Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Việc Dân vận rất quan trọng, Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Đối với phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập là càng thiết thực vì đó là một phong trào chỉ có tập trung vào vận động mọi người dân tham gia chứ không có một chút gì về việc dùng mệnh lệnh, chế tài để băt buộc. Phải vận động làm sao cho đối tượng hiểu được vấn đề, có nhận thức đúng đắn, từ đó tự nguyện, tự giác tham gia thực hiện. Chính vì vậy, Hội khuyến học Thành phố hà Nội đã triển khai chuyên đề “Dân vận khéo “ trong mấy năm qua. Hôm nay, ngày 25/8/ 2022, lại tiếp tục tổ chức hội nghị tọa đàm chuyên đề “dân vận khéo” nhằm nâng cao nhận thức về chuyên đề, trao đổi cách thức, kinh nghiệm dân vận mang lại hiệu quả cao trong phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn dân cư.
Tới dự hội nghị tọa đàm có hơn 100 cán bộ khuyến học các quận huyện, thị xã, các địa bàn xã phường, thôn tổ. bà Nguyễn Thị Ngọc Minh - Ủy viên Thường vụ Hội khuyến học Việt Nam, Chủ tịch Hội khuyến học Thành phố Hà Nội đã chủ trì buổi hội thảo. Bà Lê Thanh Thủy trình bày báo cáo Bà Lê Thanh Thủy - Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban phong trao và thi đua Hội khuyến học Thành phố Hà Nội đã trình bày Báo cáo chuyên đề: “Dân vận khéo trong vận động nhân dân tham gia phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn dân cư” năm 2022.
Công tác “Dân vận khéo” trong năm 2022 có nhiều giải pháp, cách làm vận dụng phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, được đông đảo nhân dân đồng tình, tích cực ủng hộ tham gia.
Dân vận khéo đã đem lại kết quả trong việc duy trì ổn định tiếp tục phát triển nâng cao cả về số lượng và chất lượng công tác tổ chức cán bộ và hội viên khuyến học. Các mô hình gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập và đơn vị học tập đã dần đi vào nền nếp, trở thành việc làm thường xuyên, ý nghĩa trong nhân dân. Mô hình “Công dân học tập” triển khai thí điểm đã đạt được kết quả bước đầu, gây sự chú ý tìm hiểu và tham gia ý kiến của người dân về Bộ tiêu chí “Công dân học tập”. Phong trào học tập trong cộng đồng với các loại hình học tập bổ ích, thiết thực, đáp ứng nhu cầu nắm bắt thông tin, kiến thức học và rèn luyện kỹ năng hữu ích cho cuộc sống.
Dân vận khéo đã góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân trên địa bàn, đây chính là một hoạt động quan trọng để thực hiện mục tiêu cơ bản trong việc thực hiện các Chủ trương, Nghị quyết của Đảng, Nhà nước về xây dựng xã hội học tập. Khích lệ, động viên phong trào học tập của người lớn ngày càng phát triển mạnh ở các chi hội. Phong trào học tập suốt đời trong nhân dân được lan tỏa rộng rãi, ý thức chấp hành pháp luật, các quy định của địa phương có chuyển biến tích cực, việc học tập của con, cháu và người lớn trong mỗi gia đình, mỗi cơ quan đơn vị được chú trọng nhiều hơn.
Tuy nhiên, Một số Hội Khuyến học thành viên và cơ sở chưa chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền lãnh đạo chỉ đạo xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện chuyên đề “Dân vận khéo”. Công tác tuyên truyền vận động, dù có có cố gắng song vẫn còn hạn chế, chưa đạt được yêu cầu mong muốn.Một số cơ sở chưa có phong trào, chưa xây dựng chuyên đề “Dân vận khéo”, chưa làm tốt công tác dân vận khéo trong công tác xây dựng xã hội.Một số cơ sở còn lúng túng về phương pháp, cách làm, cách xây dựng và triển khai chuyên đề. Ông Lê Trung Hưng trình bày báo cáo Ông Lê Trung Hưng - Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức và ban Kiểm tra đã trình bày Báo cáo kết quả khảo sát 6 tháng đầu năm 2022; Triển khai các loại biểu mẫu số liệu phục vụ công tác khuyến học năm 2022.
