Danh Mục Chính

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 69


Hôm nayHôm nay : 9746

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 359283

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 22514711

Liên Kết

Tuyển sinh 2014
Báo Dân Trí
Bộ Giáo Dục - Đào Tạo
Mạng Giáo Dục Edu Net
Học Mãi
Hội Khuyến Học Việt Nam
Sở Giáo Dục & Đào Tạo Hà Nội

Trang nhất » Tin Tức » Sổ Tay Khuyến Học - Tin tức

"DÂN VẬN KHÉO" TRONG XÂY DỰNG MÔ HÌNH “CÔNG DÂN HỌC TẬP”

Chủ nhật - 17/03/2024 09:21
"DÂN VẬN KHÉO" TRONG XÂY DỰNG  MÔ HÌNH “CÔNG DÂN HỌC TẬP”

"DÂN VẬN KHÉO" TRONG XÂY DỰNG MÔ HÌNH “CÔNG DÂN HỌC TẬP”

Dưới góc độ Triết học và Xã hội học, các nhà nghiên cứu cho rằng, trong xu thế phát triển của kinh tế tri thức, giáo dục phải thu hút không chỉ trẻ em mà còn tất cả người lớn vào học tập, đồng thời gia tăng vai trò của giáo dục đại học trong mọi lĩnh vực hoạt động. Nói một cách đơn giản, là xây dựng một xã hội học tập, đưa giáo dục về từng gia đình như một hoạt động thường xuyên, thường nhật. Trong quá trình phát triển kinh tế tri thức, xã hội học tập luôn hướng tới đào tạo con người vừa có trình độ khoa học, kỹ thuật vừa có tố chất văn hóa và tinh thần nhân văn nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền văn minh nhân loại.
     Thế giới của chúng ta đang bước vào một thời kỳ phát triển mạnh mẽ với cuộc cách mạng kỹ thuật lần thứ tư. Một thời đại mới đang hình thành - thời đại của công nghệ thông tin và kỹ thuật số. Giờ đây, sự thịnh vượng của một quốc gia nói riêng và ở cấp độ toàn cầu nói chung ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào trình độ tri thức và tay nghề của cư dân. Đối với một quốc gia đang phát triển như đất nước ta, đó vừa là thách thức lớn vừa là cơ hội lớn để có thể nhanh chóng phát triển.
     Chính vì vậy, chủ trương xây dựng xã hội học tập để tạo điều kiện đi vào nền kinh tế tri thức, xây dựng xã hội học tập đã sớm được đề ra tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng. Triển khai chủ trương đó, ngày 18/5/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 112/2015/QĐ-TTg về xây dựng xã hội học tập, giai đoạn 2005-2010. Đây là giai đoạn đặt những viên gạch đầu tiên cho sự nghiệp xây dựng đổi mới hệ thống giáo dục theo hướng xã hội học tập với mục tiêu “Nâng cao dân trí, phát triển nhân lực và bồi dưỡng nhân tài”.
     Bước vào giai đoạn 2021-2030, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành một loạt các Quyết định và Chỉ thị quan trọng: Quyết định số 1373/QĐ-TTg ngày 30/7/2021 phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030”; Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 25/5/2021 về đẩy mạnh  công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030; Quyết định số 387/QĐ-TTg ngày 25/3/2022 phê duyệt Chương trình “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị giai đoạn 2021-2030”; Quyết định số 677/QĐ-TTg ngày 03/6/2022 phê duyệt Chương trình “Xây dựng mô hình Công dân học tập giai đoạn 2021-2030”.
     Để gắn kết việc xây dựng các mô hình học tập kết hợp với Chương trình Chuyển đổi số quốc gia theo Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020, nhằm đẩy mạnh việc thực hiện cải cách giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao do nền kinh tế tri thức đặt ra. Đó là nguồn nhân lực có năng lực sáng tạo và khả năng học hỏi không ngừng trong suốt cuộc đời, kỹ năng sử dụng máy tính và internet để thích ứng với yêu cầu của những công việc luôn thay đổi.
