Danh Mục Chính

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 119

Máy chủ tìm kiếm : 3

Khách viếng thăm : 116


Hôm nayHôm nay : 1467

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 23899

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 26614002

Liên Kết

Tuyển sinh 2014
Báo Dân Trí
Bộ Giáo Dục - Đào Tạo
Mạng Giáo Dục Edu Net
Học Mãi
Hội Khuyến Học Việt Nam
Sở Giáo Dục & Đào Tạo Hà Nội

Trang nhất » Tin Tức » Bạn có biết ?

ĐI THEO CON ĐƯỜNG TỰ HỌC CỦA BÁC HỒ

Chủ nhật - 17/07/2022 09:45
Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu tấm gương sáng về học tập suốt đời cho toàn Đảng, toàn dân cùng lớp lớp thế hệ trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam, nguyện phấn đấu học tập và noi theo.
ĐI THEO CON ĐƯỜNG TỰ HỌC CỦA BÁC HỒ

ĐI THEO CON ĐƯỜNG TỰ HỌC CỦA BÁC HỒ

      Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn phấn đấu, rèn luyện bằng sự nỗ lực của bản thân nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của sự nghiệp cách mạng. Bằng con đường kiên trì tự học tập, tự nghiên cứu, Người đã có trình độ học vấn uyên bác, tầm hiểu biết toàn diện và sâu sắc. Người rất quan tâm đến việc học tập của mọi tầng lớp nhân dân, nhất là cán bộ đảng viên, thanh, thiếu  niên, phụ nữ, đồng bào các dân tộc thiểu số.
      Đọc và suy ngẫm về tấm gương học tập suốt đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh để mỗi chúng ta hiểu và thêm quyết tâm học tập và làm theo tinh thần tự học, học suốt đời của Bác. Trong bài tham luận này sẽ đi sâu phân tích về cách học từ gia đình, ở trường lớp, từ bạn bè, từ nhân dân của Bác để chúng ta noi theo.
      Bác Hồ sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, mảnh đất có truyền thống hiếu học và cách mạng. Thân phụ của Người là cụ Nguyễn Sinh Sắc đậu Phó bảng nhưng không muốn ra làm quan, trong gia đình vẫn sống thanh bạch và đạm bạc. Cụ Nguyễn Sinh Sắc thường căn dặn các con phải siêng năng học tập, “chớ lấy phong cách nhà quan làm phong cách nhà mình”. Lúc nhỏ Bác Hồ được cha gửi học chữ Hán với thầy Vương Thúc Quý người cùng làng, một “sĩ tử Cần Vương”. Nhà thầy là nơi các sĩ phu thường lui tới, những hôm nhà thầy có khách Bác thường được thầy lưu lại giúp việc, qua đó Bác nghe được nhiều chuyện trong buổi luận đàm của các sĩ phu yêu nước, bước đầu tiếp thu tư tưởng yêu nước của các bậc cha chú. Bác sống quãng đời niên thiếu bên đèn sách, được sự dạy dỗ, giáo dục của gia đình và với tư chất thông minh Bác nắm khá vững kiến thức Hán văn và chịu ảnh hưởng chí hướng yêu nước, thương dân của gia đình, của các thầy dạy và các sĩ phu yêu nước trong vùng. Gia đình đã là cái nôi, còn quê hương là trường học đầu đời có ảnh hưởng sâu sắc đến nhân cách của Bác từ tấm bé.
      Gia đình là tế bào của xã hội, cái nội nuôi dưỡng và hình thành nhân cách của mỗi con người, là nơi đầu đời dạy ta “học ăn, học nói, học gói, học mở”. Trong cuốn Hồ Chí Minh toàn tập có ghi lời căn dặn của Bác: “Giáo dục các em là việc CHUNG của gia đình, trường học, xã hội, bố mẹ, thầy giáo, và người lớn phải cùng nhau phụ trách; trước hết là phải làm gương mẫu cho các em trong mọi việc” (Hồ Chí Minh: toàn tập, Sđd, t10, tr175).
