Danh Mục Chính

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 72

Thành viên online : 1

Máy chủ tìm kiếm : 3

Khách viếng thăm : 68


Hôm nayHôm nay : 18417

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 160988

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 25190245

Liên Kết

Tuyển sinh 2014
Báo Dân Trí
Bộ Giáo Dục - Đào Tạo
Mạng Giáo Dục Edu Net
Học Mãi
Hội Khuyến Học Việt Nam
Sở Giáo Dục & Đào Tạo Hà Nội

Trang nhất » Tin Tức » Tin Tức

HÀ NỘI SỚM GIA NHẬP VÀO MẠNG LƯỚI “THÀNH PHỐ HỌC TẬP” CỦA UNESSCO

Thứ sáu - 15/03/2024 16:30
HÀ NỘI SỚM GIA NHẬP  VÀO MẠNG LƯỚI “THÀNH PHỐ HỌC TẬP” CỦA UNESSCO

HÀ NỘI SỚM GIA NHẬP VÀO MẠNG LƯỚI “THÀNH PHỐ HỌC TẬP” CỦA UNESSCO

Sáng ngày 15/3/2024 tại Hội trường Trung tâm Văn hóa Thông tin huyện Thạch Thất, Hội Khuyến học thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị tập huấn, quán triệt Nghị quyết số 23-NQ/TU ngày 16/11/2023 của Thành ủy Hà Nội “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn thành phố Hà Nội từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và Chương trình hành động của Hội Khuyến học thành phố Hà Nội thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TU của Thành uỷ cho đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến học các cấp Thành phố. Đây là lớp thứ 2 Hội Khuyến học Hà Nội tổ chức quán triệt cho cán bộ khuyến học của 13 huyện, thị xã.
     Dự Hội nghị có Ông Nguyễn Xuân Hậu - Trưởng phòng Lý luận chính trị, Lịch sử Đảng - Ban Tuyên giáo Thành ủy và là Báo cáo viên; Ông Nguyễn Duy Thìn - Phó trưởng Phòng Giáo dục Thường xuyên và Đại học - Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội; Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND Huyện, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Thạch Thất; Bà Nguyễn Thị Hương - Phó Chánh Văn phòng HĐND, UBND Huyện; Bà Nguyễn Thị Nguyệt Nga - Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đạo tạo huyện Thạch Thất.
     Bà Nguyễn Thị Ngọc Minh - Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, Chủ tịch Hội Khuyến học thành phố Hà Nội - Chủ trì Hội nghị; Tham dự có các Ông, Bà Ủy viên Ban Thường vụ Hội Khuyến học Hà Nội, cùng trên 360 các Ông, Bà là Chủ tịch, Phó Chủ tịch, cán bộ làm công tác khuyến học của 13 huyện, thị xã (huyện Ba Vì, Chương Mỹ, Mê Linh, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Quốc Oai, Sóc Sơn, Thạch Thất, Thanh Oai, Thường Tín, Ứng Hòa và thị xã Sơn Tây) và 315 Hội Khuyến học các xã, phường, thị trấn trực thuộc 13 huyện, thị xã. Dự và đưa tin có các phóng viên Báo, Đài Truyền hình Trung ương, Hà Nội và huyện Thạch Thất. 

Các đại biểu tham dự Hội nghị
 
      Tại Hội nghị, Báo cáo viên Nguyễn Xuân Hậu - Trưởng phòng Lý luận chính trị, Lịch sử Đảng - Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội quán triệt về Nghị quyết số 23-NQ/TU ngày 16/11/2023 của Thành ủy “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn thành phố Hà Nội từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
    Ông Nguyễn Xuân Hậu nêu rõ: Hà Nội là tỉnh, thành duy nhất trong cả nước có Nghị quyết chuyên đề về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Đây là sự quan tâm sâu sắc của Thành phố tới công tác khuyến học và thể hiện quyết tâm xây dựng Hà Nội thành “Thành phố học tập”.

