“Ôi lòng Bác vậy, cứ thương ta
Thương cuộc đời chung, thương cỏ hoa
Chỉ biết thương người cho hết thảy
Nhưng dòng sông chảy nặng phù sa”
Tố Hữu
Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến đến công tác khuyến học, khuyến tài và nhiệm vụ học tập suốt đời. Bởi Người thấu hiểu được vị trí, vai trò, ý nghĩa của công tác khuyến học, khuyến tài và nhiệm vụ học tập suốt đời đối với vận mệnh, tương lai của mỗi người, cũng như sự hưng thịnh, hùng cường của quốc gia, dân tộc.
Năm 2022, toàn Đảng, toàn dân tổ chức Lễ kỷ niệm 132 năm ngày sinh của Chủ tịch Hổ Chí Minh. Đây là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân, các thế hệ đi sau ôn lại những kỷ niệm đẹp về Người; tự soi rọi, thấm nhuần hơn nữa những tư tưởng của Người, trong đó có tư tưởng về khuyến học, khuyến tài và nhiệm vụ học tập suốt đời. Bác chỉ dạy: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Thực hiện lời dạy của Người, trong những năm qua, công tác khuyến học, khuyến tài tiếp tục được đẩy mạnh đã góp phần to lớn trong việc giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ trở thành những thế hệ cách mạng; trong việc đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; trong việc xây dựng xã hội học tập tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển đất nước.
1. Tư tưởng Hồ Chí Minh với công tác khuyến học, khuyến tài và nhiệm vụ học tập suốt đời
Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác khuyến học, khuyến tài là một tư tưởng nhân văn và tiến bộ, là một trong những di sản quý báu mà Người để lại cho chúng ta. Ngay từ những ngày đầu lập nước, một trong những nhiệm vụ quan trọng, cấp bách đầu tiên mà Người thực hiện là “diệt giặc dốt”, xóa nạn mù chữ, mở mang dân trí cho nhân dân. Với quan điểm “giáo dục là sự nghiệp của quần chúng”. Người đã động viên, khuyến khích mọi tầng lớp nhân dân phát huy truyền thống “hiếu học”, đoàn kết, tích cực tham gia học tập, nâng cao dân trí để tham gia công cuộc kiến thiết nước nhà. Tính nhân văn, tiến bộ của chính sách khuyến học, khuyến tài đã lan tỏa, cổ vũ và lôi cuốn sự tham gia của mọi giai tầng, ở mọi lứa tuổi tạo nên sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ, sôi nổi, sâu rộng trong toàn xã hội. Thông qua phong trào không chỉ nạn mù chữ được xóa bỏ, trình độ dân trí được nâng lên, mà còn thu hút được nhiều lực lượng trí thức tham gia gánh vác việc nước.
Cả cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực, sáng ngời về tinh thần tự học, học tập suốt đời. Bằng tinh thần tự học mà người làm chủ 29 ngoại ngữ. Là danh nhân văn hóa thế giới. Động cơ, mục đích học tập của Người là giải phóng dân tộc, là giành độc lập, tự do cho nhân dân, là để phụng sự tổ quốc, phục vụ nhân dân. Tinh thần tự học ở Người là sự kết tinh cao nhất của truyền thống “hiếu học”; là minh chứng sinh động nhất, tấm gương sáng ngời nhất, thuyết phục nhất cho thế hệ chúng ta học tập và noi theo. Cả cuộc đời của Người, không chỉ bằng lời nói, mà bằng những việc làm cụ thể, thiết thực mà tạo ra sức lan tỏa cho tinh thần “xã hội học tập” mà sự nghiệp giáo dục nước ta ngày nay đang kế tục và phát triển.
Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác khuyến học, khuyến tài và nhiệm vụ học tập suốt đời là một trong những di sản quý báu mà Người để lại cho toàn Đảng và toàn dân ta. Tư tưởng này đã đặt nền móng cho chiến lược coi giáo dục là “Quốc sách hàng đầu” của Đảng và Nhà nước ta hiện nay. Trong thực tiễn, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra nhiều đường lối, chính sách cụ thể, thiết thực đối với công tác khuyến học, khuyến tài, phát triển giáo dục. Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII chỉ rõ: cần “Phát triển mạnh phong trào tự học, tự đào tạo thường xuyên và rộng khắp trong toàn dân nhất là trong thanh niên”. Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 11-CT/TW ngày 13/4/2007 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, trong đó xác định xây dựng xã hội học tập là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, là mục tiêu cơ bản trong chiến lược chấn hưng và phát triển giáo dục của nước ta. Hội nghị Trung ương 8 khóa XI đã thông qua Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013, về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đề cao nhiệm vụ hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập. Những đường lối và chính sách này đã góp phần to lớn trong việc giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ trở thành những thế hệ cách mạng; góp phần đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, xây dựng xã hội học tập, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển đất nước.
2. Sự vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác khuyến học, khuyến tài và nhiệm vụ học tập suốt đời ở nhà trường hiện nay.
