Danh Mục Chính

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 49

Máy chủ tìm kiếm : 5

Khách viếng thăm : 44


Hôm nayHôm nay : 602

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 203889

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 26793992

Liên Kết

Tuyển sinh 2014
Báo Dân Trí
Bộ Giáo Dục - Đào Tạo
Mạng Giáo Dục Edu Net
Học Mãi
Hội Khuyến Học Việt Nam
Sở Giáo Dục & Đào Tạo Hà Nội

Trang nhất » Tin Tức » Bạn có biết ?

ĐẶT VIỆC HỌC TẬP LÊN HÀNG ĐẦU!

Chủ nhật - 15/09/2024 16:24
ĐẶT VIỆC HỌC TẬP LÊN HÀNG ĐẦU!

ĐẶT VIỆC HỌC TẬP LÊN HÀNG ĐẦU!

Dân tộc ta có truyền thống hiếu học vô cùng quý báu và đã trải suốt mấy nghìn năm. Nhờ đó mà trong lịch sử đất nước ta luôn xuất hiện những hiền tài, danh nhân kiệt xuất làm rạng rỡ non sông, đất nước. Đó là vị Trạng Nguyên nhỏ tuổi nhất Nguyễn Hiền (Ông đỗ Trạng Nguyên năm 13 tuổi); đó là Lý Thường Kiệt, nổi tiếng với bài thơ thần “Nam Quốc Sơn Hà” - Bản Tuyên ngôn đầu tiên của nước Việt Nam ta và Nguyễn Trãi với “Bình Ngô đại cáo” hay Nguyễn Du với “Truyện Kiều”. Đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh với bản “Tuyên ngôn độc lập” - khai sinh ra Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa nay là Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Và còn rất rất nhiều những vị danh nhân khác, đó là những tấm gương sáng hiếu học và sẽ mãi mãi trường tồn cùng đất nước, soi sáng đến muôn đời sau.
     Phát huy truyền thống lịch sử ngàn năm văn hiến, anh hùng; truyền thống hiếu học, trọng học, tiếp tục phát huy tinh thần “Học tập suốt đời”, “Tự học thành tài” lan tỏa trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, xã hội, góp phần xây dựng xã hội học tập trên địa bàn phường Yên Hòa - “Đất Khoa bảng, Tứ danh hương”; đó là gương tinh thần hiếu học của “Gia đình học tập tiêu biểu” - Bà Đào Thu Hương.
     Bà Đào Thu Hương - Sinh năm 1957, hiện đang ở tại số nhà 30 ngõ 149 tổ dân phố số 29, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Bà Đào Thị Hương sinh ra trong một gia đình bần nông và lớn lên khi đất nước đang có chiến tranh. Thời gian đó, chắc ai cũng hiểu nỗi khó khăn, vất vả của của gia đình bà Hương cũng như người dân khi đất nước bị xâm lăng. Cuộc sống luôn phải vật lộn với miếng cơm, manh áo, lòng luôn đầy ắp lo âu - lo sao an toàn không bị bom rơi, đạn lạc, lo sao mai đến lớp có được đến lớp học không? Việc học tập hồi đó rất khó khăn, lớp học dưới hầm trong lòng đất, trời mưa nước ngập đến đầu gối. Sách giáo khoa thiếu - 10 người chung nhau một bộ sách cũ do trường cho mượn. Nhưng cha, mẹ bà Đào Thị Hương vẫn đặt việc học lên hàng đầu, nên quyết chí cho sáu chị em Bà ai cũng được đến trường học. Bà Đào Thị Hương chia sẻ: “Càng lớn lên, đọc nhiều sách, bà càng ý thức được việc học vô cùng quan trọng và cần thiết nên bà đã cố gắng học thật tốt và năm lớp 7 đã đạt giải Nhất kỳ thi Học sinh giỏi môn Toán cấp Thành phố (vì lúc đó đất nước trong chiến tranh nên giải cấp Thành phố là giải cao nhất)”.

