Danh Mục Chính

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 28

Máy chủ tìm kiếm : 2

Khách viếng thăm : 26


Hôm nayHôm nay : 2165

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 226655

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 21977830

Liên Kết

Tuyển sinh 2014
Báo Dân Trí
Bộ Giáo Dục - Đào Tạo
Mạng Giáo Dục Edu Net
Học Mãi
Hội Khuyến Học Việt Nam
Sở Giáo Dục & Đào Tạo Hà Nội

Trang nhất » Tin Tức » Sổ Tay Khuyến Học - Tin tức

THẾ HỆ NHÀ GIÁO 59 TÌNH NGUYỆN TRÊN QUÊ HƯƠNG SƠN LA THÂN YÊU

Thứ tư - 07/10/2015 09:28
Thế hệ 59 là cách gọi thân mật về đoàn giáo viên 860 người ở các tỉnh dưới xuôi miền Bắc Việt Nam từ Nghệ An Thanh Hóa, Nam Định, Hà Nam, Hà Nội, Hà Đông, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên v..v…xung phong lên dạy học ở các miền vùng núi Tây Bắc, Đông Bắc và Việt Bắc vào tháng 9 năm 1959. Có thể nói đây là một sự kiện trọng đại sau chuyến thăm Tây Bắc của Bác Hồ vào tháng 5 năm 1959, đoàn giáo viên miền xuôi với sứ mệnh Đảng và Bác Hồ giao phó phát triển nền Văn hóa giáo dục, khắc phục tình trạng chênh lệch giữa miền xuôi và miền núi.
Trao tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp khuyến học cho 22 nhà giáo lên công tác ở Sơn La từ năm 1959

Trao tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp khuyến học cho 22 nhà giáo lên công tác ở Sơn La từ năm 1959

         Nhớ lắm những ngày đầu đặt chân lên Thủ phủ Khu tự trị Thái Mèo xa lạ, bỡ ngỡ cho chúng tôi những Nhà giáo thanh niên lứa tuổi từ 20 đến 25. Nói năng, ăn ở, đi lại cái gì cũng khác lạ … thầy cô giáo được phân công về các bản làng heo hút xa xăm của 18 châu Khu tự trị Thái Mèo. Đường xa lắm đấy, chỉ có đi bộ, có nơi đi hàng tuần, leo dốc, vượt qua đèo cao thác dữ, vắt cắn, sốt rét … phải dũng cảm vượt qua thử thách ban đầu để về với bản làng, với đàn em … Cảm ơn nhà thơ Bùi Minh Quốc đã chia sẻ:
“Xe chạy nghiêng nghiêng trèo dốc núi
Lên miền Tây vời vợi ngàn trùng
Ôi miền Tây ở dưới xuôi sao nghe nói lạ lùng
Mà lúc ra đi lửa trong lòng vẫn cháy
Cái tuổi 20 khi hướng đời đã thấy
Thì xa xôi gấp mấy cũng lên đường”.
          Nhưng trong khó khăn mới thấy hết tình cảm ấm áp mặn nồng chất phác của nhân dân các dân tộc yêu quí các thầy cô đã đón thầy cô về bản. Xúc cảm, thầy giáo Chương Đài đã viết mấy vần thơ:
                             Cây đàn túi sách chiếc ba lô
                             Thứ được người mang thứ ngựa thồ
                             Tôi thấy lòng tôi rào dạt quá
                             Nghĩa tình Tây Bắc đẹp hơn thơ.
          Năm 1959, ở xã nhất là vùng cao hầu như chưa có trường, chưa có lớp. Nạn đói và mù chữ trầm trọng, nhiều hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, nghiện hút hoành hành; Chính quyền non trẻ … Vâng lời Bác dạy các Nhà giáo đem ánh sáng của Đảng phát triển Văn hóa - Giáo dục miền núi … với tinh thần thầy giáo là người của Đảng, các thầy cô đã lăn lộn với cơ sở gắn bó với nhân dân: Cùng ăn, củng ở, cùng làm. Việc làm lúc ấy của các Nhà giáo là vận động mở trường, mở lớp. Ngoài việc dậy học trò người giáo viên còn dạy xóa mù chữ và Bổ túc văn hóa, dạy văn nghệ thể thao, xây dựng nếp sống mới và làm Thư ký cho Ủy ban xã … ngoài ra còn tham gia lao động sản xuất với gia đình.
          Nhớ lắm những tháng ngày quanh năm ròng rã với chiếc ba lô và chiếc gậy leo khắp các ngọn núi bản xa để chiêu sinh mở trường, mở lớp … Nhớ lắm những đêm rét cứa da thịt vẫn cầm đèn soi đường cho từng em học sinh kí túc rồi xem chúng giắt màn đã kín chưa, chăn có đắp không … Nhớ lắm những trận mưa rừng xối xả, thầy trò vừa học vừa kê lại bàn ghế tránh dột … Nhớ lắm những bữa canh bon, rau tàu bay, củ sắn chia đôi, bát cơm độn sẻ nửa. Nhớ lắm những ngày lũ ống sạt đường, trôi cầu thầy trò vừa chạy lũ vừa tránh bom giặc … Nhớ lắm ngọn đèn dầu leo lét, bếp lửa sàn cháy thâu đêm … Tuy muôn vàn khó khăn gian khổ nhưng anh chị em vẫn đinh ninh lời dạy của Bác Hồ trước ngày lên đường: Ở miền núi còn nhiều khó khăn, các cô các chú đã xung phong thì xung phong đến nơi đến chốn nếu không là “Sung rụng”.
 
