CÔ KHÔNG PHẢI CÔ GIÁO GIÀ
Thi thoảng, lũ chúng tôi ngồi với nhau vẫn hay tán chuyện “già” hay “trẻ”. Kỳ thực, với đám đàn bà, thứ người ta sợ nhất chính là chữ “già”. Chữ già giống như tiếng sét dội vào những hồ hởi của cuộc đời khiến con người ta dễ dàng nhận ra sự rệu rã của mình khi bước sang giai đoạn cuối của cuộc đời. Chữ “già”, khiến người ta thấy mình mất đi những nhiệt thành, sôi nổi của thời sức khỏe còn tràn trề. Ai cũng sợ nó. Và Tôi cũng không là ngoại lệ.
Cái lúc chớm bước sang tuổi 35, lần đầu tiên nghe đứa em mới về thực tập gọi Tôi bằng cô. Tôi mất nguyên một ngày buồn. Con bé không cố ý, nhưng mà Tôi để ý. Tôi cứ nghĩ mãi đến từ cô đầy trân trọng nó dành cho Tôi mà không hiểu sao thấy lo sợ mơ hồ một điều gì đó. Khi mỗi buổi sáng tỉnh dậy, Tôi vẫn hồ hởi với một điệu erobic hay điệu nhạc vui vẻ nào đó để chuẩn bị bữa sáng cho mấy anh chàng yêu quý của Tôi. Ấy thế mà khi được gọi cô vào một ngày đẹp trời, Tôi bỗng thấy mình như rơi xuống đáy vực. Lòng mơ hồ sự lo sợ.
Tôi muốn kể về Cô giáo Lê Vân - Thần tượng của Tôi - Cô giáo chưa bao giờ thấy mình già.
Cô Lê Vân sắp đến tuổi về hưu. Cô chỉ còn có hai năm nữa là đã không dạy cùng chúng tôi nữa. Tôi nhớ mãi lần đầu tiên Tôi chuyển về dạy ở ngôi trường bây giờ, dự giờ Tôi xong, Cô vỗ vỗ vai Tôi cười:
- Tuổi trẻ, còn xông pha nhiều. Cố lên cháu.
Tôi cũng buồn nẫu ruột vì tiết dạy ấy chưa được tốt như ý mình, nhưng mà Tôi còn buồn hơn là Thầy Hiệu trưởng trêu Tôi bảo “Cô cho các cháu thêm tiết nữa để chép bài” - Là Thầy vui tính, trêu Tôi vì Tôi cho học sinh ghi bài nhiều quá.
Nhiều học trò của Cô Lê Vân trong Lễ Tuyên dương khen thưởng các cháu học sinh,
sinh viên đạt thành tích xuất sắc trong học tập và thi đỗ Đại học Tôi dự giờ Cô Vân ngay sau đó. Dáng điệu dịu dàng và xinh đẹp của Cô làm Tôi thấy say mê, quên hết cả việc ghi chép bài dạy. Sao ở đất này, lại có người phụ nữ có phong cách đáng yêu như vậy. Cứ thầm mơ ước mình được như Cô. Cô nhẹ nhàng, mỗi câu hỏi Cô nói với học trò chẳng bao giờ thừa thãi, không có lấy một chút run run giống như người khác mỗi lần có người thăm lớp. Cô giáo Vân đem đến cho người dự giờ phong thái tự tin và vốn kiến thức chắc chắn và rõ ràng. Tôi thích phong cách ấy. Tôi dặn mình học hỏi theo Cô Vân.
Mỗi lần có cơ hội làm cùng Cô điều gì đó, Tôi lại không khỏi ngạc nhiên vì những điều mới mẻ Cô đem lại. Mỗi một bài dạy của Cô là một sự sáng tạo, mỗi một lần dự giờ Cô lên lớp là một lần Cô đổi mới. Nhưng điều khiến Tôi thích nhất ở Cô lại nằm ở trái tim yêu nghề, mến trẻ và say sưa với công việc.
Khi người ta bước đến tuổi ngoài 50, thường sự mệt mỏi hay hiện rõ trên từng việc họ làm. Nhiệt huyết không bao giờ như lúc ban đầu. Nhưng Cô Vân vẫn thế - Giống như hồi 20 tuổi thì phải nhẽ.
Sáng sáng, khi Cô đến trường, lũ trẻ con bao giờ cũng xúm lại giống như bọn trẻ thấy mẹ đi chợ về. Trên khuôn mặt tươi tắn hiền từ của Cô, lúc nào cũng dành cho chúng những nụ cười và cái nhìn trìu mến. Những đứa học trò học kém trên lớp, Cô không quản ngại điều gì. Sau những giờ dạy là những tiết nghỉ ngơi, thường việc Cô hay làm là đem vở xuống để chấm chữa tỉ mỉ. Cô ân cần với từng đứa bé giống như người bà, người mẹ.
Mỗi lần có tập huấn hay thay đổi gì đó cần đi học, Tôi đều thấy sự nhiệt tình trau dồi kiến thức của Cô. Cô giáo “già” đấy, nhưng nhiều đứa trẻ chúng tôi phải cắp sách theo Cô để học về công nghệ thông tin. Thiết kế bài giảng điện tử hay thay đổi về phần mềm liên quan đến giáo dục, Cô luôn luôn là người đầu tiên thành thạo, không kể mấy ham mê công nghệ như chúng tôi. Bữa Tôi giảng về một số ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, tối vừa ăn xong cơm, Tôi nghe có tiếng điện thoại:
- Alo, ai đấy ạ.
- Cô đây cháu. Này Cô hỏi, sao cái phần mềm hôm nay cháu hướng dẫn mà Cô cài chưa vào được nhỉ?
Tôi giật mình vì sự chăm chỉ của một Cô giáo “già”. Tôi giật mình vì sự lười biếng của chính mình khi đứng cạnh Cô…Sáng hôm sau, buổi tập huấn thứ hai, Tôi cười:
- Chăm nhất trường là “bà già Vân”.
- “Già” là “già” thế nào. Ta còn lâu đã “già” nhé các cháu.
Cả lớp được trận cười vui vẻ, nhưng lòng Tôi thì gia tăng thêm sự ngưỡng mộ vì sự chăm chỉ và hăng say của một Cô giáo. Giấy khen Cô có nhiều lắm, chúng tôi không đếm xuể. Thỉnh thoảng có đứa hỏi thăm Cô về những Giấy khen Cô có. Cô lại cười:
- Những tờ Giấy khen là những động viên của cấp trên đối với sự cố gắng của mình. Thật đáng trân trọng. Nhưng có một loại khen, không in trên giấy, đó là lời khen ngợi của phụ huynh và lời yêu thương của học trò, đó mới là vinh dự thật sự. Cô “già” rồi, sắp nghỉ hưu, nhưng Cô chưa bao giờ thấy mình “già” khi ở trên lớp học.
Mấy đứa chúng tôi lặng người đi, thầm nghĩ: Yêu trẻ con và được trẻ yêu, chắc chắn không bao giờ già. Cảm ơn Cô, Cô giáo “già mà không già”.
Tin bài và ảnh: LÊ THỊ THANH HUYỀN
Hội Khuyến học xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://nukeviet.vn là vi phạm bản quyền