Bà Đào Thị Hương tham luận tại Ngày Hội Khuyến học phường Yên Hòa năm 2024
 
     Từ nhỏ bà Đào Thị Hương đã ước mơ sau này trở thành cô giáo, mong học được thật nhiều, trang bị thật nhiều kiến thức để có thể truyền lại cho các thế hệ con cháu sau này. Nhưng do gia đình bà khi đó còn nghèo, bà chỉ học hết lớp 7, sau đó đi làm công nhân lấy tiền phụ giúp bố mẹ để cho ba em dưới bà được học hết cấp III và vào đại học. Tuy đi làm công nhân nhưng ước mơ làm giáo viên vẫn luôn cháy bỏng trong lòng, nên bà đã vừa làm, vừa học chương trình cấp III và động viên người yêu bà là ông Lê Văn An (sau này là chồng bà Đào Thị Hương) cùng học. Năm 1978 ông An và bà Hương kết hôn, năm 1979 ông, bà dự thi tốt nghiệp cấp III cùng với học sinh Trường cấp III Vân Nội, huyện Đông Anh, Hà Nội với tấm bằng loại Giỏi. Sau khi thi tốt nghiệp được 1 tháng 26 ngày thì bà sinh con đầu lòng. Do con còn nhỏ, bà lại đang là công nhân Tổng Công ty Xây dựng Cầu Thăng Long do Bộ Giao thông quản lý, nên việc chuyển sang làm nghề dạy học không dễ chút nào. Khi con thứ hai của bà được 18 tháng tuổi thì bà thi đỗ vào Trường Đại học Sư phạm, đúng vào thời điểm khi mà hàng chục nghìn giáo viên bỏ nghề do lương thấp, không đủ trang trải cuộc sống. Bà Hương xin thôi việc tại Tổng Công ty Xây dựng Cầu Thăng Long và nhập học vào Trường Đại học Sư phạm. Khi đó, cầu Thăng Long ở giai đoạn hoàn thiện nên khối lượng công việc ít, công nhân phải thay nhau nghỉ không lương. Chồng bà Hương cũng nằm trong số đó - thất nghiệp, không có việc làm, đồng nghĩa không có lương, kinh tế gia đình bà gặp rất nhiều khó khăn, để nuôi con và có tiền đi học, bà làm thêm nghề may, chồng bà làm thêm nghề mộc. Dù khó khăn chồng chất nhưng với niềm đam mê và sự nỗ lực không ngừng nghỉ, cuối cùng bà Đào Thị Hương đã thực hiện được ước mơ của mình là làm nghề dạy học ở tuổi 32, tức là muộn hơn bạn học cùng khóa 12 năm. Ra trường với đồng lương ít ỏi ông, bà cố gắng tằn tiện nuôi các con khôn lớn. Bà Hương tâm sự: “Khi đó, dù nhiều khi buổi sáng bà không có gì ăn, bụng đói cồn cào, nhưng đến trường cảm nhận niềm vui được đi học qua ánh mắt rạng ngời và sự ham học hỏi của những đứa trẻ, bà thấy lòng mình ấm lại, bao nỗi lo âu, nhọc nhằn tan biến”. Với tình yêu nghề bà Hương đã vượt qua khó khăn, thương học sinh như con em mình, say sưa rèn giũa, kết quả nhiều học sinh đạt giải cấp quận, cấp thành phố, cấp quốc gia, có năm 100% học sinh lớp do bà làm chủ nhiệm đã thi đỗ vào Trường PTHT Chuyên Hà Nội - Amsterdam, Trường Chuyên Ngoại ngữ, Trường PTTH Nguyễn Tất Thành,…
     Việc dạy dỗ con cháu không phải là khó khăn nhưng cũng không hề dễ dàng. Như Tam tự kinh viết “Nhân chi sơ tính bổn thiện”, ông bà ta nói “Dạy con từ thuở còn thơ” thật chính xác. Con người mới sinh ra vốn trong sáng, hồn nhiên, vô tư như một tờ giấy trắng, tờ giấy ấy trở thành bức tranh đẹp rực rỡ đầy màu sắc, cuốn hút người thưởng thức hay không là do bàn tay người họa sĩ vẽ nên bức tranh đó. Họa sĩ ở đây là các bậc cha mẹ, thầy, cô giáo. Bởi vậy các bậc làm cha làm mẹ ngoài việc lo cho con ăn, mặc, học hành, luyện tập, rèn luyện sức khỏe hợp lý, khoa học thì còn phải chăm lo uốn nắn, dạy dỗ con từ lời ăn, tiếng nói, đến các cách đối nhân xử thế: Kính trên nhường dưới, hiếu thuận với ông bà, cha mẹ, kính trọng lễ phép với người trên. Đồng thời phải trang bị cho con có một hành trang kiến thức sâu rộng, để con tự tin bước vào đời. Về việc dạy dỗ, nên lấy “Lễ” làm trọng “Tiên học lễ, hậu học văn”. Lễ là gốc. Con người phải được dạy bảo thường xuyên và lặp đi lặp lại nhiều lần như “đêm ngủ, ngày thức” để gieo vào lòng những đứa trẻ thói quen và thấm nhuần đạo lý. Để dạy con cháu những bài học đạo đức, những lễ nghĩa tối thiểu như “Đi thưa về trình, kính trên nhường dưới, yêu thầy, mến bạn, lễ phép với người trên”. Bà đã xây dựng tủ sách và văn hóa đọc ngay trong gia đình. Bà hướng dẫn các con cháu cách đọc và làm theo những bài học sâu sắc về đạo lý làm người, những thông điệp quý giá được tác giả gửi gắm qua từng vần thơ, từng câu chuyện. Sao cho những bài học quý báu đó phải khắc sâu vào tâm trí trẻ thơ. Ngoài ra mỗi bậc cha mẹ phải là tấm gương sáng cho con cháu học tập và noi theo. Bà luôn dạy và nhắc nhở con cháu tính trung thực như các cụ ta đã dạy “Đói cho sạch, rách cho thơm”, đồng thời Bà dạy con cháu phải có tinh thần ham học hỏi và luôn giữ lễ phép trong giao tiếp, đối nhân xử thế theo lời dạy sâu sắc của ông cha ta “Chim khôn kêu tiếng rảnh rang, người khôn tiếng nói dịu dàng dễ nghe”. Việc nuôi dạy con cháu của ông bà là như thế. Bà Hương chia sẻ: “Nhưng hiểu và thực hiện được đúng những điều chúng tôi dạy thì tôi phải cảm ơn các con mình, chúng đã không phụ lòng cha mẹ”.

