HOÀN KIẾM QUÁN TRIỆT NGHỊ QUYẾT 23-NQ/TU TỚI CÁN BỘ KHUYẾN HỌC CÁC CẤP
Chiều ngày 07/5/2024, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận phối hợp với Hội Khuyến học quận Hoàn Kiếm tổ chức Hội nghị Tập huấn quán triệt Nghị quyết số 23-NQ/TU ngày 16/11/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn thành phố Hà Nội từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” tới đội ngũ cán bộ phụ trách công tác khuyến học của các phường, đơn vị, trường học trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.
Tham dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Minh - Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, Chủ tịch Hội Khuyến học thành phố Hà Nội - Báo cáo viên của lớp Tập huấn; đồng chí Nguyễn Duy Thìn - Phó trưởng Phòng Giáo dục Thường xuyên và Đại học - Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội; đồng chí Hoàng Minh Hằng - Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận, Ủy viên Thường trực Hội Khuyến học quận Hoàn Kiếm cùng các đồng chí Thường trực, Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Khuyến học quận, Giám đốc Trung tâm Học tập cộng đồng; các đồng chí Chủ tịch, Phó Chủ tịch, cán bộ công chức phụ trách công tác xã hội học tập của 18 phường và các đồng chí đại diện Ban Giám hiệu, giáo viên phụ trách công tác khuyến học tại các Nhà trường trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.
Đ/c Hoàng Minh Hằng - Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận,
Ủy viên Thường trực Hội Khuyến học quận Hoàn Kiếm phát biểu khai mạc Hội nghị Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Hoàng Minh Hằng - Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận, Ủy viên Thường trực Hội Khuyến học quận Hoàn Kiếm đề cao vai trò, tầm quan trọng của Hội nghị Tập huấn quán triệt Nghị quyết số 23-NQ/TU ngày 16/11/2023 của Thành ủy Hà Nội tới các cán bộ làm công tác khuyến học, khuyến tài trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Đồng chí nhấn mạnh: “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra sâu rộng, tác động mạnh mẽ, toàn diện tới mọi mặt của đời sống xã hội và mọi quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, điều này đòi hỏi con người phải có tri thức, kỹ năng, tay nghề và khả năng thích ứng cao với mọi tình huống. Mọi công dân có trách nhiệm và quyền được học tập thường xuyên, học tập suốt đời, tận dụng mọi cơ hội học tập để trở thành công dân tốt, công dân số, công dân toàn cầu. Vì thế, vai trò của học tập, rèn luyện, tự trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ nhằm nâng cao nhận thức và hành động về xây dựng xã hội học tập, thúc đẩy việc học tập suốt đời cho mọi người dân là nhiệm vụ quan trọng”. Vì vậy, mỗi học viên tham lớp Tập huấn phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trong học tập, tập trung lắng nghe và tiếp thu những kiến thức do báo cáo viên truyền đạt.
Đ/c Nguyễn Thị Ngọc Minh - Ủy viên Thường vụ Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam,
Chủ tịch Hội Khuyến học thành phố Hà Nội - Báo cáo viên của lớp Tập huấn Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, Chủ tịch Hội Khuyến học thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Ngọc Minh quán triệt các nội dung của Nghị quyết số 23-NQ/TU ngày 16/11/2023 của Thành ủy Hà Nội; Kế hoạch số 52/KH-UBND ngày 07/02/2024 của UBND thành phố Hà Nội và Chương trình hành động số 08/CTr-KHHN ngày 20/02/2024 của Hội Khuyến học Hà Nội thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội. Theo Nghị quyết, Thành phố đã hoàn thành cả 4 mục tiêu cơ bản của Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020” (theo Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 09/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ); trong đó, nhiều chỉ tiêu cao hơn tỷ lệ chung của cả nước; 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, giáo dục trung học cơ sở mức độ 3. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện công tác khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập của một số đơn vị còn thiếu đồng bộ, chưa quyết liệt, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra; có nơi còn lúng túng. Một số khó khăn của hội khuyến học chưa giải quyết được do còn vướng mắc về cơ chế; hoạt động của một số Chi hội, Ban Khuyến học, Hội Khuyến học cơ sở còn chung chung, hình thức, chậm đổi mới, chậm Đại hội nhiệm kỳ. Bên cạnh đó, việc vận động, xây dựng Quỹ Khuyến học còn thấp so với tiềm năng của Thành phố; việc xây dựng tổ chức khuyến học, đơn vị học tập còn nhiều khó khăn ở một số cơ quan, đơn vị.