Ông Nguyễn Xuân Hậu - Trưởng phòng Lý luận chính trị, Lịch sử Đảng
Ban Tuyên giáo Thành ủy quán triệt Nghị quyết số 23-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội

 
     Theo Nghị quyết, phát huy truyền thống lịch sử ngàn năm văn hiến, anh hùng; truyền thống hiếu học, trọng học, Thành phố Hà Nội luôn dành ưu tiên cao nhất cho công tác khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập và đã thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
     Thành ủy Hà Nội đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị của Thành phố triển khai, thực hiện cụ thể hóa các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập thành các Kế hoạch, Chương trình công tác của Thành phố, như: Chương trình số 06-CTr/TU ngày 13/7/2021 về “Phát triển văn hoá; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”; Kết luận số 51-KL/TU ngày 07/4/2022 của Hội nghị chuyên đề của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố khóa XVII...
     Thành phố đã hoàn thành cả 4 mục tiêu cơ bản của Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020”; trong đó, nhiều chỉ tiêu cao hơn tỷ lệ chung của cả nước; 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, giáo dục trung học cơ sở mức độ 3.
     Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập của một số đơn vị còn thiếu đồng bộ, chưa quyết liệt, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Vẫn còn một số khó khăn của Hội Khuyến học chưa giải quyết được do còn vướng mắc về cơ chế…; Việc vận động, xây dựng Quỹ Khuyến học còn thấp so với tiềm năng của Hà Nội; việc xây dựng tổ chức khuyến học, đơn vị học tập còn khó khăn ở một số nơi…
     Nguyên nhân là do nhận thức của một số cấp ủy Đảng, người đứng đầu của một số cơ quan, đơn vị về khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập còn hạn chế và chưa thống nhất. Sự phối hợp có lúc, có việc còn chưa chặt chẽ, một số khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách chưa được tháo gỡ kịp thời. Tỷ lệ gia tăng dân số cơ học, người nhập cư tăng nhanh... tạo khó khăn, áp lực cho công tác giáo dục và đào tạo của Thành phố.
     Trước tình hình đó, Thành ủy Hà Nội thống nhất nhận thức việc đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập là nhiệm vụ chính trị quan trọng của cả hệ thống chính trị. Qua đó, nhằm thực hiện tốt các chính sách xã hội, phát triển, khơi thông nguồn lực văn hóa, nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nhân tài, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, tạo động lực mới cho phát triển nhanh, bền vững Thủ đô và đất nước. Đồng thời, phù hợp với yêu cầu chuyển đổi mô hình kinh tế dựa vào tri thức, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và xu thế phát triển của thời đại. Thực hiện các mục tiêu theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045….