       Những năm 1906 đến 1908, Bác theo cha vào Huế chờ ‘bổ nhiệm’ làm quan, Bác theo học các lớp dự bị, sơ đẳng tại trường tiểu học Đông Ba và lớp trung đẳng trường Quốc học Huế. Ngoài việc học ở trường Bác còn lo nội chợ giúp cha và còn nhờ cha mượn sách ở thư viện về đọc. Tại Huế Bác chứng kiến thực dân Pháp bóc lột, khinh miệt nhân dân ta, được nghe về những ông vua yêu nước chủ trương chống Pháp và những bàn luận của các sĩ phu yêu nước đương thời. Những năm tiếp theo Bác lại được cha gửi đến Quy Nhơn để học thêm tiếng Pháp tại trường Pháp - Việt Quy Nhơn. Khi cụ Nguyễn Phong Sắc bị triều đình bãi chức và triệu về Huế, Bác xin Cha cho đi vào Sài Gòn, mà không thể hoàn tất việc học tập của mình ở trường lớp chính quy. Khi dừng chân ở Phan Thiết, Bác đã xin vào dạy học ở trường Dục Thanh, khi dạy học Bác hết lòng thương yêu, chăm sóc học trò, Người đem kiến thức thu nhận được, nhất là thơ ca yêu nước phổ biến cho họ. Đầu năm 1911, Bác rời đi Sài Gòn thực hiện hoài bão từng nung nấu là tìm cách sang Pháp và các nước phương Tây để “xem họ làm thế nào rồi trở về giúp đồng bào”. Trước khi ra nước ngoài Bác đã hấp thụ truyền thống văn hóa gia đình, quê hương, văn hóa kinh đô Huế, từng bước hấp thụ văn hóa nhân đạo và dân chủ phương Tây. Tất cả những kiến thức thu nhận được ở trường lớp, ở thực tiễn quê hương, đất nước là những kiến thức nền tảng để Bác tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại. Với trải nghiệm thực tế của bản thân, Bác cho rằng học ở trường lớp có vai trò quan trọng đối với mỗi con người.
      Tục ngữ Việt Nam có câu: “Học thầy không tày học bạn”, vì bạn bè dễ đồng cảm, dễ chia sẻ, dễ trao đổi và dễ thu nhận nhiều kiến thức, kinh nghiệm từ họ. Đó cũng là cách tự học ở nhiều nơi, nhiều chỗ, nhiều nguồn. Bác Hồ khuyên mọi người học ngay trong bạn bè, kinh nghiệm của Bác là “Ngoài cách học ở trường, ở lớp, học trên sách báo .v.v…có một cách học rất tốt ai cũng có thể tham gia hàng ngày đó là cách học tập ngay trong sản xuất, học tập những người, những tổ, những đơn vị tiên tiến”(Hồ Chí Minh: toàn tập, Sđd, t12, tr528). Theo Bác trong những bạn bè, có những người tiên tiến và trong phương pháp học tập và làm việc của họ có những điểm tốt cần học, có thể giúp cho học tập và làm việc của ta tiến nhanh, tiến mạnh. Biết học tập những người tiên tiến, còn phải biết học những cái hay, cái tốt, tránh cái dở, cái xấu của những người trung bình hoặc những người chậm tiến để giúp ta tiến bộ. Trong những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch có nêu một số dẫn chứng kể về việc học ngoại ngữ của Người: Hồi ở Pháp, Bác đang nghỉ chờ việc ở nhà viên chủ tàu, Bác học tiếng Pháp với cô sen; Khi Bác rời Mỹ tới Anh. Tại đây, Người gặp một người Việt Nam và trở thành đôi bạn thân, cùng nhau vừa làm việc kiếm sống, vừa giúp nhau học tiếng Anh. Người bạn đó kể lại: “Tôi hỏi anh Ba (tên của Bác hồi đó): Ai đưa anh tới đây, đến nước Anh? Anh Ba trả lời: Tôi đến đây một mình để học tiếng Anh. Tôi nói: Hay đấy, nhưng tiếng Anh học rất khó. Đã hai năm tôi ở thành phố này mà không biết hơn, ngoài hai chữ Yes (vâng) và No (không). Anh Ba nói: Phải học chứ, chúng ta sẽ cùng nhau học”. Đến nước nào, Người đều tự học tiếng nước đó, dần dần biết được nhiều ngoại ngữ để đọc sách, báo, nâng cao tầm hiểu biết.