Nhà giáo ưu tú Trần Luyến - Chủ tịch Hội khuyến học tỉnh Sơn La
trình bày diễn văn kỷ niệm và vinh danh đoàn Nhà giáo năm 1959 lên công tác ơe Sơn La
          Thầy Nguyễn Hải kể lại kỉ niệm: Một đêm giá lạnh thầy được cô gái Mông con chủ nhà lấy chiếc váy Mông vốn giành cho đám cưới đắp cho vì thương anh giáo rét run ngủ thiếp đi lúc soạn bài. Tỉnh dạy mới biết và thầy đã khóc thầm.
          Theo tài liệu của Sở Giáo dục Sơn La. Đoàn giáo viên 59 được phân bổ về Sơn La khoảng 137 người (Tôi nói khoảng vì cơ quan quản lý giáo dục có thể để thất thoát hồ sơ trong khi sơ tán). Sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thì 102 thầy cô đã được chuyển về xuôi đã để lại cho Sơn La và đồng nghiệp tình yêu nỗi nhớ và lòng biết ơn vô hạn của học trò và các bậc phụ huynh. Về xuôi, các thầy cô vẫn tiếp tục phấn đấu hi sinh cho sự nghiệp “Trồng người” nhiều nhà giáo đã có những tiến bộ vượt bậc trở thành cán bộ lãnh đạo, các nhà nghiên cứu khoa học, giáo sư, tiến sĩ, nhà giáo ưu tú, nhà giáo nhân dân … về xuôi, về với gia đình nhưng trong tâm khảm, các thầy cô không thể nào quên Sơn La yêu dấu, các thầy cô đã cùng nhau thành lập Ban liên lạc Giáo chức Sơn La do Nhà giáo Đậu Mạnh Trường, Trần Hữu Dụng, Khúc Năng Độ khởi xướng và lãnh đạo. Hàng năm các thầy cô đều tổ chức gặp mặt tại Thủ đô Hà Nội thăm hỏi, động viên và cùng ôn lại những kỉ niệm về Sơn La và một số lần đã tổ chức đoàn lên thăm, động viên Sơn La bằng cả tinh thần và vật chất. Số thầy cô còn lại ở Sơn La là 33 vị. Khi về hưu đã thật sự coi Sơn La là quê hương thứ 2 của mình, trong niềm tự hào về đàn con cháu vây quanh, những đứa con đã được sinh ra, lớn lên và lập nghiệp tại núi rừng Sơn La, nhiều người đang kế tục sự nghiêp giáo dục của cha mẹ. Còn các thầy cô vui với mảnh vườn, ao cá, với luống hoa cây cảnh; Dạy đàn cháu học hành hoặc ngồi phụ bán hàng với con cái giữa chợ phiên. Các thầy cô vẫn giữ tận đáy lòng mình như báu vật những kỉ niệm đẹp của tình nghĩa bà con dân bản, tình thầy trò, đồng nghiệp và họ thường kể lại những câu chuyện của đời dạy học một cách say sưa, tự hào …
          Nhưng không thể tránh được qui luật của cuộc sống đời người, một số Nhà giáo 59 và những Nhà giáo nối tiếp từ miền xuôi lên đã yên nghỉ vĩnh hằng tại Sơn La trong niềm tiếc thương của đồng nghiệp và các thế hệ học trò. Đó là những Nhà giáo đáng kính như thầy Trần Đăng Huy, Phạm Quốc Tế, Hoàng Nam, Phạm Bá Tùng, Trần Thiện, Nguyễn Văn Xảo, Trương Văn Hướng, Phan Tất Ân nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La, Trần Xuân Lan, Mai Trọng Thiệp, Lê Khâm, Nguyễn Trịnh, Nguyễn Hữu Trì, Nguyễn Duy Dự … và rất tiếc thương Nhà giáo lão thành Trần Lý vừa nhận được giấy mời nhưng đã từ trần không kịp đến dự buổi gặp mặt đồng nghiệp 59 hôm nay.