     Vấn đề giáo dục con người nói chung và giáo dục công dân nói riêng được xem là vấn đề trung tâm của xây dựng xã hội học tập trong giai đoạn hiện nay. Dưới tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 và những đòi hỏi cụ thể của chương trình chuyển đổi số quốc gia theo hướng “mở” trên cơ sở các thiết bị kỹ thuật số của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đã đặt ra những yêu cầu mới đối với việc học tập suốt đời của người lớn.
     Có một thực trạng khá phổ biến ở nước ta cho đến những năm gần đây, là sự học của người lớn chưa được quan tâm đúng mức. Ngoài giờ lao động chính thức ở cơ quan, công sở thì rất ít người lớn quan tâm đến việc tiếp tục học tập của mình, để nâng cao kiến thức và cải tạo cuộc sống. Việc học tập dường như đã kết thúc khi người ta rời ghế nhà trường và bắt đầu cuộc sống mưu  sinh. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó có thể xem xét hai vấn đề quan trọng:
     Một là, Khi cuộc sống vật chất của chúng ta còn quá khó khăn, mọi thời gian và sức lực đều phải ưu tiên cho cuộc vật lộn mưu sinh vất vả.
     Hai là, Với những kiến thức cơ bản tích lũy được từ nhà trường, người ta có thể tìm được một vị trí việc làm nào đó và yên tâm, an toàn với công việc đó suốt cuộc đời.
     Thế nhưng khi cuộc cách mạng 4.0 xuất hiện thì những điều này đã có những thay đổi rất nhanh, rất mạnh, rất lớn. Những đổi thay nhanh chóng trong mọi lĩnh vực của cuộc sống xã hội do công nghệ thông tin và kỹ thuật số đã làm cho tất cả phải ngỡ ngàng. Một số người nhanh chóng nắm bắt được xu thế phát triển mới có cơ hội để phát triển rất tốt, trong khi những người khác vẫn đang loay hoay, lúng túng với những vấn đề mới nảy sinh của thời đại kỹ thuật số và công nghệ thông tin. Từ đơn giản nhất như cái ti vi vẫn xem tin tức hàng ngày đến cái điện thoại thông minh giúp con người giải quyết dễ dàng vô số công việc, từ trong gia đình đến công việc giao tiếp, làm ăn, theo dõi quản lý việc học hành của con cái... và ..., đến những công việc quan trọng, lớn lao như quản lý cơ quan, đơn vị, điều hành công việc của quốc gia, đất nước... đều có thể thấy sự hiện diện của công nghệ thông tin và kỹ thuật số. Và giờ đây, để có thể thụ hưởng và phát huy được những giá trị to lớn mà cuộc cách mạng kỹ thuật mới mang lại, giúp nâng cao trình độ, mở mang kiến thức cho bản thân, giúp ích cho gia đình, cho đất nước - thì không còn cách nào khác là mỗi người dân, tùy vào vị trí xã hội và nhiệm vụ, chức trách của mình phải làm chủ được những kỹ thuật, công nghệ này, phải có những kiến thức phù hợp về kỹ thuật số. Và để có những kiến thức cần thiết và rất quan trọng này, không có cách nào khác là phải học.
     Việc học thoạt nhìn có vẻ là khó: nào là tiếng Anh, nào là các thuật ngữ kỹ thuật  còn xa lạ... nhưng thực tế, để tiếp cận những kiến thức mới đó trong bối cảnh hiện nay, chúng ta có khá nhiều thuận lợi, đó là:
     - Trình độ học vấn của xã hội chúng ta đã được nâng cao. Những kiến thức, nền tảng tiếp thu được từ nhà trưởng, đủ để giúp chúng ta không quá bỡ ngỡ, không quá khó khăn khi tiếp cận những kiến thức mới, kỹ thuật mới.
     - Một thuận lợi rất lớn nữa cho việc học tập ngày nay là cũng nhờ công nghệ thông tin mà giờ đây chúng ta có thể dễ dàng học tập mọi lúc, mọi nơi, bằng nhiều hình thức.
     Đây là những yếu tố quan trọng mà Hội Khuyến học cần nghiên cứu, vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong việc vận động xây dựng mô hình “Công dân học tập”.