Trong quá trình xây dựng và phát triển, nhà trường luôn chú trọng, quan tâm công tác khuyến học khuyến tài. Với tinh thần coi công tác khuyến học khuyến tài vừa là nhiệm vụ vừa là trách nhiệm cao cả, nhà trường đã không ngừng đổi mới phương thức thực hiện, đưa công tác khuyến học khuyến tài đi vào chiều sâu. Đến nay, công tác khuyến học khuyến tài của nhà trường đã đạt được kết quả quan trọng, góp phần giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ trở thành những thế hệ cách mạng; góp phần đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, xây dựng xã hội học tập.
Công tác khuyến học khuyến tài ở nhà trường đã góp phần giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ trở thành những thế hệ cách mạng. Quán triệt tư tưởng về đào tạo con người phát triển toàn diện vừa có “đức” vừa có “tài”, trong những năm qua, cùng với việc chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo, nhà trường luôn quan tâm công tác bồi dưỡng, giáo dục đạo đức, chính trị, tư tưởng cho các thế hệ học sinh và cán bộ, giáo viên, nhân viên trong toàn trường. Thông qua nhiều hình thức khác nhau: từ hoạt động giảng dạy đến các hoạt động ngoại khóa; thông qua các chương trình giao lưu, học hỏi, tham quan; các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn; các hoạt động ủng hộ, tình nguyện, đền ơn đáp nghĩa… các hoạt động này đã thu hút sự tham gia tích cực của toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và các em học sinh trong trường. Qua đó, đã góp phần giáo dục niềm tin, lý tưởng cho các thế hệ học sinh, cán bộ, giáo viên và nhân viên vào đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội; góp phần bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc; góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của mọi người đối với cộng đồng, với xã hội, đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Từ các phong trào hoạt động của nhà trường, xuất hiện nhiều đoàn viên thanh niên trẻ tiêu biểu, những tấm gương nổi bật trong nhiều lĩnh vực hoạt động như: Giảng dạy, học tập, tình nguyện, văn hóa thể thao… Những đoàn viên ưu tú này được cử đi học các lớp bồi dưỡng nâng cao nhận thức và rất nhiều trong số đó được kết nạp, đứng trong hàng ngũ của Đảng. Đây thực sự là lực lượng trẻ, tiên phong, xung kích trong các phong trào của nhà trường, cũng như trong các hoạt động chung của cộng đồng, xã hội.
Để góp phần xây dựng xã hội học tập và thực hiện nhiệm vụ học tập suốt đời theo tư tưởng Hồ Chí Minh, trong thời gian tới, nhà trường tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ cơ bản sau:
- Nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của nhiệm vụ học suốt đời theo tư tưởng Hồ Chí Minh và sự phát triển trong quan điểm xây dựng xã hội học tập của Đảng và Nhà nước ta hiện nay. Thông qua các hình thức tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của nhiệm vụ học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập; Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời theo tư tưởng Hồ Chí Minh: học đi đôi với hành, học ở mọi nơi, mọi lúc, học để phục vụ tổ quốc.
- Tiếp tục thực hiện các chỉ thị, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về thực hiện nhiệm vụ học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập.
- Tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên toàn diện: Giỏi về chuyên môn, chuẩn về trình độ, tâm huyết với nghề, có tinh thần trách nhiệm cao trong mọi công việc.
- Đẩy mạnh bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực nâng cao năng lực chuyên môn; thành thạo ngoại ngữ, công nghệ thông tin và kỹ năng sống để đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong tình hình mới.
- Tổ chức, duy trì thường xuyên các phong trào thi đua về học tập, chuyên môn. Đổi mới trong công tác tổng kết thi đua khen thưởng: khách quan, đúng đối tượng và kịp thời; Đẩy mạnh tuyên truyền, nêu gương, điển hình tiên tiến, tấm gương tiêu biểu về học tập suốt đời, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng xã hội.
- Đặc biệt quan tâm phát hiện tài năng trẻ trong nhà trường để tiến hành bồi dưỡng và đào tạo.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác khuyến học, khuyến tài và nhiệm vụ học tập suốt đời là một trong những di sản quý báu mà Người để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta. Nghiên cứu tư tưởng của Người cho thấy vị trí, vai trò của giáo dục và đào tạo, của công tác khuyến tài đối với việc bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau, đối với công tác đào tạo nhân lực bồi dưỡng nhân tài cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, đối với sự hưng thịnh của quốc gia dân tộc.
Tinh thần tự học, tự rèn luyện của Người là tấm gương mẫu mực, sáng ngời cho thế hệ trẻ noi theo, để họ không ngừng rèn đức, luyện tài, tu dưỡng về mọi mặt để thực sự trở những công dân có ích cho xã hội, đóng góp vào phát triển phồn vinh của quê hương, đất nước. HOÀNG THỊ THU HUYỀN
Thôn Vạn Lộc, xã Xuân Canh, Đông Anh, Hà Nội
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://nukeviet.vn là vi phạm bản quyền