Bác Hồ, lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam ta là một nhà giáo dục lớn. Người đã nêu một tấm gương sáng về quan điểm giáo dục, về tầm quan trọng của giáo dục; một tấm gương sáng về sự tự học, học tập suốt đời.
Hồ Chí Minh coi giáo dục là một trong những mục đích sống, mục đích hoạt động Cách mạng của đời mình, của dân tộc, của Đảng CSVN quang vinh. Trả lời một nhà báo nước ngoài (tháng 1/1945), Bác nói: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành…”
Ngay sau ngày tuyên bố độc lập 2/9/1945, tại phiên họp Chính phủ Lâm thời đầu tiên, chủ tịch Hồ Chí minh đã trình bày 6 nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, trong đó có nhiệm vụ chống nạn mù chữ. Người nói: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Vì vậy tôi đề nghị mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ.”.
Người đánh giá cao vai trò của tuổi trẻ (những công dân tương lai của đất nước). Trong thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Người viết: “Non sông Việt Nam có trờ nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Trong di chúc để lại cho muôn đời sau của mình, Ngườì nhắc: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.
Người thường dạy: “Người không học thì như đi ban đêm không có đèn, không có gậy, dễ vấp té”(1); “Đồng bào bây giờ phải biết chữ hết để trả lời cho thế giới biết nước ta là nước văn minh, ai cũng biết chữ” (2)
Với Bác Hồ, con người ta sinh ra, không ai tự nhiên mà thành người giỏi giang, tài năng. “Phần nhiều do giáo dục mà nên”; phải “gian nan rèn luyện mới thành công” được . Với một quốc gia cũng vậy, không có dân tộc nào, đất nước nào là “mọi rợ”, hèn kém. Chỉ là do giáo dục, sự học chưa được phát triển, chưa được chú trọng hoặc bị kìm hãm. Trong một bài báo, Bác viết: “Khi xưa, Pháp cai trị nước ta, chúng thi hành chính sách ngu dân. Chúng hạn chế mở trường học, chúng không muốn cho dân ta biết chữ để dễ lừa dối dân ta và bóc lột dân ta”(3). Bác dạy: “Dốt nát cũng là kẻ địch. Địch dốt nát giúp cho địch ngoại xâm. Địch dốt nát tấn công ta về tinh thần, cũng như địch thực dân tấn công ta bằng vũ lực”(4).
Về mục đích của việc học tập, Bác nêu rất ngắn gọn nhưng thật đầy đủ “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại…” (5)
Với mục đích của việc học như thế thì nội dung học phải toàn diện. Người nhắc: “Trong giáo dục, không những phải có tri thức phổ thông mà phải có đạo đức cách mạng.” (6); “Phải giáo dục cho các cháu đạo đức cộng sản, biết yêu nước, yêu đồng bào, yêu lao động, yêu kỷ luật” (7). Ngay cả ở các lớp Bình dân học vụ, người cũng nhắc: “…phải dạy thêm lịch sử, địa dư, làm tính, khoa học thường thức…” (8) .Sự nghiệp giáo dục là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân. Trong đó, nhà trường là trung tâm; các cô giáo, thầy giáo là những người gánh vác trách nhiệm “rất nặng nề nhưng rất vẻ vang”. Bác nhắc các cô giáo, thầy giáo: “Muốn làm tròn nhiệm vụ đó thì phải luôn luôn gương mẫu về mọi mặt, không ngừng bồi dưỡng đạo đức cách mạng, lập trường chính trị, phải ra sức đoàn kết giúp đỡ nhau cùng tiến bộ” (9).
Giáo dục quan trọng đối với đời sống, đối với công cuộc kiến quốc như thế nên mỗi người phải gắng sức tu rèn, nâng cao trình độ. Nhưng học không phải chỉ là việc nhất thời, trước mắt, tự thỏa mãn với sự hiểu biết của mình. “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi. Thế giới ngày nay đổi mới, nhân dân ta ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp nhân dân” (10). Bác Hồ nhắc nhở cán bộ, Đảng viên và nhân dân: “Chúng ta phải học và hoạt động cách mạng suốt đời. Còn sống thì còn phải học, còn phải hoạt động cách mạng” (11)
Chủ tịch Hồ Chí Minh, theo tôi nghĩ, là một lãnh tụ hiếm thấy trên thế giới thấy rõ tầm quan trong của giáo dục đối với quốc dân, là người có sự quan tâm đặc biệt đối với sự nghiệp giáo dục.