Quang cảnh Hội nghị
 
     Phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên trước hết là người đứng đầu đối với công tác khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập. Phấn đấu mỗi tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên, gia đình cán bộ, đảng viên trở thành “Đơn vị học tập”, “Công dân học tập”, “Gia đình học tập” để làm nòng cốt trong việc xây dựng các mô hình học tập trong nhân dân. Mỗi doanh nghiệp là hạt nhân quan trọng trong việc đào tạo, đào tạo lại người lao động; mỗi người dân có ý thức tự học để nâng cao trình độ bản thân, nhất là năng lực tự học trong kỷ nguyên số để góp phần triển khai thành công phong trào thi đua “Cả nước xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030” mà Thủ tướng Chính phủ đã phát động.
     Mục tiêu tổng quát trong Nghị quyết được đưa ra nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập theo tinh thần Kết luận số 49-KL/TW ngày 10/5/2019 của Ban Bí thư (khóa XII) về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW ngày 13/4/2007 của Bộ Chính trị (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030” do Thủ tướng Chính phủ phát động ngày 10/6/2023.
     Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân, các cấp, các ngành tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong nhân dân. Qua đó, nâng cao nhận thức của nhân dân về tầm quan trọng, ý nghĩa chiến lược của chủ trương xây dựng xã hội học tập, thúc đẩy việc học tập suốt đời cho mọi người dân.
     Đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao của nhân dân Thủ đô, góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Thủ đô và đất nước; huy động sức mạnh của toàn xã hội tham gia xây dựng và phát triển giáo dục. Phấn đấu Thủ đô gia nhập vào mạng lưới “Thành phố học tập” của UNESCO trong thời gian sớm nhất.
     Nghị quyết cũng xác định những mục tiêu cụ thể, như đến năm 2025, xóa mù chữ và phổ cập giáo dục, duy trì kết quả đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; duy trì tỷ lệ người trong độ tuổi từ 15-60 tuổi biết chữ đạt 99,5% trở lên; tỷ lệ người mới biết chữ tiếp tục học tập và không tái mù chữ đạt 95%; 100% quận, huyện, thị xã duy trì, giữ vững kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo; duy trì kết quả đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; 100% quận, huyện, thị xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3.
     Về năng lực cơ bản và trình độ của người dân: Tỷ lệ lao động được qua đào tạo đạt 75-80%, trong đó lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt tỷ lệ 55-60%; tỷ lệ người trong độ tuổi lao động được trang bị năng lực thông tin đạt 50%; tỷ lệ người trong độ tuổi lao động được trang bị kỹ năng sống đạt 50%; tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên được đào tạo trình độ chuyên môn kỹ thuật đạt 50%, trong đó, 12% dân số có trình độ đại học trở lên; 100% cán bộ chuyên trách về an toàn thông tin, công nghệ thông tin trong các cơ quan Nhà nước thuộc Thành phố được đào tạo về kiến thức, kỹ năng, kỹ thuật an toàn thông tin mạng phù hợp theo yêu cầu nghiệp vụ; 100% cán bộ, công chức, viên chức được tập huấn, bồi dưỡng, phổ cập kỹ năng số cơ bản; 50% cán bộ, công chức, viên chức được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng phân tích, khai thác dữ liệu và công nghệ số.
     Về hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục: Cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng trực thuộc triển khai đại học số và xây dựng học liệu số; phấn đấu 80% các cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở giáo dục khác triển khai hoạt động quản lý, giảng dạy và học tập trên môi trường số; 70% các trung tâm học tập cộng đồng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức hoạt động giáo dục; tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia đạt 80-85%.
     Xây dựng mô hình học tập trong xã hội: Tỷ lệ người dân đạt danh hiệu công dân học tập đạt 50%; tỷ lệ người dân có kỹ năng số đạt 50%; tỷ lệ gia đình, dòng họ, cộng đồng đạt danh hiệu gia đình, dòng họ, cộng đồng học tập đạt 60%; tỷ lệ đơn vị được công nhận là đơn vị học tập đạt 50%; 40% quận, huyện, thị xã được công nhận danh hiệu huyện học tập theo các tiêu chí do cơ quan có thẩm quyền ban hành; đăng ký danh hiệu “Thành phố học tập” theo tiêu chí…

