Có thể khẳng định rằng, ngoài năng lực tự học, tự bồi dưỡng, tự cố gắng vươn lên trong cuộc sống, mỗi chúng ta ai cũng cần có sự quan tâm nhất định của gia đình, bạn bè, người thân hay của một tổ chức xã hội nào đó. Kết quả học tập của học sinh, sinh viên cũng cần được đánh giá, ghi nhận của mọi người. Trên cơ sở đó, các cháu học sinh, sinh viên sẽ tiếp tục có sự cố gắng nhiều hơn trong học tập. Đó là tâm lý chung của các cháu học sinh, sinh viên. Còn đối với các cháu học sinh, sinh viên còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống thì sự quan tâm của xã hội càng có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với các cháu. Từ sự quan tâm của các cá nhân hay các tổ chức xã hội sẽ là nguồn động viên, khích lệ để các học sinh, sinh viên vượt qua khó khăn vươn lên nhiều hơn trong học tập.

Ông Bùi Văn Công - Uỷ viên Ban Thường vụ Hội Khuyến học Hà Nội,
Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Mê Linh phát biểu tại Lễ kỷ niệm ngày thành lập Hội Ngay từ khi còn đang công tác trong Ngành Giáo dục và Đào tạo, từ khi tôi còn trực tiếp công tác giảng dạy hoặc làm công tác quản lý tại cơ sở, tôi đã tâm niệm một điều rằng, nếu các thầy, cô giáo luôn biết quan tâm giúp đỡ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, thì sẽ tạo cho các em học sinh nói chung và các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn một niềm tin, một động lực cố gắng vươn lên trong học tập. Có một chuyện thực tế, khi tôi làm Hiệu phó một Trường THCS, một học sinh của lớp 6, có kết quả học kỳ I không cao, chỉ đạt ở mức trung bình yếu. Em có hoàn cảnh khó khăn khi bố mẹ bỏ nhau, mẹ phải đi làm xa, em ở nhà với bà ngoại. Thấy hoàn cảnh gia đình khó khăn, em đã xin cô giáo chủ nhiệm nghỉ học và em đã nghỉ chừng hai tuần. Tại hội nghị giao ban của nhà trường, cô giáo chủ nhiệm lớp báo cáo với nhà trường là có học sinh bỏ học. Tôi phân công các thầy, cô trẻ cùng với giáo viên chủ nhiệm đến gia đình tìm hiểu hoàn cảnh thì mới biết hoàn cảnh em vô cùng khó khăn, nên em không muốn đi học nữa để ở nhà giúp bà ngoại. Với trách nhiệm của người vừa làm thầy, vừa làm quản lý, tôi đã tìm cách tiếp cận với em học sinh, động viên em đến trường, có một lý do là em không có tiền đóng học phí. Lúc đó cả xã hội khó khăn, mà em ở trong hoàn cảnh đó thì khó khăn nhân đôi. Tôi bàn với thầy Hiệu trưởng, nhà trường miễn học phí cho em và còn vận động các thầy, cô giáo trong trường hỗ trợ em. Và rồi cuối cùng em cũng trở lại trường trong vòng tay giúp đỡ, động viên của các thầy, cô giáo. Em học tập tiến bộ ngay sau đó, những năm tiếp theo em học tốt và đỗ vào Trường THPT sau khi học hết lớp 9.