Bà Đào Thị Hương (thứ ba từ trái sang) nhận Giấy khen "Gia đình học tập tiêu biểu"
 
     Cuộc sống không phải lúc nào cũng yên lặng, thanh bình, êm ả như mặt hồ nước mùa Thu, sóng gió cuộc đời lại nổi lên đối với bà và gia đình. Khi bà Hương 37 tuổi, bà lâm bệnh rất nặng, tưởng không qua khỏi, gia đình đã khó khăn lại càng thêm khó, bà nằm liệt giường, chồng bà đi làm xa, đứa lớn mới 13 tuổi đã bất đắc dĩ làm chủ gia đình, cháu phải chăm sóc, tắm gội, nâng đỡ, thuốc thang cho mẹ, phải lo đi chợ mua sắm thực phẩm về nấu nướng cho cả nhà, phải lo kèm cặp bài vở cho em gái, mọi gánh nặng gia đình đổ lên đôi vai nhỏ bé của cháu lớn. Rất may, bệnh của bà thuyên giảm dần và 3 tháng sau bà đi dạy trở lại. Hai cháu lớn dần, chúng thay nhau phụ giúp ông bà việc nhà để bà có nhiều thời gian chuyên tâm cho việc dạy học, nên đã đạt được nhiều thành tích trong giảng dậy. “Qua cơn bĩ cực, đến hồi thái lai”, quả đúng như vậy, dù trải qua bao nhiêu khó khăn, vất vả, nhưng gia đình bà Đào Thị Hương đã đầu tư đúng hướng “đầu tư cho giáo dục”. Bà đã dồn tất cả thời gian, công sức, tiền bạc đầu tư cho việc học của con mình và bà đã thành công. Nhưng đây mới là thành công bước đầu, bà luôn dạy các con cháu việc học không bao giờ là đủ, mà phải học tập suốt đời đúng như câu nói truyền cảm hứng của Lê-Nin “Học, học nữa, học mãi!”, Gia đình ông bà sẽ duy trì, phát huy truyền thống hiếu học để các thế hệ ngày càng trưởng thành, đồng thời giữ vững danh hiệu “Gia đình hiếu học” đã đạt được trong những năm qua.
     Xây dựng con người hiếu học, gia đình hiếu học là nền tảng của giáo dục nước nhà. Chúng ta cần ý thức rằng chỉ có nền giáo dục tốt mới đưa chúng ta đến đỉnh cao của vinh quang và hạnh phúc, nước ta mới sánh vai được với các cường quốc năm châu. Người người học tập, nhà nhà học tập,… kế thừa và phát huy truyền thống hiếu học của ông cha ta để lại, không ngừng phấn đấu, rèn chí luyện tài, đóng góp công sức vào công cuộc đổi mới và phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh. Tin tưởng rằng với gia đình bà Đào Thị Hương ở phường Yên Hòa cũng như các gia đình khác trong phường và các phường khác trong quận Cầu Giấy ngày càng có nhiều người hiếu học, nhiều gia đình học tập xứng đáng với truyền thống hiếu học lâu đời của dân tộc Việt Nam, đóng góp nhiều nhân tài cho xã hội, cho đất nước trong thời đại mới. Gia đình bà Đào Thị Hương xứng đáng là “Gia đình học tập tiêu biểu”, là điểm sáng trong phong trào “Học tập suốt đời”, “Học không bao giờ cùng” của phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy và luôn đặt việc học tập lên hàng đầu./.
 
Tin bài và ảnh: NGUYỄN BÁ CHÂU
Trưởng ban Thông tin Tuyên truyền Hội Khuyến học Hà Nội

Những tin cũ hơn

 

Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá về website này như thế nào?

Đẹp và dễ sử dụng

Đẹp nhưng khó sử dụng

Bình thường

Không đẹp

Giới thiệu

Tổ chức Hội Khuyến học Việt Nam

  1. Tôn chỉ, mục đích Hội Khuyến học Việt Nam là tổ chức xã hội của mọi công dân và tổ chức Việt Nam tâm huyết với sự nghiệp "trồng người góp sức phấn đấu cho phong trào " toàn dân học tập, toàn dân tham gia làm giáo dục", "cả nước trở thành một xã hội học tập" nhằm nâng cao dân trí, đào tạo...

trung tam dạy tốt Luyện thi đại học