Trong suốt cuộc đời sống, làm việc, hoạt động cách mạng của mình, công việc đầu tiên Bác làm là làm giáo dục: Bác dạy học ở trường Dục Thanh (trường giáo dục thanh niên) từ tháng 9/1910 đến tháng 2/1911. Văn bản chính thức đầu tiên trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng của mình đã nói về giáo dục: đó là bản Yêu sách của nhân dân An Nam do Nguyễn Ái Quốc thay mặt nhóm người Việt Nam yêu nước tại Pa-Ri gửi đến hội nghị Véc-Xây năm 1919, trong đó có mục 6: “Quyền tự do học tập, thành lập các trường kỹ thuật và chuyên nghiệp ở tất cả các tỉnh cho người bản xứ học”; Văn bản (tôi nghĩ là Di Chúc) cuối cùng của đời mình của Người là văn bản về giáo dục. (Thư gửi cán bộ, cô giáo, thầy giáo, công nhân, nhân viên, học sinh các cấp Mẫu giáo, Phổ thông, Bổ túc văn hóa, Trung học chuyên nghiệp, Đại học nhân dịp khai giảng năm học 1968-1969 đề ngày 15/10/1968. Di chúc gửi toàn Đảng, toàn Dân của Người được bắt đầu viết từ ngày 15/5/1965).
Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước với “hai bàn tay trắng”. “Vốn liếng” của Người về “Con đường cứu nước”, về “Con đường Cách mạng”, về “Chủ nghĩa Cộng sản”,… gần như là con số không. Nhưng rồi bằng con đường tự học, Người trở thành nhà Cách mạng lỗi lạc, uyên thâm về lý luận cách mạng, chỉ ra đường lối đúng đắn cho cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác và đến thắng lợi hoàn toàn: Giải phóng, Giành độc lập tự do cho đất nước, đưa đất nước tiến lên trên con đường Cách mạng XHCN; góp phần vào việc đấu tranh vì độc lập tự do của các nước trên thế giới. Được tôn vinh là Danh nhân văn hóa thế giới.
Thời gian hoạt động ở Anh, ở Pháp, Bác thường xuyên đến thư viện đọc sách(12). Bác tự học ngoại ngữ để phục vụ cho hoạt động của mình. Trong lý lịch ghi: Bác biết các thứ tiếng Pháp, Anh, Trung Quốc, Ý, Đức, Nga. Ngoài ra, Bác nói được tiếng Xiêm. Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ấn Độ, Ả Rập và nhiều thứ tiếng của dân tộc thiểu số người Việt Nam.
Ở Pháp, Bác tập nghề làm ảnh để kiếm sống; tập viết báo, làm báo để tuyên truyền, đấu tranh.
Là người coi trọng hoạt động giáo dục, thấy rõ vai trò đặc biệt quan trọng của giáo dục trong sự nghiệp Cách mạng, Bâc Hồ rất chú trọng đến hoạt động khuyến học, khuyến tài.
Trong một bài báo (báo Cứu quốc, số 411, ra ngày 20/11/1946), Bác viết: “Trong 20 triệu đồng bào, chắc không thiếu người có tài, có đức…các địa phương phải lập tức điều tra, nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân thì phải báo cáo ngay cho chính phủ biết. Hạn trong một tháng, các cơ quan địa phương phải báo cáo cho đủ”
Bác thường nhắc nhở: “Học hành là vô cùng, học càng nhiều, biết càng nhiều càng tốt”; “…Học không bao giờ cùng. Học mãi để tiến bộ mãi. Càng tiến bộ càng thấy càng phải học thêm” (14); “Chúng ta phải học và hoạt động Cách màng suốt đời. Còn sống thì còn phải học, còn phải hoạt động cách mạng” (14).