Quang cảnh Hội nghị
 
     Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong Nghị quyết Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh yêu cầu tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện công tác khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn Thành phố. Đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục trong Đảng và nhân dân. Cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng xã hội học tập trong phạm vi từng địa phương, đơn vị. Ngày 07/02/2024 UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 52/KH-UBND về triển khai thực hiện Nghị quyết.
     Cấp ủy chính quyền các cấp tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để đạt được mục tiêu đề ra đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; củng cố, phát triển bền vững các trung tâm học tập cộng đồng cấp xã, phường, thị trấn và tạo thuận lợi cho các trung tâm tham gia hoạt động khuyến học, khuyến tài, đào tạo nghề, xây dựng xã hội học tập thực sự hiệu quả.
     Từng bước tổ chức xây dựng mô hình “Đơn vị học tập” ở cấp quận, huyện, thị xã, ở cơ quan, đơn vị; mô hình “Thành phố học tập”, “Công dân học tập” với những năng lực cốt lõi để có thể sống và làm việc trong điều kiện của nền kinh tế số, xã hội số và chính phủ số.
     Ngoài ra, Thành ủy Hà Nội yêu cầu đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin; phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp và tổ chức xã hội trong phong trào khuyến học, khuyến tài phù hợp với tình hình mới; phát triển tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động và đa dạng các mô hình học tập; hoàn thiện cơ chế, chính sách về xây dựng xã hội học tập.
     Đặc biệt, Thành phố sẽ tăng cường hợp tác quốc tế, phấn đấu trở thành “Thành phố học tập” của UNESCO. Đẩy mạnh các hoạt động kết nối, tăng cường hợp tác quốc tế, nhất là đối với Tổ chức Văn hóa Khoa học Giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO); nghiên cứu, học tập, chia sẻ kinh nghiệm và tranh thủ sự giúp đỡ của các nước, các tổ chức quốc tế, các cơ quan nghiên cứu quốc tế về công tác khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập.
     Chủ động, tích cực phấn đấu đạt các tiêu chí cơ bản của “Thành phố học tập” để Thủ đô tham gia sớm nhất mạng lưới “Thành phố học tập” của UNESCO. Nghiên cứu, triển khai các chương trình hợp tác quốc tế về công nghệ đào tạo mở và từ xa trên nền tảng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
     Đẩy mạnh vận động, khuyến khích đội ngũ trí thức tài năng là người Việt Nam ở nước ngoài tham gia đóng góp với hoạt động khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập trên địa bàn thành phố Hà Nội.
     Thành ủy giao Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tổ chức nghiên cứu, quán triệt, học tập, phổ biến, tuyên truyền và xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân.
     Hàng năm chỉ đạo kiểm tra, giám sát việc triển khai, tổ chức thực hiện Nghị quyết ở các tổ chức Đảng trực thuộc, các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị của Thành phố; tổ chức sơ kết đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Minh - Ủy viên Thường vụ Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam,
Chủ tịch Hội Khuyến học thành phố Hà Nội triển khai Chương trình hành động
thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TU ngày 16/11/2023 của Thành ủy Hà Nội

 
     Tại Hội nghị, Bà Nguyễn Thị Ngọc Minh - Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, Chủ tịch Hội Khuyến học thành phố Hà Nội đã quán triệt, triển khai Chương trình hành động số 08/Ctr-KHHN ngày 20/02/2024 của Hội Khuyến học thành phố Hà Nội thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TU ngày 16/11/2023 của Thành ủy Hà Nội “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn thành phố Hà Nội từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Chủ tịch Hội Khuyến học thành phố Hà Nội đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của Nghị quyết đối với công tác Hội; đồng thời phân tích kỹ về mục đích, yêu cầu và các chỉ tiêu phấn đấu thực hiện đến năm 2025, năm 2030 của các cấp Hội từ Thành phố đến cơ sở; đặc biệt là 08 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để các tổ chức Hội nghiên cứu, xây dựng kế hoạch chương trình triển khai, tổ chức và thực hiện.
     Hội nghị cũng dành thời gian cho các đại biểu trao đổi những khó khăn, thuận lợi và thảo luận các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập tại cơ sở.
 
Tin bài và ảnh: NGUYỄN BÁ CHÂU
Phụ trách Ban Thông tin và Tuyên truyền
Hội Khuyến học thành phố Hà Nội

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá về website này như thế nào?

Đẹp và dễ sử dụng

Đẹp nhưng khó sử dụng

Bình thường

Không đẹp

Giới thiệu

Tổ chức Hội Khuyến học Việt Nam

  1. Tôn chỉ, mục đích Hội Khuyến học Việt Nam là tổ chức xã hội của mọi công dân và tổ chức Việt Nam tâm huyết với sự nghiệp "trồng người góp sức phấn đấu cho phong trào " toàn dân học tập, toàn dân tham gia làm giáo dục", "cả nước trở thành một xã hội học tập" nhằm nâng cao dân trí, đào tạo...

trung tam dạy tốt Luyện thi đại học