     Hội Khuyến học cần phải “Tham mưu tốt, dân vận vận khéo”: Tham mưu cho các cấp ủy Đảng và chính quyền ban hành các chủ trương, kế hoạch. “Dân vận khéo” là tuyên truyền, vận động, người lớn tham gia học tập thường xuyên, học tập suốt đời dưới mọi hình thức: Học ở nhà, học ở cơ quan, học ở trường, lớp, ở các trung tâm học tập cộng đồng… nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc học tập và rèn luyện bản thân, sắp xếp thời gian để học tập, tự học đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số với công việc đang làm, phấn đấu đạt tiêu chí “Công dân học tập, gia đình học tập,dòng họ học tập, cộng đồng học tập và đơn vị học tập”, thực hiện thành công chủ trương xây dựng xã hội học tập mà Nghị quyết của Đảng đề ra.
     “Công dân học tập” là những người biết tự học; coi trọng việc học như món ăn tinh thần không thể thiếu hằng ngày; học tập trở thành nhu cầu tự thân, học liên tục, thường xuyên, suốt đời; tận dụng mọi cơ hội do xã hội mang lại để biến tri thức của nhân loại trở thành kiến thức của mình; áp dụng vào cuộc sống, công việc để làm cho bản thân, gia đình, xã hội, cộng đồng có cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. “Công dân học tập” là những thành viên của xã hội học tập. Không có “Công dân học tập” thì không có xã hội học tập.
     * Hội Khuyến học Việt Nam đã xây dựng 3 tiêu chí về năng lực và phẩm chất chủ yếu để công dân Việt Nam phấn đấu (hiện đang sử dụng bộ khung tiêu chí này triển khai thí điểm); Cụ thể:
     Tiêu chí 1: Năng lực tự học, học tập suốt đời là khả năng tự mình vận dụng vào việc đọc, cập nhật những thông tin, những kiến thức từ các phương tiện; xây dựng kế hoạch học tập đáp ứng yêu cầu công việc; sắp xếp hợp lý công việc để tham gia các hoạt động cộng đồng; động viên, tạo điều kiện cho người thân học tập. 
     Tiêu chí 2: Năng lực sử dụng những công cụ tương tác bao gồm ngoại ngữ, công nghệ thông tin, tính toán, tư duy biện chứng, tư duy phản biện.
     Tiêu chí 3: Năng lực thực hiện các mối quan hệ xã hội là khả năng xây dựng và thực hiện các mối quan hệ, bao gồm quan hệ với người thân trong gia đình, với cộng đồng, với mọi người trong xã hội. Các năng lực trên được thể hiện qua khả năng tạo quan hệ thân thiện, có trách nhiệm, có tinh thần hợp tác, chia sẻ, tôn trọng đối với mọi người; tuân thủ pháp luật và có ý thức bảo vệ môi trường.
     * Những vấn đề cần giải quyết trong việc xây dựng mô hình “Công dân học tập” ở các khu dân cư:
     Vấn đề thứ nhất: Mô hình “Công dân học tập” là một nội dung quan trọng, phức tạp và cũng khá trừu tượng trong hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Tại các khu dân cư luôn có nhiều đối tượng, nhiều thành phần, với trình độ văn hóa, trình độ nghề nghiệp, hoàn cảnh cuộc sống và vị trí xã hội khác nhau. Chính vì vậy nhận thức về việc thường xuyên học tập, học tập suốt đời cũng rất khác nhau, nhiều người còn mơ hồ, chưa hiểu rõ về mô hình “Công dân học tập”, chưa nhận thức được tầm quan trong trong xây dựng mô hình “Công dân học tập”.
     Vậy, “Dân vận khéo” của cán bộ khuyến học là làm thế nào để tuyên truyền, vận động mọi người dân hiểu được mô hình, tầm quan trọng của việc xây dựng mô hình trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho xã hội về mọi mặt, lợi ích của việc tham gia vào mô hình và tích cực tham gia vào mô hình - Trong đó cán bộ khuyến học phải là nòng cốt, là tấm  gương trong thường xuyên học tập, học tập suốt đời.
     Vấn đề thứ hai: Xuất phát từ trình độ của người lao động trong các khu dân cư rất khác nhau nên nhu cầu của việc học tập cũng rất khác nhau.