Bác chăm chú đọc các bài báo viết về những gương học tốt, dạy tốt, gạch chân những câu quan trọng, ghi tặng huy hiệu của Người cho các tấm gương dũng cảm, gương vượt khó học tập,, gương cô giáo, thầy giáo hết lòng vì học sinh. Bác trực tiếp viết nhiều bài báo nêu gương thầy cô giáo , học sinh có thành tích tốt trong giáo dục, giảng dạy, học tập; gửi thư thăm chúc cụ Vi Văn Đàng, 120 tuổi “vẫn hăng hái đi học chữ quốc ngữ”(15). Thật cảm động khi Bác bận trăm công ngàn việc như thế mà đã dành thì giờ có hàng trăm cuộc đến thăm các cơ sở giáo dục, từ lớp BDHV, lớp mẫu giáo,, trại hè thiếu nhi, lớp học sinh mền Nam đến lớp bồi dưỡng giáo viên, hội thảo khoa học ở các trường đại học, hội nghị đội ngũ trí thức,…
Tấm gương hết lòng vì sự nghiệp giáo dục, tấm gương tự học, học suốt đời của Bác thật rất cần thiết để cho mọi người học tập, noi theo, để tự nâng cao trình độ hiểu biết, tự tu rèn bản thân.
Tôi tâm nguyện điều đó và cả đời thực hiện điều đó.
Khi còn đi học, tôi luôn cố gắng vươn lên phấn đấu trở thành trò giỏi, trò ngoan. Suốt các năm học tập, tôi đều là học sinh giỏi; là cán bộ Đội, cán bộ Đoàn xuất sắc, được thầy yêu, ban mến; tôi cũng hòa vào phong trào diệt dốt, tham gia dạy các lớp BDHV, BTVH ở địa phương.
Năm 1959, tôi xung phong lên miền núi Hà Giang dạy học. Tôi tận tâm với công việc dạy dỗ học sinh các dân tộc ở Hà Giang; Xây dựng thành công trường Đồng Tâm trở thành trường lá cờ đầu tỉnh Hà Giang (tôi là hiệu trưởng ).
Suốt những năm còn công tác, tôi luôn xây dựng cho mình chương trình tự học tập, vươn lên, và luôn cố gắng thực hiện chương trình đã đặt ra.
Hiện nay, dù đã về nghỉ công tác, tuổi đã cao, tôi vẫn không ngừng học hỏi. Hàng ngày, tôi có thói quen xây dựng và thực hiện thời gian làm việc, học tập có nền nếp. Tôi tập sử dụng máy tính, học chữ Hán, tập dịch thơ chữ Hán cuả Bác Hồ, tập làm thơ. Tôi đã tự in và được nhà xuất bản Hội Nhà văn cho in 6 tập thơ và lý luận về văn thơ; tập hợp văn sở và một số văn bản hán nôm cổ của làng Bình Vọng. Năm 1999, tôi đứng ra xây dựng được thư viện làng Bình Vọng - thư viện là một điểm sáng về văn hóa đọc của thành phố Hà Nội, có 11 nghìn bản sách, tạp chí; thu hút được gần một trăm người dân tham gia hoạt động hàng ngày; đã có hàng nghìn lượt độc giả mỗi năm đến mượn và đọc sách báo. Thư viện đã góp phần xây dựng xã hội học tập, góp phần giúp mọi người dân tự học tập suốt đời. Tôi dự các lớp huấn luyện thể dục dưỡng sinh, về mở lớp dạy cho người cao tuổi trong xã và hàng chục xã bạn
Tôi luôn là thành viên tích cực của hội khuyến học, hội đồng giáo dục xã, đóng góp vào việc duy trì phát triển hoạt động của hội KH, HĐGD xã và huyện.
Gia đình tôi hiện có 8 người từng công tác trong ngành giáo dục (hai đã nghỉ hưu), có 1 tiến sĩ, 3 thạc sĩ, 2 cháu đã tốt nghiệp đại học, 3 cháu đang học đại học, hai cháu đang học phổ thông TH đều là học sinh giỏi. Có cháu từng là học sinh giỏi thành phố được đi dự hội nghị công dân tiêu biểu thành phố Hà Nội.
Gia đình tôi được công nhận là gia đình học tập tiêu biểu cấp thành phố. DƯƠNG VĂN PHI
Thôn Bình Vọng, Xã Văn Bình,
Thường Tín, Hà Nội
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://nukeviet.vn là vi phạm bản quyền