Do vậy, để công tác khuyến học đi vào nề nếp, quan điểm chỉ đạo, nội dung Nghị quyết nêu rõ: Thống nhất nhận thức việc đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập là nhiệm vụ chính trị quan trọng của cả hệ thống chính trị. Các cấp, các ngành và toàn xã hội đều phải vào cuộc để công tác khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập có kết quả tương xứng với vị trí, vai trò của Thủ đô; tập trung xây dựng xã hội học tập gắn với xây dựng văn hóa, xây dựng con người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên trước hết là người đứng đầu đối với công tác khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập. Phấn đấu mỗi tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, gia đình cán bộ, đảng viên trở thành “Đơn vị học tập”, “Công dân học tập”, “Gia đình học tập” để làm nòng cốt trong việc xây dựng các mô hình học tập trong nhân dân; mỗi doanh nghiệp là hạt nhân quan trọng trong việc đào tạo, đào tạo lại người lao động; mỗi người dân có ý thức tự học để nâng cao trình độ bản thân, nhất là năng lực tự học trong kỷ nguyên số để góp phần triển khai thành công phong trào thi đua “Cả nước xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030” mà Thủ tướng Chính phủ đã phát động.
Nghị quyết đưa ra mục tiêu cụ thể, phấn đấu đến năm 2025: Duy trì kết quả đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; duy trì tỷ lệ người trong độ tuổi từ 15-60 tuổi biết chữ đạt 99,5% trở lên; tỷ lệ người mới biết chữ tiếp tục học tập và không tái mù chữ đạt 95%; 100% quận, huyện, thị xã duy trì, giữ vững kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo; duy trì kết quả đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; 100% quận, huyện, thị xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3. Tỷ lệ lao động được qua đào tạo đạt 75-80%, trong đó lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 55-60%; tỷ lệ người trong độ tuổi lao động được trang bị năng lực thông tin đạt 50%; tỷ lệ người trong độ tuổi lao động được trang bị kỹ năng sống đạt 50%; tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên được đào tạo trình độ chuyên môn kỹ thuật đạt 50%...
Về hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục, phấn đấu 80% cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở giáo dục khác triển khai hoạt động quản lý, giảng dạy và học tập trên môi trường số; 70% các trung tâm học tập cộng đồng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức hoạt động giáo dục; tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia đạt 80 - 85%.
Về việc xây dựng các mô hình học tập, phấn đấu tỷ lệ người dân đạt danh hiệu công dân học tập đạt 50%; tỷ lệ người dân có kỹ năng số đạt 50%; tỷ lệ gia đình, dòng họ, cộng đồng đạt danh hiệu gia đình, dòng họ, cộng đồng học tập đạt 60%; tỷ lệ đơn vị được công nhận là đơn vị học tập đạt 50%; 40% quận, huyện, thị xã được công nhận danh hiệu huyện học tập theo các tiêu chí do cơ quan có thẩm quyền ban hành.
Đến năm 2030, duy trì kết quả đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; người trong độ tuổi 15-60 biết chữ đạt tỷ lệ 99,6%; người mới biết chữ tiếp tục học tập và không tái mù chữ đạt tỷ lệ 96%; 100% quận, huyện, thị xã duy trì, giữ vững kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo; duy trì kết quả đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; 100% quận, huyện, thị xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3. Tỷ lệ người lao động được qua đào tạo đạt 80-85%; tỷ lệ người trong độ tuổi lao động được trang bị năng lực thông tin đạt 70%; tỷ lệ người trong độ tuổi lao động được trang bị kỹ năng sống đạt 70%; tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên được đào tạo trình độ chuyên môn kỹ thuật đạt 60%, trong đó, 15% dân số có trình độ đại học trở lên...
Quang cảnh Hội nghị Tập huấn Kết thúc Hội nghị, đồng chí Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàn Kiếm Hoàng Minh Hằng, nhấn mạnh để thực hiện được các mục tiêu trên, yêu cầu Hội Khuyến học các đơn vị phối hợp tham mưu cấp ủy Đảng, chính quyền tổ chức nghiên cứu, quán triệt, học tập, phổ biến, tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Hằng năm kiểm tra, giám sát việc triển khai, tổ chức thực hiện Nghị quyết tại đơn vị mình; tổ chức sơ kết đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm công tác tổ chức, triển khai thực hiện Nghị quyết. Với những nội dung thiết thực và quan trọng được báo cáo viên tâm huyết, nhiều kinh nghiệm truyền đạt trong Hội nghị Tập huấn, quận Hoàn Kiếm sẽ phát huy nguồn lực văn hóa, nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực “vừa hồng, vừa chuyên” phục vụ cho sự phát triển bền vững của quận Hoàn Kiếm và Thủ đô Hà Nội Anh hùng, ngàn năm văn hiến.
Tin bài và ảnh: ĐẶNG THỊ THU HÀ
Chuyên viên Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàn Kiếm
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://nukeviet.vn là vi phạm bản quyền