     Vậy “Dân vận khéo” trong xây dựng mô hình “Công dân học tập” là cán bộ khuyến học khéo léo vận động, khuyến kích, hỗ trợ người dân trong việc tự học tập, tự bồi dưỡng để nâng cao trình độ, kỹ năng lao động để tìm kiếm được những công việc có mức tiền lương cao hơn, vùa ích nước vừa lợi nhà. “Dân vận khéo” là cán bộ khuyến học còn cần phải đi sâu tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu học tập cụ thể, thực sự cần thiết của dân cư trên địa bàn để tổ chức những hình thức học tập phù hợp có tác dụng thiết thực, trực tiếp, tạo hứng thú trong việc không ngừng học tập, nâng cao trình độ của người dân.
      Vấn đề thứ ba: Đến từ chính sự tiến bộ của khoa học công nghệ. Sự phát triển của khoa học kỹ thuật và công nghệ là động lực mạnh mẽ để phát triển xã hội, làm thay đổi bộ mặt xã hội. Nhưng tốc độ phát triển nhanh chóng của nó, đặc biệt là trong kỷ nguyên kỹ thuật số hiện nay đã làm xuất hiện trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta nhiều thông tin mới, nhiều từ ngữ, thuật ngữ kỹ thuật mới như: Kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế tri thức...khiến cho nhiều người, nhất là những người lớn tuổi không khỏi có cảm giác tâm lý rằng mình khó mà theo kịp, mình đang bị tụt lại phía sau. Đây là một thực tế tất yếu trong quá trình vận động phát triển của xã hội, một nhiệm vụ mà toàn xã hội phải chung tay giải quyết, trong đó giữ vai trò quan trọng chính là Hội Khuyến học.
     Tuy nhiên, đây cũng không phải là cái gì quá xa lạ. Trong lịch sử, người Việt Nam chúng ta đã từng giải quyết thành công một nhiệm vụ tương tự, thậm chí còn khó khăn hơn nhiều lần, đó chính là việc thực hiện thành công nhiệm vụ xóa nạn mù chữ cho hơn 90% người dân mù chữ sau Cách mạng Tháng 8 năm 1945, rồi bình dân học vụ, bổ túc văn hóa để năng cao dân trí trong những năm 50, 60 của thế kỷ trước mà nhiều người lớn tuổi trong chúng ta chắc không thể nào quên.
     Câu chuyện khuyến học của chúng ta hiện nay, ở góc độ nào đó thực chất là một vòng xuáy ốc ở cấp độ cao hơn của câu chuyện xóa nạn mù chữ 80 năm trước. Thiết nghĩ những người làm khuyến học chúng ta hôm nay hoàn toàn có thể nghiên cứu vận dụng những bài học tích cực, sáng tạo và thành công đó trong lịch sử giáo dục Việt Nam. Điều quan trọng chỉ là sao cho phù hợp với hoàn cảnh hiện tại.
     “Dân vận khéo” ở đây chính là biết tìm ra những phương thức phù hợp nhất để huy động được sự tham gia của mọi lực lượng, mọi tổ chức xã hội vào hoạt động khuyến học. “Dân vận khéo” là tìm ra được những hình thức, quy mô dạy và học phù hợp cho các đối tượng khác nhau, đáp ứng những yêu cầu cụ thể, có tác dụng thiết thực cho cuộc sống và công việc của họ. “Dân vận khéo” là những hình thức khuyến học mà chúng ta áp dụng phải đơn giản, dễ thực hiện, có hiệu quả trực tiếp, đem lại lợi ích, tạo được niềm vui, sự hào hứng cho người học.
     Vấn đề thứ tư: Xây dựng mô hình “Công dân học tập” là một nhiệm vụ lớn, phức tạp mà nếu chỉ riêng có Hội Khuyến học thực hiện thì một kết quả không thành công là điều có thể thấy trước. Cuộc vận động này là nhiệm vụ chung của toàn xã hội, trong đó Hội Khuyến học có chức năng phối hợp, kết hợp, điều phối hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội để tạo nên một cuộc vận động sâu rộng, một phong trào học tập sôi nổi, rộng khắp; phải tạo được sự hào hứng và mang đến những tiến bộ và lợi ích thiết thực, trực tiếp cho người học. Làm tốt được việc này thì khó khăn này lại trở thành sức mạnh, thành động lực để thúc đẩy sự nghiệp xây dựng mô hình “Công dân học tập” thành công.