      Bài học của Bác là phải học hỏi lẫn nhau trong việc làm hàng ngày, trong việc lớn cũng như việc nhỏ, việc cao cũng như việc thấp.
      Bác Hồ thường xuyên căn dặn cán bộ, đảng viên trong hoạt động công tác phải đi sâu, đi sát quần chúng, phải dựa vào dân. Bác nói rõ: Làm cách mạng không thể một mình làm được, mà cần nhiều người cùng làm. Ngoài ra, còn phải học hỏi nhân dân, vì dân trăm tai, nghìn mắt, lại có nhiều ý kiến rất thông minh, kinh nghiệm, sáng kiến rất nhiều giúp cho công tác tiến bộ. Mà muốn học hỏi dân phải có nhiệt tình, có quyết tâm, phải khiêm tốn, phải chịu khó. Việc gì cũng phải bàn bạc với nhân dân, giải thích cho dân. Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được; dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không thành. Trong một bức thư Bác gửi các kỳ, tỉnh, huyện, làng  ngày 17/10/1945, Bác viết: “…Việc gì có lợi cho dân ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”. Nhớ lại ngày 2/9/1945, khi Bác Hồ trịnh trọng đọc Bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trước 20 vạn đồng bào có mặt trên Quảng trường Ba Đình hôm đó, Bác kính yêu hỏi một câu: “Tôi nói, đồng bào có nghe rõ không?”. Thật thân tình, thật chu đáo, ấm nồng tình yêu giữa lãnh tụ và nhân dân. Người thường nhắc câu nói: “Dễ mười lần không dân cũng chịu. Khó trăm lần dân liệu cũng xong”. Người còn căn dặn: “Học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân, không học nhân dân là một thiếu sót lớn” (Hồ Chí Minh: toàn tập, Sđd, t6, tr361).  Còn với dân, Người dặn: “ Dân ta xin nhớ chữ đồng: “ Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh”. Vâng, đó là tư tưởng, là văn hóa Hồ Chí Minh coi dân là bầu trời bao la, rộng lớn.
      Trên con đường tự học tập, tự nguyên cứu và hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thức sâu sắc và thấy rõ tầm quan trọng của việc học tập, bởi nó là kim chỉ nam cho mọi hoạt động, giúp cho việc nâng cao nhận thức, bổ sung kiến thức, trao dồi tri thức đối với mỗi người, đối với mỗi dân tộc. Ngay khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công Bác đã ký ngay Sắc lệnh thành lập Bộ Giáo dục nhằm trước mắt diệt giặc dốt, sau đó mở mang việc học tập, nâng cao trình độ văn hóa và mở mang kiến thức cho toàn dân.
      Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra bốn trụ cột của việc học tập: Học để biết, học để làm, học để làm người, học để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Đó là những nguyên tắc cơ bản Bác chỉ đạo nền giáo dục nước nhà./.
             Tháng 5/2022

NGUYỄN THỊ TUYẾT
Phó chủ tịch HKH phường Hàng Trống,
Quận Hoàn Kiếm - TP Hà Nội.

 

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá về website này như thế nào?

Đẹp và dễ sử dụng

Đẹp nhưng khó sử dụng

Bình thường

Không đẹp

Giới thiệu

Tổ chức Hội Khuyến học Việt Nam

  1. Tôn chỉ, mục đích Hội Khuyến học Việt Nam là tổ chức xã hội của mọi công dân và tổ chức Việt Nam tâm huyết với sự nghiệp "trồng người góp sức phấn đấu cho phong trào " toàn dân học tập, toàn dân tham gia làm giáo dục", "cả nước trở thành một xã hội học tập" nhằm nâng cao dân trí, đào tạo...

trung tam dạy tốt Luyện thi đại học