hiện nâng cao chất lượng các mô hình học tập trong thời gian tới.
Kết luận tại tọa đàm, Chủ tịch Hội Khuyến học thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Ngọc Minh cho biết, Hội Khuyến học thành phố sẽ tiếp thu ý kiến đề xuất, kiến nghị của các đại biểu chia sẻ hôm nay.
Đồng thời đề nghị đại biểu chắt lọc các phát biểu để áp dụng vào hoạt động của địa phương, đơn vị mình; hội khuyến học cơ sở cần thống nhất nhận thức về tầm quan trọng của sự học và triển khai đồng bộ tại địa phương.
Các cơ quan, đơn vị, dòng họ, gia đình tiếp tục thúc đẩy, nâng cao hiệu quả các mô hình học tập tương ứng. Hội khuyến học cơ sở cần tổ chức tập huấn cho các cán bộ nắm chắc những văn bản, chỉ thị, quyết định về khuyến học - khuyến tài, có kỹ năng, nghiệp vụ phù hợp để đáp ứng yêu cầu công việc đặt ra.
ĐẮC QUANG
Báo Công dân &Khuyến học