Các đồng chí lãnh đạo Huyện Mê Linh trao Giấy khen cho các tập thể,
cá nhân có đóng góp trong phong trào khuyến học khuyến tài của địa phương Tôi đã trao đổi trực tiếp với các thầy, cô giáo Trường THPT và được nhà trường tiếp theo dõi và giúp đỡ em những năm học ở Trường THPT. Em đã đỗ vào Đại học với kết quả cao tại Khoa Cầu đường của Trường Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội. Tại trường em cũng đón nhận sự giúp đỡ của nhà trường, em tốt nghiệp Bằng xuất sắc và nay em làm việc cho một công ty có tiếng, với mức lương cao vài chục triệu đồng. Nhìn lại mới thấy sự quan tâm của nhà trường, của mọi người sẽ tạo dựng cho học sinh, sinh viên có được một niềm tin, một chỗ dựa có thể là vật chất, cũng có thể là tinh thần giúp các em vượt qua khó khăn vươn lên trong học tập để trở thành một người có ích cho xã hội. Nhớ lại những kỷ niệm đó, thầy trò đôi khi gặp nhau, em chỉ nói một câu: “Em luôn và mãi cám ơn thầy, em có được như hôm nay là do thầy kiên quyết không cho em bỏ học”, em nói như vậy thấy lòng mình vui hơn, ý nghĩa quá…Đến khi làm người đứng đầu Ngành Giáo dục và Đào tạo của huyện, từ một chuyện nghề của mình, tôi đã quán triệt tới cán bộ quản lý, giáo viên trong ngành hãy quan tâm nhiều hơn tới các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, hãy tạo điều kiện để các em vươn lên trong học tập. Các nhà trường từ Tiểu học đến THCS luôn dành những phần thưởng, những phần quà bảo trợ cho các em học sinh có hoàn cảnh vươn lên trong học tập. Tôi đã nhấn mạnh một điều rất nhân văn, chúng ta làm được như vậy thì những em học sinh đó sau này sẽ nhớ chúng ta nhất…
Khi nghỉ hưu và được tham gia công tác khuyến học, sau một thời gian tiếp cận với công việc, tôi thấy làm khuyến học tức là làm thế nào để học sinh, sinh viên học tốt nhất, có hiệu quả nhất. Những việc làm chỉ là những lời động viên, những món quà nhỏ bé về vật chất nhưng có một ý nghĩa vô cùng quan trọng nhằm hun đúc ý chí vươn lên của học sinh, sinh viên.
Trong những năm qua, từ Hội Khuyến học Thành phố đến các cấp Hội Khuyến học cơ sở đã làm rất tích cực trong công tác tuyên dương, khen thưởng, động viên các em học sinh, sinh viên có thành tích cao trong học tập. Trong đó có những phần quà dành cho các cháu học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học giỏi. Ban Chấp hành Hội Khuyến học các cấp luôn dành sự ưu tiên đặc biệt cho các đối tượng học sinh, sinh viên như vậy. Hội nghị tuyên dương, khen thưởng của Hội hàng năm luôn dành những phần quà cho các em học sinh, sinh viên vượt khó vươn lên trong học tập.
Hội Khuyến học huyện Mê Linh trao quà cho các em học sinh khuyết tật
và các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại trường Tiểu học Hoàng Kim Các cụ nhà ta nói: “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Do vậy chúng ta, là những người đang làm khuyến học chắc sẽ thấm nhuần điều này để phát huy truyền thống của Hội trong việc quan tâm, động viên, khuyến khích mọi người học nói chung và học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn nói riêng. Đúng với một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và Chính phủ “Không bỏ ai ở lại phía sau”
Qua đây, bản thân tôi thấy những người làm công tác khuyến học, khuyến tài cần làm tốt mấy việc như sau:
Một là: Cần phải làm tốt công tác tuyên truyền để mọi người và mỗi người ngay từ trong gia đình mình, dòng họ mình, khu xóm dân cư mình luôn có ý thức quan tâm tới các cháu học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, đồng thời hãy có nhiều biện pháp kêu gọi mọi người giúp đỡ, tạo điều kiện để các cháu cố gắng vươn lên trong học tập.
Hai là: Cán bộ làm công tác khuyến học, khuyến tài phải tâm huyết, nhiệt tình có trách nhiệm với công việc, sáng tạo trong công tác “Dân vận khéo” để thu hút được sự quan tâm chia sẻ của cộng đồng. Đồng thời, luôn sâu sát với cộng đồng tìm hiểu và tập hợp được các cháu học sinh, sinh viên thuộc diện khó khăn để quan tâm khuyến khích và động viên kịp thời.
Ba là: Hội Khuyến học cần phải phát huy vai trò của Ban Khuyến học các dòng họ nhằm lan tỏa tinh thần khuyến học, khuyến tài nói chung và chăm lo cho các cháu học sinh, sinh viên trong các gia đình còn gặp những khó khăn nói riêng, từ đó Ban Khuyến học trực tiếp thể hiện vai trò quan tâm khuyến khích, động viên các cháu cố gắng vươn lên trong học tập cũng như cuộc sống.
Tin bài: BÙI VĂN CÔNG
Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Mê Linh
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://nukeviet.vn là vi phạm bản quyền