Hội nghị đã được nghe báo cáo tham luận và chia sẻ về các phương pháp, cách làm, về dân vận mang lại nhiều hiệu quả trong phong trào khuyến học, khuyến tài xây dựng xã hội học tập của các ông bà sau:
1. Ông Bùi Văn Công - Chủ tịch Hội khuyến học huyện Mê Linh.
2. Bà Hà Thị Lê Nhung - Chủ tịch Hội khuyến học quận Đống Đa.
3. Ông Đào Duy Trung - Chủ tịch Hội khuyến học quận Tây Hồ.
4. Bà Nguyễn Thị Nhung - Chủ tịch Hội khuyến học phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân.
5. Ông Nguyễn Công Hữu - Chủ tịch Hội khuyến học xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai. Ô. BÙI VĂN CÔNG | Bà HÀ THỊ LÊ NHUNG | Ô. ĐÀO DUY TRUNG |
Bà NGUYỄN THỊ NHUNG | Ô. NGUYỄN CONG HỮU |
Thông qua các ý kiến chia sẻ của các ông bà, mọi người đều nhận thấy rằng, làm công tác dân vận, chính là vận động thu phục lòng dân, làm cho dân tin, dân làm theo. Vì vậy vận động phải khéo léo, nghệ thuật, phải bám sát tình hình thực tế, phải tìm hiểu được tâm tư nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của dân. Cũng chính vì thế mà dân tự giác, thấy được quyền lợi của mình, của xã hội mà đồng tình tham gia một cách tích cực việc xây dựng các mô hình học tập, ủng hộ quỹ khuyến học để động viên, giúp đỡ người học, thực hiện tham gia học thường xuyên, học suốt đời. Cũng từ những trao đổi trên, các cấp ủy, chính quyền phải quan tâm chỉ đạo, Mặt trân tổ quốc, và các đoàn thể chính trị xã hội phải phối hợp chặt chẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động. Mỗi cán bộ khuyến học vừa là người tâm huyết, nhưng cũng phải là người biết làm công tác dân vận khéo.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Minh phát biểu tổng kết buổi tọa đàm
Bà Nguyễn Thị Ngọc Minh - Ủy viên Thường vụ Hội khuyến học Việt Nam, Chủ tịch Hội khuyến học Thành phố Hà Nội đã phát biểu ghi nhận và biểu dương những kết quả đạt được của các quận, huyện đã triển khai chuyên đề "Dân vận khéo". Đề nghị những đơn vị nào chưa triển khai chuyên đề phải triển khai tại cơ sở; Đẩy mạnh công tác "Dân vận khéo", tích cực tham mưu cho các cấp ủy và chính quyền địa phương nâng cao chất lượng công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Đồng thời kêu gọi sự vào cuộc của các cấp, các ngành, đơn vị,… và đông đảo nhân dân dân hưởng ứng, tạo thành "liên minh khuyến học".
Những đơn vị đã triển khai chuyên đề "Dân vận khéo" cần tổ chức tọa đàm để lan tỏa kinh nghiệm hay; kiểm tra, đánh giá, động viên, nhân rộng lên các mô hình học tập tốt. Trong thời gian tới, đề nghị các Hội Khuyến học thành viên và cơ sở của thành phố phải tăng tốc hoạt động, chú ý đến những chỉ tiêu đặt ra như phát triển hội viên mới, quỹ khuyến học... Phát triển phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập tại cơ sở thực chất, hiệu quả. Đồng thời, chuẩn bị kế hoạch hoạt động và đề xuất kinh phí của năm 2023 để trình Hội đồng nhân dân địa phương.
PHAN LẠC SẮC
HKH Thành phố Hà Nội
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://nukeviet.vn là vi phạm bản quyền