Trong quá trình hoạt động cách mạng, từ khi đi tìm đường cứu nước đến lúc đi xa, Hồ Chí Minh luôn đặt giáo dục ở một vị trí đặc biệt. Theo Người: Giáo dục là một trong những phương tiện quan trọng nhất để nâng cao năng lực và phẩm chất của con người, mà trước hết là nâng cao lòng yêu nước và hoàn thiện nhân cách. Giáo dục là một mặt trận quan trọng, không có giáo dục thì không nói gì đến kinh tế - văn hóa. Vì vậy, Hồ Chí Minh luôn quan tâm đặc biệt đến xây dựng và phát triển sự nghiệp giáo dục của đất nước. Người đã để lại cho chúng ta một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về giáo dục và đào tạo trong đó nổi bật là các vấn đề từ vai trò, phương pháp và phương châm giáo dục.
1. Quan điểm của Hồ Chí Minh về vai trò của giáo dục
Giáo dục theo quan điểm của Hồ Chí Minh sẽ tạo ra tính liên tục của cách mạng. Với việc nâng cao dân trí, nhân dân sẽ biết quyền lợi, bổn phận, có kiến thức mới để tham gia vào công việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hồ Chí Minh cho rằng thiện, ác không phải là tính sẵn của con người. Giáo dục tạo ra nhân cách và từng bước hoàn thiện con người. Nói về vai trò của giáo dục, điều đã được đề cập quá nhiều mà người ta dễ sa vào những triết lý chung chung, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn có cách đánh giá riêng với các lập luận của mình. Ở Chủ tịch Hồ Chí Minh, vai trò của giáo dục thường gắn với sự phân tích khác liên quan tới hoạt động diễn ra trong cuộc sống. Nhờ vậy, vai trò của giáo dục luôn có ý nghĩa thực tiễn cụ thể. Đó chính là nét sáng tạo trong tư tưởng của Người.
Vai trò của giáo dục được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ là nhằm phát triển toàn diện con người Việt Nam, một nền giáo dục vì con người, cho con người và hướng tới việc xây dựng con người mới - con người xã hội chủ nghĩa. Trong thư gửi các học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định nền giáo dục mới sẽ “đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”.
Nền giáo dục mới phải thực hiện dạy và học theo hướng phục vụ Tổ quốc và nhân dân. Vai trò này được Chủ tịch Hồ Chí Minh diễn đạt là “Học để làm việc, để làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”. Từ đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng việc dạy và học phải xuất phát từ nhu cầu của thực tiễn cuộc sống. Nói chuyện tại Đại hội Giáo dục phổ thông toàn quốc (23/3/1956), Người động viên các thầy, cô giáo: “Dạy và học cần phải theo nhu cầu của dân, của Nhà nước.Thầy dạy tốt, trò học tốt, cung cấp đủ cán bộ cho nông nghiệp, công nghiệp, cho các ngành kinh tế và văn hóa. Đó là nhiệm vụ vẻ vang của các thầy giáo, cô giáo”. Trong thư gửi các cháu lưu học sinh Việt Nam học ở Mát-xcơ-va (19/7/1955), Người căn dặn: “Các cháu học kỹ thuật và học tiếng Nga cần nhận rõ mình học cốt để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân”. Về sau, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần chỉ rõ vai trò của giáo dục là phát triển toàn diện con người để giúp đời, phụng sự Tổ quốc và nhân dân.
2. Quan điểm của Hồ Chí Minh về phương châm, phương pháp giáo dục
Phương châm giáo dục
Một vấn đề lớn thuộc phương châm giáo dục là giáo dục phải phù hợp với lứa tuổi và điều kiện thực tế. Đây thực sự là một khoa học. Chẳng hạn giáo dục thiếu nhi mà gò ép vào khuôn khổ của người lớn, làm cho chúng hóa ra những “người già sớm” là phản khoa học. Phù hợp với lứa tuổi cả nội dung và phương pháp. Và điều này liên quan tới nhiệm vụ của mỗi cấp giáo dục: “Đại học thì cần kết hợp lý luận khoa học với thực hành... Trung học thì cần đảm bảo cho học trò những tri thức phổ thông chắc chắn, thiết thực... Tiểu học thì cần giáo dục cho các cháu thiếu nhi: yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, trọng của công...”.
Liên quan tới vấn đề phù hợp với lứa tuổi, Hồ Chí Minh rất quan tâm tới việc “uốn cây từ lúc còn non, đừng để cho tâm hồn các cháu bị vẩn đục vì chủ nghĩa cá nhân”. Nhận thức và giải quyết vấn đề như vậy thuộc về quy luật của giáo dục. Bởi vì “Một năm khởi đầu từ mùa xuân, cuộc đời bắt đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”.