          Đồng nghiệp của những người nằm xuống đã không để một ngày giờ tẻ nhạt vô vị giữa quê hương Sơn La. Không ít người của thế hệ 59 sau khi rời bục giảng đã trở thành cán bộ lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, của cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành và họ vẫn giữ nét sinh hoạt và cả “Chất người” khá riêng biệt của Nhà giáo: Sống đạm bạc, thương người, cởi mở, chân thành, nhường nhịn.
          Không phải chỉ có thế hệ Nhà giáo 59 mà sau đoàn 59. Từ năm 1960 đã có nhiều đợt giáo viên, sinh viên tiếp bước đoàn 59 xung phong lên Sơn La, Tây Bắc đó là đoàn giáo viên Nam Hà, Hà Tây sư phạm 10 + 1, 10 + 2, 10 + 3, Đại học sư phạm Hà Nội, Đại học sư phạm Vinh, Thái Nguyên, Xuân Hòa … Các thế hệ Nhà giáo đã đem trí tuệ, sức lực của tuổi tré cùng nhau cống hiến cho sự nghiệp giáo dục và xây dựng quê hương Sơn La chính vì vậy mà sự nghiệp giáo dục Sơn La có một sự chuyển biến sâu sắc: Từ một nền giáo dục phiến diện sang toàn diện cho cả trẻ em lẫn người lớn. Dân trí được nâng lên, nhân lực được đào tạo, nhân tài các dân tộc được bồi dưỡng; Từ chỗ chỉ có vài trăm giáo viên nay đã có gần 3 vạn người. Công đầu phải thuộc về thế hệ giáo viên đầu tiên đã thắp lên ngọn lửa của lòng hiếu học trong nhân dân các dân tộc Sơn La.
          56 năm, hơn nửa thế kỷ qua, bao đắng cay ngọt bùi xen lẫn, thế hệ 59 lịch sử cùng các thế hệ nối tiếp và cùng con em các dân tộc đã và đang âm thầm viết nên những trang sử giáo dục không thể nào quên tại vùng đất này bằng trí tuệ, mồ hôi, nhiệt huyết và bằng cả xương máu của mình.
          Hội Khuyến học tỉnh trân trọng công lao đóng góp cho sự nghiệp Khuyến học của các Nhà giáo 59 đã đề nghị và được Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam tặng Kỉ niệm chương vì sự nghiệp Khuyến học cho 22 nhà giáo nghỉ dưỡng tại Sơn La.
 
                                                             NGƯT  TRẦN LUYẾN
                                     Chủ tịch Hội khuyến học tỉnh Sơn La

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá về website này như thế nào?

Đẹp và dễ sử dụng

Đẹp nhưng khó sử dụng

Bình thường

Không đẹp

Giới thiệu

Tổ chức Hội Khuyến học Việt Nam

  1. Tôn chỉ, mục đích Hội Khuyến học Việt Nam là tổ chức xã hội của mọi công dân và tổ chức Việt Nam tâm huyết với sự nghiệp "trồng người góp sức phấn đấu cho phong trào " toàn dân học tập, toàn dân tham gia làm giáo dục", "cả nước trở thành một xã hội học tập" nhằm nâng cao dân trí, đào tạo...

trung tam dạy tốt Luyện thi đại học