Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: Tầm quan trọng của việc “Học tập suốt đời” trong bối cảnh cách mạng khoa học công nghệ đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu. Ông cho rằng “Học tập suốt đời” giúp mỗi cá nhân dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm và dám hy sinh vì lợi ích chung, từ đó trở thành người có ích cho xã hội.
Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh: “Học tập suốt đời” không phải là vấn đề mới. Ngay sau Cách mạng tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động phong trào toàn dân xóa nạn mù chữ và căn dặn: “Muốn biết thì phải thi đua học. Học không bao giờ cùng. Học mãi để tiến bộ mãi. Càng tiến bộ, càng thấy càng phải học thêm”.
Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm Tổng Bí thư khẳng định: Chỉ khi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện hiệu quả việc “Học tập suốt đời”, xây dựng được đội ngũ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và dám hy sinh, thì đất nước mới vững vàng tiến vào kỷ nguyên phát triển và giàu mạnh.
Thực hiện quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, ngày 15/01/2025, tại UBND huyện Mê Linh, Hội Khuyến học thành phố Hà Nội đã tổ chức Hội nghị kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và phát động phong trào thi đua năm 2025. Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Minh - Uỷ viên Ban Thường vụ Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, Chủ tịch Hội Khuyến học thành phố Hà Nội đã nhấn mạnh: Việc đẩy mạnh phong trào “Khuyến học xanh” và tăng cường chuyển đổi số trong công tác khuyến học, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và đáp ứng yêu cầu của thời đại công nghệ số.
“Khuyến học xanh” là tập trung vào việc chuyển đổi cách thức dạy và học trong các cơ sở giáo dục, áp dụng các phương pháp học tập hiện đại dựa trên công nghệ mới. Mục tiêu là giúp người học tự định hướng, tự học, đáp ứng yêu cầu của chương trình chuyển đổi xanh quốc gia. Ngoài ra, “Khuyến học xanh” còn lồng ghép các vấn đề về biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, sử dụng năng lượng sạch vào nội dung giáo dục, nhằm nâng cao nhận thức và hành động bảo vệ môi trường.
“Khuyến học số” là việc áp dụng công nghệ số trong giáo dục, nhằm nâng cao hiệu quả học tập và giảng dạy. Điều này bao gồm việc sử dụng các công cụ trực tuyến, phần mềm giáo dục và tài nguyên số để hỗ trợ quá trình “Học tập suốt đời”, giúp người học tiếp cận kiến thức một cách linh hoạt và hiệu quả hơn.
Cần phải đẩy mạnh phát triển các mô hình học tập như: “Công dân học tập”, “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Đơn vị học tập”, “Xã hội học tập” để góp phần xây dụng thành phố Hà Nội trở thành “Thành phố học tập”
Ngày 20/3/2025, tại Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quốc Qai, Hội Khuyến học thành phố Hà Nội đã tổ chức Hội nghị Tập huấn một số nội dung mới và nghiệp vụ công tác khuyến học năm 2025 cho toàn thể cán bộ khuyến học của 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Sơn - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến họcViệt Nam về dự và chỉ đạo hội nghị; Tiến sĩ đã đề cập vấn đề: Việc tinh giản cán bộ, sáp nhập địa bàn hành chính cho gọn để tránh cồng kềnh, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, để các cơ quan, đơn vị hoạt động hiệu năng, hiệu lực và hiệu quả. Dù bất cứ hoàn cảnh nào, Hội Khuyến học vẫn tiếp tục thực hiện sứ mệnh của mình đó là “khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập”. Thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như:
Thứ nhất, Thúc đẩy phong trào học tập suốt đời: Vận động người dân tham gia học tập suốt đời, không chỉ trong môi trường trường học mà còn qua các hình thức đào tạo khác; Xây dựng các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập” nhằm lan tỏa tinh thần học tập trong toàn xã hội.
Thứ hai, Hỗ trợ giáo dục và khuyến tài: Huy động nguồn lực xã hội như nhân lực, vật lực, tài lực để cấp học bổng, hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó; Hội Khuyến học Việt Nam có nhiệm vụ trọng tâm trong việc thúc đẩy phong trào học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập và hỗ trợ giáo dục trên nhiều phương diện; Tổ chức các hoạt động tôn vinh học sinh, sinh viên giỏi, khuyến khích phong trào thi đua học tập.
Thứ ba, Phát triển mô hình “Khuyến học xanh” và “Khuyến học số”: Đẩy mạnh giáo dục về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững thông qua “Khuyến học xanh”; Ứng dụng công nghệ thông tin vào giáo dục, mở rộng mô hình “Khuyến học số” để tạo điều kiện học tập trực tuyến, tiếp cận tri thức hiện đại.
Thứ tư 4, Gắn kết với các tổ chức giáo dục và doanh nghiệp: Hợp tác với các trường học, trung tâm giáo dục thường xuyên để mở rộng cơ hội học tập cho mọi đối tượng; Liên kết với doanh nghiệp để đào tạo kỹ năng nghề nghiệp, giúp người lao động nâng cao trình độ.
Thứ năm, Tham mưu, đề xuất chính sách về khuyến học, khuyến tài: Đề xuất chính sách hỗ trợ tài chính cho học sinh nghèo, sinh viên tài năng. Kiến nghị về phát triển giáo dục cộng đồng, nâng cao chất lượng đào tạo thường xuyên.
Thứ sáu, Tổ chức hoạt động tuyên truyền, vận động: Tuyên truyền về tầm quan trọng của “Học tập suốt đời” qua các phương tiện truyền thông; Vận động cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia đóng góp cho Quỹ Khuyến học. Những nhiệm vụ này giúp cho Hội Khuyến học đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển nền giáo dục toàn diện, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài và xây dựng một xã hội học tập vững mạnh, xây dựng Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Tin bài và ảnh: NGÔ THỊ LOAN
Chủ tịch Hội Khuyến học phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://nukeviet.vn là vi phạm bản quyền