     Vây, “Dân vận khéo” trong xây dựng mô hình “Công dân học tập” ở đây là cán bộ khuyến học phải phối kết hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội để thúc đẩy các hoạt động cụ thể, hiệu quả của họ trong việc vận động người dân tự học tập và tích cực tham gia tích cực vào việc học tập dưới mọi hình thức.
     Tại phường Khương Trung, quận Thanh Xuân ngoài những khó khăn chung như đã nêu trên, Hội Khuyến học phường còn gặp thêm nhiều trở ngại khác đến từ điều kiện, hoàn cảnh riêng của địa bàn phường, đó là:
     - Dân cư đông, địa bàn rộng;
     - Trình độ văn hóa/dân trí nhìn chung là thấp hơn so với nhiều phường khác trong quận và thành phố;
     - Phường còn thiếu khá nhiều nhà hội họp/sinh hoạt cộng đồng ở các khu dân cư. Nếu có thì diện tích cũng rất hạn chế.
     Những khó khăn trên thực sự là thách thức không nhỏ đối với cán bộ khuyến học ở các khu dân cư trên địa bàn phường Khương Trung trong hoạt động xây dựng mô hình “Công dân học tập”.
     Tuy nhiên, nhờ triển khai hoạt động sớm, nhờ sự đoàn kết, tích cực, sáng tạo, khéo léo của cán bộ, hội viên các Chi hội Khuyến học trong toàn phường, cuộc vận động xây dựng mô hình “Công dân học tập” ở phường Khương Trung đã thu được một số kết quả bước đầu. Ngay từ năm 2021 Hội Khuyến học phường đã bắt đầu triển khai các hoạt động trong khuôn khổ xây dựng mô hình “Công dân học tập” giai đoạn 2021-2030 theo Quyết định số 677/QĐ-TTg ngày 03/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ; Cụ thể như sau:
     - Trong năm 2021, Hội triển khai thí điểm mô hình “Công dân học tập” ở 3 Chi hội: 5,6 và 14, có 32/35 công dân đạt “Công dân học tập”;
     - Năm 2022 việc xây dựng mô hình “Công dân học tập” được triển khai ở tất cả các Chi hội và Nhà trường và đã có 395/397 công dân đạt “Công dân học tập”;
     - Năm 2023 Hội Khuyến học đã tiếp tục triển khai rộng rãi mô hình ở các Chi hội và Nhà trường và kết quả có 5.002 công dân đăng ký “Công dân học tập”, chiếm 18% công dân toàn phường, so với mục tiêu là đạt từ 40% trở lên.
     - Hội Khuyến học đã tổ chức 2 lớp tập huấn hướng dẫn các Chi hội trưởng, Chi hội phó trong việc xây dựng mô hình “Công dân học tập”.
Những kết quả này thực sự là niềm vui và nguồn động viên rất lớn đối với cán bộ hội viên Hội Khuyến học phường.
     Tuy nhiên, để có thể hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn 2021-2030, cán bộ khuyến học nói chung, đặc biệt là các Chi hội trưởng, Chi hội phó cần phải cố gắng, nỗ lực nhiều hơn nữa. Cán bộ khuyến học không chỉ hoạt động bằng nhiệt tình mà chính họ cũng phải tự học tập nâng cao trình độ, năng lực cá nhân trong công tác khuyến học. Phải khéo léo phối hợp, kết hợp với hoạt động của với các tổ chức chính trị - xã hội khác trong công tác tuyên truyền vận động khuyến học. Kịp thời đề xuất với Đảng ủy, UBND những giải pháp, kiến nghị cần thiết, phù hợp để hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập nói chung và xây dựng mô hình “Công dân học tập” trên địa bàn phường, để thực sự đưa mô hình “Công dân học tập” đi vào cuộc sống.
 
Tin bài: TẠ THỊ LỆ YÊN
Chủ tịch Hội Khuyến học phường Khương Trung,
quận Thanh Xuân

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá về website này như thế nào?

Đẹp và dễ sử dụng

Đẹp nhưng khó sử dụng

Bình thường

Không đẹp

Giới thiệu

Tổ chức Hội Khuyến học Việt Nam

  1. Tôn chỉ, mục đích Hội Khuyến học Việt Nam là tổ chức xã hội của mọi công dân và tổ chức Việt Nam tâm huyết với sự nghiệp "trồng người góp sức phấn đấu cho phong trào " toàn dân học tập, toàn dân tham gia làm giáo dục", "cả nước trở thành một xã hội học tập" nhằm nâng cao dân trí, đào tạo...

trung tam dạy tốt Luyện thi đại học