Theo Hồ Chí Minh: “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi”. Người nói và tự nêu gương về việc học: “Tôi năm nay đã 71 tuổi, ngày nào cũng phải học… công việc cứ tiến mãi. Không học thì không theo kịp, công việc nó sẽ gạt mình lại phía sau”. Người cũng nhắc lại lời của Lênin: Học, học nữa, học mãi, “còn sống còn phải học”, “học suốt đời”.
Phương pháp giáo dục
Một phương pháp quan trọng là phải giúp đỡ lẫn nhau, đoàn kết gắn bó với nhau, tự phê bình và phê bình trong học tập. Chúng ta đang sống trong thời đại của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ nếu tự mình - dù có tài giỏi đến mấy - cũng không thể am hiểu được mọi lĩnh vực. Khẩu hiệu đoàn kết không chỉ có giá trị bền vững trong chính trị, mà còn có ý nghĩa to lớn trong giáo dục. Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng phương pháp giáo dục. Người nhấn mạnh, muốn học tập có kết quả tốt thì phải có phương pháp giáo dục đúng đắn. Mục đích là làm cho người học có thái độ học tập, rèn luyện tích cực và tự giác, có như vậy việc tiếp thu nội dung giáo dục mới nhanh chóng, hiệu quả, đạt mục tiêu.
Ngay từ những ngày còn dạy học ở Trường Dục Thanh (Phan Thiết), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chú ý áp dụng phương pháp giáo dục “Học phải suy nghĩ, học phải liên hệ với thực tế, phải có thí nghiệm và thực hành. Học với hành phải kết hợp với nhau”. Theo Người, học phải gắn với hành, học mà không hành, không áp dụng vào thực tế khác nào chiếc hòm đựng đầy sách, hành mà không học thì hành không trôi chảy. Người cho rằng: “Một người học xong đại học, có thể gọi là có trí thức. Song y không biết cày ruộng, không biết làm công, không biết đánh giặc, không biết làm nhiều việc khác. Nói tóm lại: Công việc thực tế, y không biết gì cả. Thế là y chỉ có trí thức một nửa. Trí thức của y là trí thức học sách, chưa phải là trí thức hoàn toàn. Y muốn thành người trí thức hoàn toàn, thì phải đem cái trí thức đó áp dụng vào thực tế”.
Người phân tích: “Lý luận phải đem ra thực hành. Thực hành phải nhằm theo lý luận. Lý luận cũng như cái tên (hoặc viên đạn). Thực hành cũng như cái đích để bắn. Có tên mà không bắn, hoặc bắn lung tung, cũng như không có tên. Lý luận cốt để áp dụng vào thực tế. Chỉ học thuộc lòng, để đem loè thiên hạ thì lý luận ấy cũng vô ích. Vì vậy, chúng ta phải gắng học, đồng thời học thì phải hành”.
Quán triệt tư tưởng của Người, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, giáo dục nước nhà trong những năm qua đã đạt được nhiều thành tựu, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Để có thể xây dựng một nền giáo dục Việt Nam hiện đại, hội nhập thế giới, chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc những lời căn dặn của Hồ Chí Minh về giáo dục. Đây cũng chính là nền tảng tư tưởng để Đảng và Nhà nước để xây dựng chiến lược phát triển Việt Nam trong thời đại mới, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Nhận thức được vị trí, vai trò của giáo dục đối với cách mạng Việt Nam, kế thừa tư tưởng giáo dục Hồ Chí Minh, Đảng ta luôn xác định “giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là nền tảng và động lực của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”. Do đó, phải không ngừng đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và tăng cường cơ sở vật chất của các nhà trường, phát huy khả năng sáng tạo và độc lập suy nghĩ của người học. Coi trọng bồi dưỡng cho học sinh, sinh viên có khát vọng mãnh liệt xây dựng đất nước giàu mạnh, gắn liền lập nghiệp bản thân với tương lai của cộng đồng, của dân tộc, trau dồi cho học sinh, sinh viên bản lĩnh, phẩm chất và lối sống của thế hệ trẻ Việt Nam hiện đại.
Tài liệu tham khảo:
Hồ Chí Minh (2011),
Toàn tập, tập 1, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
Hồ Chí Minh (2011),
Toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
Hồ Chí Minh (2011),
Toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
Hồ Chí Minh (2011),
Toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
Phạm Minh Hạc (1990),
Tư tưởng giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
Sơn Tùng (2009), Búp sen xanh, Nxb. Văn học, Hà Nội.
Tạp chí Tuyên giáo – Ban Tuyên giáo Trung ương: https://www.tuyengiao.vn/
BAN KHUYẾN HỌC
Trường Đại học Mở Hà Nội
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://nukeviet.vn là vi phạm bản quyền